Khi xây dựng phương án đón khách du lịch trở lại, mỗi địa phương đưa ra một điều kiện riêng khiến cả doanh nghiệp lẫn du khách đều ngần ngại
Nhiều địa phương chủ động phương án
Dự kiến hôm nay, 18-10, đoàn khách du lịch đầu tiên từ TP HCM sẽ đi Tây Ninh theo chương trình liên kết du lịch của 2 địa phương trong giai đoạn thí điểm. Ngành du lịch TP HCM cũng sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương khu vực Nam Trung Bộ và ĐBSCL để chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi và đẩy mạnh du lịch nội địa.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, kỳ vọng cùng với việc đưa khách từ thành phố đi các tỉnh, khách du lịch cả nước cũng có thể tới TP HCM bởi thành phố đã là điểm đến an toàn khi tỉ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ở mức rất cao.
Tại Khánh Hòa, căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh phê duyệt về đón khách nội địa đến hết năm 2021, Sở Du lịch đã ban hành hướng dẫn triển khai kế hoạch đón khách du lịch an toàn trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì kiểm tra, thẩm định về việc đáp ứng an toàn trong hoạt động du lịch đối với một số khách sạn, resort, khu du lịch trên địa bàn để sớm đón khách trở lại.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, việc khôi phục du lịch không chỉ nhằm mục đích thu ngân sách mà còn tạo động lực cho các ngành nghề cùng tái hoạt động. Tỉnh này hướng đến giai đoạn “bình thường mới” dựa trên tiêm chủng và các phương án bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
TP Đà Nẵng cũng vừa trình phương án đón khách nội địa trong giai đoạn đầu với nguồn du khách tại chỗ, dự kiến từ ngày 20-10. Giai đoạn 2 từ tháng 11, TP Đà Nẵng triển khai mô hình “bong bóng du lịch”, liên kết với một số tỉnh, thành khác. Tiếp đó, giai đoạn 3 sẽ là giai đoạn “bình thường mới”.
Tại tỉnh Quảng Nam, lộ trình khôi phục ngành du lịch được xây dựng theo các giai đoạn từ nay đến đầu năm 2022. Giai đoạn 1 (dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 10), thị trường mục tiêu là khách nội tỉnh và các tỉnh, thành liền kề (“vùng xanh”). Giai đoạn 2 (từ tháng 12), tỉnh thí điểm đón khách theo luồng xanh từ một số tỉnh, thành đã kiểm soát được dịch bằng tour du lịch khép kín. Giai đoạn này thực hiện khi toàn bộ người lao động các khu, điểm, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Nếu thuận lợi, từ tháng 1-2022, tỉnh Quảng Nam bắt đầu giai đoạn 3, mở rộng đón khách du lịch, nghỉ dưỡng trên cả nước.
Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Nam, khẳng định việc mở cửa đón khách sẽ gắn với công tác kiểm soát chặt quy trình phòng chống dịch nhằm tái khởi động cơ bản hoạt động du lịch, chuẩn bị sẵn sàng cho mùa du lịch cuối năm.
Du khách và doanh nghiệp đều “ngại”
Trong kế hoạch đón khách trở lại, một số địa phương đã đưa ra quy định, điều kiện riêng về việc kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh đã có công văn hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức hoạt động du lịch trong trạng thái “bình thường mới”. Cụ thể, Quảng Bình chỉ tiếp nhận khách du lịch đến từ “vùng xanh” hoặc “vùng vàng”. Khách du lịch từ “vùng vàng” chỉ được tham gia chương trình du lịch trọn gói theo hình thức khép kín hoặc các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù với quy mô nhỏ, bảo đảm an toàn và được sự cho phép của chính quyền địa phương.
Tại tỉnh Bình Thuận, sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, địa phương này cũng lên kế hoạch đón “du khách xanh” với các điều kiện đi kèm. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho biết đến nay, nhân lực ngành du lịch cơ bản đã được tiêm 1 mũi vắc-xin và dự kiến tiêm mũi 2 vào tháng 11. Đây là điều kiện quan trọng để tỉnh mở cửa đón khách an toàn. “Ngành du lịch tỉnh dự kiến đón khách trong nước trở lại vào ngày 24-10. Về điều kiện, tiêu chí đón khách cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ có văn bản hướng dẫn” – ông Khoa thông tin.
