Năm 2024, triển vọng nền kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ là động lực cho ngành du lịch. Các bất ổn liên quan đến nhập cư, khủng bố cũng khiến người dân các nước chọn du lịch ở các quốc gia an toàn, chi phí thấp, gần gũi với thiên nhiên.
Bên cạnh đó là nhóm khách du lịch trẻ gen Z có xu hướng lựa chọn các loại hình du lịch phi truyền thống, chọn điểm đến thông qua tham khảo thông tin du lịch từ các bài đăng, chia sẻ cảm nhận du lịch từ người thân, bạn bè, người nổi tiếng, các blog du lịch, các mạng xã hội thay vì xem các quảng cáo du lịch thông thường.
Các doanh nghiệp trong nước đang bắt kịp nhanh xu thế này thông qua việc tích cực đầu tư hình ảnh trên mạng xã hội, đầu tư truyền thông quảng cáo thông qua trải nghiệm, cải thiện đánh giá từ du khách. Tuy vậy, với sự phát triển của công nghệ và chia sẻ trải nghiệm du lịch qua mạng xã hội, có thể định hình lại xu hướng chọn điểm đến du lịch tại Việt Nam.
Trong khi các địa điểm quen thuộc như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, và đặc biệt là Hội An – Quảng Nam,… đang được một bộ phận du khách quốc tế đánh giá là overrated (tức được khen ngợi và chú ý quá mức, chưa xứng với chất lượng) thì xu hướng du lịch theo các gợi ý của mạng xã hội có thể làm du khách dịch chuyển sang các địa điểm ít nổi tiếng hơn.
Đừng “làm đẹp” các con số
Về mặt chính sách, theo các doanh nghiệp thì hiện tại hầu hết điều kiện để thu hút khách đều “ổn”, tức không có chính sách nào quá nổi bật được coi là động lực cho ngành du lịch đột phá.
Trước nay quy định về visa luôn được đánh giá là rào cản lớn của du lịch quốc tế, nên chính sách mới từ 15/8 với một số điều chỉnh theo hướng thông thoáng hơn được kỳ vọng là đòn bẩy giúp cho du lịch quốc tế phát triển. Một chính sách visa tiện lợi và dài hạn sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hấp dẫn hơn trong mắt khách quốc tế.
Trước đó Thái Lan ghi nhận lượng khách quốc tế tăng 72,5% chỉ sau 1 tuần áp dụng chính sách miễn visa. Đối với Việt Nam, 3 tháng cuối năm 2023 sẽ là giai đoạn quan trọng để đánh giá sự hiệu quả của chính sách mới và kịp thời cải thiện cho mục tiêu 2024.
Đối với Quảng Nam, theo báo cáo của ngành du lịch, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã đón 4,6 triệu lượt du khách, con số này lên tới 6,4 triệu trong 9 tháng, tức còn cao hơn cả mức cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước đại dịch COVID-19, tuy nhiên báo chí và doanh nghiệp có những nghi ngờ về độ tin cậy của những số liệu này.
Như vậy, nếu những con số trên là sát với thực tế thì ngay trong năm 2023, Quảng Nam hoàn toàn có thể vượt mức 2019, tức đón 7,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3,6 triệu lượt khách quốc tế.
Hiện tại mục tiêu của ngành du lịch vẫn tập trung vào số lượng khách thay vì lợi nhuận. Cũng bởi tập trung vào số lượng, ngành du lịch Việt Nam đã bị định hình trong nhóm phân khúc giá rẻ. Khảo sát từ năm 2019 cho thấy trung bình mỗi khách quốc tế chỉ chi hơn 1.000 USD trong 8 ngày lưu trú tại Việt Nam.
Trong tốp 10 quốc gia có lượng khách du lịch vào Việt Nam nhiều nhất, chỉ có 2 nước trong nhóm chi nhiều (Mỹ, Úc), 6 nước chi thấp (Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan) còn lại là chi trung bình. Giá vé máy bay cao cũng là rào cản đối với du lịch nội địa cũng như làm giảm động lực lưu trú, tham quan nhiều địa điểm của khách quốc tế.
