Để ‘về đích’ 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm này, cũng như tăng tốc phát triển du lịch giai đoạn ‘mở cửa’ các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp kích cầu, thu hút du khách.
Thung lũng Mường Hoa nằm ở thị trấn Sapa (Lào Cai). Ảnh: TTTDL
Lượng du khách trong nước và quốc tế đến các điểm du lịch trong cả nước từ đầu năm đến nay tăng lên đáng kể. Ðây là tín hiệu vui cho ngành du lịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng, ngưng trệ do đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế. Để “về đích” 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm này, cũng như tăng tốc phát triển du lịch giai đoạn “mở cửa” với hàng loạt chính sách mới thông thoáng, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp kích cầu, thu hút du khách.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang cho biết, trong nửa cuối năm 2023, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương của Thủ đô tổ chức 50 sự kiện quảng bá du lịch của thành phố như: Lễ hội Du lịch Áo dài, Lễ hội Quà tặng, Festival Thu Hà Nội…
Trong chuỗi các hoạt động đó, nổi bật nhất phải kể đến Monsoon Music Festival – Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa sẽ diễn ra từ ngày 14-22/10 với sự tham dự của hơn 40 nghệ sỹ/ban nhạc trong nước và quốc tế, hơn 70 buổi biểu diễn và gần 4.000 phút công chúng được đắm chìm trong âm nhạc, lan tỏa không khí lễ hội khắp thành phố.
Theo thông tin từ ban tổ chức, Monsoon 2023 lấy chủ đề “Phố Hàng Nhạc” dựa trên nguồn cảm hứng từ tên gọi của 36 phố phường Hà Nội, với nhiều hoạt động ấn tượng như: Đêm Khai hội diễn ra tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày 14/10; Tuần lễ Phố Hàng Nhạc diễn ra tại hơn 10 địa điểm tại khu vực phố cổ Hà Nội và các điểm thuộc trung tâm quận Hoàn Kiếm từ 15-20/10; Khép lại chuỗi âm nhạc là đêm Thăng Long thành hội tại Khu di tích Lịch sử Hoàng thành Thăng Long ngày 21-22/10.
Bà Đặng Hương Giang cho biết thêm, từ giờ tới cuối năm 2023, du lịch Thủ đô chú trọng phát triển sản phẩm du lịch mới, sáng tạo; tập trung làm tốt từ môi trường du lịch, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng du lịch, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch, mang đến cảm giác hài lòng cho du khách khi đến với Hà Nội.
Thành phố cũng ưu tiên phát triển du lịch MICE, du lịch golf. Sở Du lịch đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu đầu tư khai thác tuyến du lịch đường sông dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô… gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại các quận, huyện, thị xã. Địa phương sẽ tập trung nghiên cứu tổ chức, khai thác tuyến buýt Bến Bạc-Bát Tràng trong năm nay.
Nha Trang được kỳ vọng là điểm đến lý tưởng của điện ảnh thế giới trong tương lai. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Tại Thừa Thiên Huế sẽ diễn ra Lễ hội mùa Thu với chủ đề “Huế vào Thu”, lễ hội kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 với khoảng 18 chương trình, hoạt động chính và 23 hoạt động hưởng ứng. Đại diện Trung tâm Festival Huế cho biết, điểm nhấn là Lễ hội Áo dài gắn với Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế kết hợp các hoạt động vui Tết Trung thu như: Lễ hội đèn lồng, ngày hội Lân và các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân…
Là một trong những thành phố thường xuyên có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, sự kiện và lễ hội sôi động quy mô lớn, Sở Du lịch Đà Nẵng vừa chính thức công bố chuỗi chương trình Lễ hội Tận hưởng mùa Hè Đà Nẵng 2023 – Wow Đà Nẵng.
Ông Tán Văn Vương Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết, bên cạnh các hoạt động lễ hội đã diễn ra, điểm nhấn trong dịp Hè này là Lễ hội ẩm thực Việt Nam – Quốc tế (28/7-1/8) quy tụ hơn 50 gian hàng ẩm thực địa phương, các vùng miền và ẩm thực quốc tế. Dịp này, các khu điểm du lịch tại Đà Nẵng đã làm mới nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm như: Chương trình Rực rỡ sắc màu Lễ hội mùa Hè “Bà Nà Wow Summer Festival,” Lễ hội Ẩm thực và Bia 2023 B’festival, Tuần lễ Văn hóa Hàn Quốc-Pháp, Show diễn chủ đề, hoạt động Bà Nà By Night – Vui mê say (tại khu du lịch Bà Nà Hills)…
Tại Tp. Hồ Chí Minh, Lễ hội Sông nước lần thứ nhất 2023 cũng sẽ diễn ra từ ngày 4-6/8, với chuỗi hoạt động văn hóa-giải trí-nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn kết hợp với các hoạt động trải nghiệm, các chương trình khuyến mãi mua sắm, kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật và đa dạng các hoạt động hưởng ứng khác.
Giám đốc Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, điểm nhấn của sự kiện là Chương trình nghệ thuật Lễ hội sông nước Tp. Hồ Chí Minh lần thứ nhất với chủ đề “Sài Gòn-Dòng sông kể chuyện,” sẽ diễn ra tại Cảng Sài Gòn-Cảng Hành khách tàu biển. Ngoài ra, nhiều hoạt động cũng được diễn ra trong không gian “trên bến dưới thuyền” tại quận 1, quận 8, như hoạt động nghệ thuật dân gian, các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử, tổ chức trang trí ánh sáng nghệ thuật dọc kênh, gian hàng giới thiệu ẩm thực vùng miền, bánh dân gian, trái cây ngon, sản phẩm đặc trưng…
Theo thông tin từ Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh, Lễ hội cũng có các hoạt động thể thao dưới nước đặc sắc như: Giải đua thuyền ở bến Bạch Đằng, trình diễn dù lượn, trình diễn bay bằng ván phản lực nước – Flyboard, trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao, hoạt động trình diễn đua ghe truyền thống, biểu diễn cano nước và các hoạt động tương tác chèo SUP…
Theo số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2023, cả nước đã đón được … lượt khách quốc tế, hoàn thành …% kế hoạch năm 2023; phục vụ khoảng … triệu lượt khách trong nước; tổng thu từ khách du lịch ước đạt … tỷ đồng. Dù chưa thể lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19, nhưng các số liệu cho thấy kỳ vọng về sự phục hồi và phát triển của ngành kinh tế xanh thời gian tới.
Cùng với Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, với nhiều quy định thông thoáng, các chuyên gia cho rằng ngành du lịch sẽ đạt và vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023./.