Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL về việc mở cửa chính thức đón khách du lịch quốc tế vào ngày 15/3 tới đây, ông đánh giá thông tin này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành Du lịch?
Có thể khẳng định, sau gần 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, việc Chính phủ đồng ý cho phép mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn sau thời gian thí điểm là thông tin hết sức vui mừng.
Như tỉnh Kiên Giang, một địa phương phát triển mạnh về du lịch nhưng trong thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch lớn gần như phải đóng cửa vì không thể đón khách, phần lớn lao động trong ngành cũng bỏ việc để làm nghề khác.
Việc thống nhất thời gian mở cửa đón khách quốc tế giúp cho doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch vững tin để chuẩn bị quay trở lại hoạt động. Đồng thời, đây cũng là sự khẳng định sự trở lại của ngành du lịch Việt Nam đối với khu vực và quốc tế.
Hiện nay, ngành du lịch Kiên Giang đã sẵn sàng và đang hết sức mong ngóng đến thời điểm chính thức mở đón khách du lịch quốc tế.
Nhiều khách quốc tế đã biết đến thông tin sau 15/3 Việt Nam đã mở cửa chính thức. Do đó, kết quả đón khách trong giai đoạn thí điểm thứ hai không đạt cao vì phần lớn khách đã lựa chọn đến du lịch Việt Nam sau thời điểm chúng ta chính thức mở cửa.
Kiên Giang là địa phương đầu tiên được chọn thí điểm đón khách du lịch quốc tế, xin ông cho biết kết quả cho đến nay và bài học kinh nghiệm rút ra đối với việc đón khách quốc tế thời kỳ hậu COVID-19?
Tính từ thời điểm 20/11 đến trước Tết Nguyên Đán, Kiên Giang đón được 10 chuyến bay chở các đoàn khách quốc tế đến du lịch tại Phú Quốc. Khách du lịch chủ yếu đến từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Uzbekistan,kazakhstan, Mông Cổ, Thái Lan, Lào… Qua thống kê có khoảng 1.300 khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trong đợt này.
Để có thể đón khách quốc tế trong đợt thí điểm vừa qua, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện nghiêm các hướng dẫn theo văn bản 4122 và 465 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, đối với các đơn vị đón khách đến lưu trú phải bố trí phòng riêng để test COVID-19 và phương án, kế hoạch cách ly khi khách du lịch dương tính COVID-19.
Đồng thời, phải quản lý chặt đoàn khách du lịch theo tour, tuyến cố định. Khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí và mua sắm cũng phải phân luồng riêng cho họ. Vừa qua, chúng ta đã chọn một số đơn vị đủ điều kiện để tham gia thí điểm.
Tôi cho rằng, qua hai giai đoạn thí điểm, dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều, chưa mang lại doanh thu lớn nhưng kết quả của việc thí điểm đã gây tiếng vang cho du lịch Việt Nam đối với quốc tế và trong khu vực.
Qua khảo sát, có rất nhiều khách quốc tế muốn đến du lịch tại Phú Quốc, Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, do khó khăn về các thủ tục nhập cảnh trong giai đoạn này nên cũng khiến cho họ rất ngại để đi du lịch. Đối với các khách du lịch từ Hàn Quốc, do quy định của họ sau khi trở về nước phải cách ly 14 ngày nên cũng rất nhiều khách hàng hủy kế hoạch. Do đó, trong thời gian tới, khi lựa chọn thị trường để kích cầu, quảng bá, chúng ta cũng cần quan tâm đến yếu tố này.
Ngoài ra, để khách quốc tế thực sự an tâm khi đến Việt Nam du lịch thì các chính sách, quy định phòng chống dịch của chúng ta phải nhất quán từ Trung ương đến địa phương.
Qua việc thí điểm đón khách quốc tế vừa qua, tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào để đón khách quốc tế trong thời gian tới?
Hiện các doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang đã tiến hành cải tạo lại các khu điểm vui chơi giải trí, mua sắm. Các nhân sự trong ngành du lịch đã tập trung trở lại khá hơn so với trước đây.
Như dịp trước Tết Nguyên đán, để chuẩn bị cho đón khách du lịch quốc tế, việc tuyển chọn nhân sự rất khó. Sau thời gian dài các lao động chuyển nghề, các doanh nghiệp phải mất thời gian đào tạo, đào tạo lại thì lực lượng lao động mới đủ và bắt nhịp lại được như trước đây.
Không chỉ riêng Phú Quốc, các điểm du lịch trọng điểm của Kiên Giang như: Kiên Lương, Hà Tiên, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiến Hải, rừng U Minh Thượng đã sẵn sàng từ trước tết rồi.
Theo ông, những sản phẩm du lịch nào sẽ phù hợp thời kỳ hậu COVID-19?
Theo quan điểm của tôi thì các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sẽ được lựa chọn nhiều sau khi chúng ta mở cửa. Do dịch bệnh nên khách du lịch rất ngại đi chơi, tiếp xúc nơi công cộng, ngoài trời. Tâm lý của giời chi tiêu cao chủ yếu vào các khu resort cùng gia đình để nghỉ dưỡng.
Thủ tướng vừa đề xuất Bộ Y tế bổ sung kịp thời một số các quy định phòng chống dịch để mở cửa đón khách an toàn, hiệu quả. Theo ông quy định phòng chống dịch để đón khách quốc tế hiện nay cần bổ sung những gì?
Trước đây khi thí điểm đón khách quốc tế lần thứ nhất, chúng ta không cho phép đón các khách có độ tuổi dưới 18 và trên 65. Ở hướng dẫn đón khách thí điểm giai đoạn 2 cũng có đề cập đến vấn đề này. Theo tôi, trong thời gian tới chúng ta cần thống nhất để có nhiều hơn nữa khách quốc tế đến du lịch Việt Nam theo diện gia đình.
Xin cảm ơn ông!