Bao năm ăn nên làm ra nhờ nguồn thu từ du lịch, bất ngờ đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài dai dẳng khiến nhiều người rơi vào tình thế lao đao.
Không có khách, mở cửa cũng như không
Vắng bóng du khách. Hàng quán đóng cửa im lìm. Đường phố lặng ngắt như tờ…Đó là khung cảnh hiện hữu ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam trong suốt một năm rưỡi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Một buổi sáng đầu tháng 7, hầu hết các nhà hàng, quán cà phê, quầy lưu niệm ở khu phố cổ vẫn trong trạng thái cửa đóng then cài. Hôm nay, nhà hàng kiêm quán cà phê trên đường Trần Phú của vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Oanh là một số ít cơ sở mở cửa kinh doanh. Cũng như nhiều ngày trước đó, nỗi buồn rười rượi vẫn đang hiện hữu trên gương mặt của hai vợ chồng khi ngóng trông mỏi mắt cũng không có lấy một thực khách lui tới.
Chị Oanh kể, sau nhiều năm trời tích góp, cuối năm 2019, vợ chồng chị quyết định dắt díu theo hai con nhỏ từ ngoại ô thành phố vào khu phố cổ để rẽ hướng kinh doanh. “Bán căn nhà ở vùng ven, gia đình thuê nguyên ngôi nhà cổ 2 tầng trong này để mở nhà hàng. Lúc ấy, chúng tôi rất tự tin vì đã có kinh nghiệm nhiều năm làm đầu bếp cho các nhà hàng lớn. Thời gian đầu đi vào hoạt động, nhà hàng kiêm quán cà phê thu hút rất đông khách du lịch và đem lại khoản lãi lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng”, chị Oanh nói.
Toàn bộ gần 20 nhân viên nhà hàng của gia đình tôi đã lần lượt nghỉ việc. Tôi và chồng cũng đang chật vật xoay xở tiền
Theo chị Oanh, sau Tết Nguyên đán 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã giáng một đòn chí mạng, đánh dấu cho bước trượt dài không phanh của hoạt động kinh doanh vốn dựa vào khách du lịch. Trong vòng một năm rưỡi, trải qua 4 đợt dịch COVID-19, vợ chồng chị Oanh và nhiều chủ nhà hàng, quầy lưu niệm trong khu phố cổ cứ tái diễn “điệp khúc” mở cửa lại đóng.
“Thực ra, dù có thời điểm dịch bệnh lắng xuống và chúng tôi mở cửa kinh doanh trở lại thì việc buôn bán cũng chẳng đâu vào đâu do không có khách. Bởi vậy, nửa năm nay, toàn bộ gần 20 nhân viên nhà hàng của gia đình tôi đã lần lượt nghỉ việc. Tôi và chồng cũng đang chật vật xoay xở tiền để hằng tháng đắp vào khoản lãi đã vay ngân hàng hồi mới mở nhà hàng”, chị Oanh ngậm ngùi buông tiếng thở dài và chia sẻ thêm, mới đây, vợ chồng chị đã thương lượng với chủ nhà về việc kết thúc hợp đồng thuê trước thời hạn nửa năm. May mắn, chủ nhà thông cảm và đồng ý nên dự kiến hết tháng 7 này, vợ chồng chị sẽ bán tống bán tháo toàn bộ cơ sở vật chất trong nhà hàng để kiếm ít vốn rồi tính kế sinh nhai khác.
Cũng như vợ chồng chị Oanh, anh Lê Ngọc Thuận (41 tuổi) – chủ của 3 nhà hàng nổi tiếng ở Hội An cũng đang khốn đốn khi dịch bệnh COVID-19 chưa được dập tắt. Anh Thuận cho hay, hiện tại, anh đang sở hữu 2 nhà hàng liền kề ở ven bãi tắm An Bàng và 1 nhà hàng gần làng rau Trà Quế.
Anh Thuận tâm sự, thời điểm dịch COVID-19 chưa xuất hiện, khách du lịch đến Hội An rất đông. Các nhà hàng của anh hầu như ngày nào cũng ken đặc khách. “Hai năm nay, dịch bệnh hoành hành khiến khách quốc tế không thể sang và khách trong nước thì hẻo dần, kéo theo công việc kinh doanh thua lỗ. Sau nhiều lần mở cửa nhưng không có khách, tôi quyết định đóng cửa 2/3 nhà hàng vào đầu năm nay. Nhà hàng còn lại hoạt động nhưng cũng chỉ mở vào các ngày cuối tuần, doanh thu mang lại cũng không đáng là bao”, anh Thuận bộc bạch.