Một cú hích cần được kể đến đối với du lịch Việt Nam là du khách đến từ Ấn Độ. Việt Nam đang là điểm đến du lịch nước ngoài phổ biến thứ 2 của người Ấn, dự báo lượng khách Ấn tới Việt Nam sẽ tăng đột biến trong năm 2023. Quảng Nam cũng đã chủ động thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch tại Ấn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đạt 141 nghìn lượt, trong đó đến Quảng Nam là 25 nghìn lượt. Nhưng nên lưu ý đây là nhóm khách khó tính và không dễ phục vụ.
Cần định lượng bằng khảo sát khoa học
Thiếu thông tin cũng là rào cản lớn đối với du lịch. Hiện nay, các thống kê thông tin phục vụ cho nghiên cứu và định hướng chính sách còn ít và chậm, đến năm 2023 mới bắt đầu triển khai thống kê chi tiêu của khách du lịch.
Nhiều báo cáo thống kê còn chậm và sơ sài, trong đó có nghi ngờ về độ tin cậy của báo cáo kết quả du lịch Quảng Nam do số liệu “quá đẹp” trong khi các doanh nghiệp vẫn đang giải thể vì thua lỗ,…
Cần đánh giá lại hiệu quả và tính thiết thực của các hoạt động xúc tiến quảng bá, không thể quy ngay cho việc lượng du khách tăng là bởi các chính sách kích cầu, mà cần có điều tra cụ thể.
Hiện tại vẫn chưa có báo cáo nào thể hiện được chi tiết đặc điểm nhân khẩu của khách quốc tế tới Quảng Nam, lý do họ chọn Quảng Nam. Cần đánh giá chi tiết cảm nhận của du khách thông qua mức chi, thời gian ở, khả năng giới thiệu với bạn bè, tỷ lệ quay lại và thu thập ý kiến trên các mạng xã hội, hội nhóm diễn đàn chuyên về du lịch.
Cần đánh giá lại các dự án được gọi là “chuyển đổi số du lịch”. Thực tế cho thấy các hoạt động này đều có công nghệ lỗi thời, hình thức, kém hiệu quả, dù được nhắc tới với nhiều thuật ngữ chuyên môn thời thượng như: API, chatbot, 3D, AR, VR… Thực tế app “Quang Nam Tourism” trên CH Play chỉ có hơn 100 lượt tải, một số tính năng không hoạt động như quảng cáo thậm chí còn bị crash làm treo máy.
Hai website: visitquangnam.com, quangnamtourism.com.vn cũng không có lượt truy cập cao, khi các phân tích lượng truy cập cũng cho thấy các website này không tối ưu cho đối tượng khách du lịch tiềm năng muốn đến Quảng Nam.
Trong khi các tập đoàn du lịch, các ứng dụng đặt phòng lớn đều tích hợp với trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để phân tích hành vi khách du lịch, kịp thời đưa ra các quảng cáo, khuyến mãi hướng tới từng cá nhân thì đối với ngành du lịch Quảng Nam, việc thiếu hụt thông tin trầm trọng này rất khó để có thể đưa ra đánh giá nhằm phân tầng khách theo phân khúc.
Một vấn đề nan giải khác là làm sao để có quy hoạch đánh giá các loại hình du lịch cao cấp, tách rời các khu vực cao cấp ra khỏi địa điểm du lịch thông thường, không thể để khách vừa bước ra khỏi resort cao cấp lại phải gặp nhóm buôn bán chèo kéo, móc túi, ăn xin trá hình,…
Theo đánh giá của chúng tôi, việc du lịch Việt Nam trong đó có du lịch Quảng Nam phục hồi và tăng trưởng như trước đại dịch vào 2024 là mục tiêu hoàn toàn khả thi, nhưng đối với các mục tiêu xa hơn như tăng doanh thu từ khách du lịch, phát triển du lịch bền vững,… thì vẫn còn một chặng đường dài.
Để tận dụng tối đa tiềm năng của ngành du lịch, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, chính sách, giải pháp phù hợp.
Sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch và các chương trình khuyến mãi du lịch là một phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch. Việc tăng cường sự tiện lợi trong việc đặt vé máy bay và thông tin du lịch cũng đóng góp vào sự gia tăng nhu cầu du lịch.
Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đa dạng hóa trải nghiệm cho khách hàng, tạo dựng thương hiệu du lịch Việt Nam trên thế giới. Năm 2024 dự báo là một năm có nhiều triển vọng tích cực cho ngành du lịch Việt Nam – ngành được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh, đóng góp vào nền kinh tế quốc gia.