Tại TP Cần Thơ, lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, lưu trú được hoạt động trở lại khi địa phương này xác định cấp độ dịch trên địa bàn là cấp 2. Điều kiện đón khách lưu trú từ tỉnh, thành khác của TP Cần Thơ là người từ đủ 18 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính. Các khu di tích, danh lam thắng cảnh, khu – điểm du lịch… tập trung không quá 30 người/đoàn khách cùng thời gian.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, cho biết sở này đã phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tham mưu kế hoạch và trình UBND thành phố về việc phục hồi, kích cầu du lịch…, hiện chờ ban hành.
Tỉnh Lâm Đồng cũng chấp thuận mở cửa hoạt động trở lại đối với các cơ sở lưu trú; khu – điểm du lịch; đơn vị lữ hành và vận chuyển trong giai đoạn thích ứng với dịch Covid-19. Khách du lịch ngoại tỉnh phải chấp hành các quy định về phòng chống Covid-19 của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có yêu cầu cách ly hoặc theo dõi sức khỏe theo quy định… Đối với khách đi theo tour, mỗi đoàn không quá 25 người (các trường hợp khác đăng ký qua Sở VH-TT-DL) và hạn chế giao lưu giữa các đoàn.
Sau giai đoạn “đóng băng”, ngày 15-10, tỉnh Quảng Bình đón những khách du lịch đầu tiên đến từ TP HCM theo hình thức tour trọn gói cuối tuần Ảnh: HOÀNG PHÚC
Đại diện Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng việc khôi phục du lịch hiện nay còn gặp một số khó khăn liên quan đến khung pháp lý về phòng chống dịch. Đặc biệt, quy định về thẻ xanh, quy định về cách ly, phong tỏa, di chuyển ra vào các địa phương trên cả nước, quy định thời gian và hình thức cách ly khi khách trở về… chưa có sự đồng bộ, nhất quán. Ngoài ra, tỉ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam còn khá thấp và trẻ dưới 18 tuổi chưa được tiêm… cũng ảnh hưởng nhiều đến việc khôi phục du lịch.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN), nhiều công ty lữ hành bày tỏ ngần ngại trước những tiêu chí, quy định khác nhau của các địa phương về việc đón khách trở lại.
Ông Trần Minh Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Long Phú, Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa – cho hay bộ tiêu chí của Khánh Hòa đã cụ thể hóa quy định về đón khách, bảo đảm an toàn y tế ở lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, vui chơi giải trí, ăn uống, lưu trú. Công ty đang chuẩn bị nhân lực, cơ sở để mở cửa lại Khu du lịch Đảo Khỉ, suối Hoa Lan, tour nội tỉnh… Tuy nhiên, đây chỉ là những quy định áp dụng cho việc đưa khách đến các điểm theo hình thức tour khép kín của DN trong tỉnh, chưa rõ DN ở tỉnh khác đã được đưa khách du lịch đến hay chưa. “Cần phải có sự thống nhất cách làm giữa các địa phương cũng như cập nhật thông tin kịp thời” – ông Đức nêu ý kiến.
Nhiều DN còn phản ánh dù khách du lịch, nhân viên vận chuyển… đã có thẻ xanh Covid-19 nhưng một số địa phương vẫn yêu cầu test nhanh hoặc test PCR. Điều này khiến du khách “ngại” nên quyết định không đi du lịch. Ngoài ra, nhiều trường hợp du lịch kết hợp công tác, đăng ký nghỉ dưỡng tự túc tại khu du lịch nhưng phải đi theo tour trọn gói… Do đó, DN mong muốn các bộ, ngành, cơ quan trung ương sớm ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể, áp dụng cho toàn quốc.
Bộ VH-TT-DL gấp rút ban hành hướng dẫn
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho hay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao nhiệm vụ cho bộ khẩn trương ban hành hướng dẫn về du lịch thích ứng an toàn, từ đó có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc.
“Bộ đang gấp rút thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ với tinh thần tạo điều kiện tối đa cho DN trở lại hoạt động, đóng góp tích cực vào kinh tế – xã hội của từng địa phương. Thời gian tới, cần có hội nghị hướng dẫn triển khai và đưa thông điệp mạnh mẽ, nhất quán với DN” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt cũng cho biết ông nhận được nhiều tin nhắn, ý kiến đề xuất của các địa phương liên quan đến việc định hướng, quản lý thống nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN phục hồi và kích cầu du lịch theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ sẽ khẩn trương đưa ra những quy định tạm thời nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết 128.