Khi các nhà hàng phải đóng cửa hoặc kinh doanh cầm chừng, phần lớn nhân viên bao năm trời theo anh Thuận cũng đành chấp nhận thôi việc để chọn hướng đi mới. Nhắc đến đây, anh Thuận giãi bày: “Mấy tháng đầu, tôi vẫn cố gắng xoay xở để hỗ trợ nhân viên nghỉ việc từ 1-2 triệu đồng/tháng, còn bây giờ lực bất tòng tâm. Hiện tại, nhà hàng duy nhất đang hoạt động cũng chỉ sử dụng chừng 20 lao động và bố trí làm xoay ca để họ có thu nhập trang trải cuộc sống. Hy vọng dịch bệnh chóng qua để ngành du lịch sớm vực dậy”.
Kiệt quệ, vỡ nợ vì dịch COVID-19
Mới đây, vợ chồng anh Tâm, chị Thủy, chủ Công ty TNHH Lạc Gia, chuyên về dịch vụ tour du lịch các nước châu Á tại Đà Nẵng, đã phải làm thủ tục dừng hoạt động công ty do quá bế tắc.
Theo anh Tâm, doanh nghiệp hoạt động từ năm 2016, chủ yếu tổ chức tour du lịch cho các đoàn khách từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đến Đà Nẵng. Với 15 nhân viên, công ty làm ăn khá ổn định. “Song, từ khi dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, công ty không có khách, đồng nghĩa doanh thu là 0 đồng. Bây giờ, tất cả nhân viên cũng đã nghỉ việc”, anh Tâm chua xót.
Anh Tâm chia sẻ thêm, không chỉ riêng công ty anh mà hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành cũng chung cảnh ngộ. Có chủ doanh nghiệp chuyển sang buôn bán xe đạp Nhật cũ, có người kinh doanh online nhưng khó khăn vẫn chồng chất khó khăn. Thậm chí có doanh nghiệp vay tiền ngân hàng đầu tư đội xe vận chuyển khách du lịch hiện đã phải giao xe cho ngân hàng vì không có nguồn để trả.
Dừng hoạt động công ty, vợ chồng anh Tâm chuyển sang thuê mặt bằng mở quán cà phê ở trung tâm TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi đầu tư hơn 600 triệu đồng để sửa sang, mua sắm máy móc, dụng cụ pha chế và bàn ghế, quán cũng đành đóng cửa vì dịch COVID-19 “càn quét”.
Bán khách sạn vào thời điểm dịch bệnh là rất khó bởi không có ai dám mua nên tôi đành bán nhà để lấy tiền trả nợ ngân hàng
Hiện nay, vợ chồng anh Tâm đang rất chật vật vì mỗi tháng phải trả tiền thuê mặt bằng 25 triệu đồng, tiền lương cho 4 nhân viên.
Bi đát không kém vợ chồng anh Tâm là chị Thoa, chủ khách sạn 7 tầng trên đường Nguyễn Văn Thoại, TP Đà Nẵng.
Theo chị Thoa, sau thời gian làm việc tại một khu du lịch lớn với mức lương dao động 50-60 triệu đồng/tháng, chị xin nghỉ và vay mượn ngân hàng hơn 10 tỷ đồng để đầu tư xây dựng khách sạn.
Tuy nhiên, mới hoạt động được hơn 1 năm thì dịch COVID-19 bùng phát. Vậy là khách sạn đóng cửa dài hạn đã 2 năm nay vì khách không có, doanh thu là con số 0 tròn trĩnh.
“Với khoản vay hơn 10 tỷ đồng, bây giờ mỗi tháng tôi phải trả ngân hàng 100 triệu đồng. Tôi từng tính cho mình 2 phương án, một là bán khách sạn, hai là bán nhà để trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên, bán khách sạn vào thời điểm dịch bệnh là rất khó bởi không có ai dám mua nên tôi đành bán nhà để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Bây giờ, các thành viên trong gia đình phải chuyển đến khách sạn để lưu trú.
Cứ nghĩ đầu tư xây dựng khách sạn rồi mình tự đứng ra làm chủ sẽ ổn định, lo cho gia đình, ai ngờ niềm vui ngắn chẳng tày gang, giờ nợ nần chồng chất, cứ nghĩ đến là đau đầu”, chị Thoa than thở.
Trả lời VTC News, ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng ở phố cổ Hội An, 90% chủ kinh doanh đã trả mặt bằng, tạm dừng hoạt động. Bây giờ chúng ta chỉ hy vọng người dân ở những điểm du lịch như Hội An sẽ sớm được tiêm vaccine để sẵn sàng đón du khách trở lại”.