Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động du lịch lớn ở quy mô cấp quốc gia, phù hợp đặc thù, thiên về du lịch sinh thái, thiên nhiên đã tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách. Điểm nhấn là Lễ phát động trồng rừng ở huyện Tu Mơ Rông; Trải nghiệm chinh phục dãy núi Ngọc Linh; Tham quan vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum K5…
Du lịch sinh thái gắn liền với Hội chợ sâm Ngọc Linh đã tạo thành công lớn cho tỉnh Kon Tum
Một lãnh đạo ngành du lịch Kon Tum tâm sự: “Khi đi qua Hàn Quốc, thấy người dân Hàn cũng như khách du lịch đến đây quan tâm, mua sâm và dùng sâm Hàn thường xuyên, tôi rất trăn trở tại sao sâm Hàn có thể nổi tiếng như thế mà sâm Ngọc Linh lại không?”
Từ những tư duy đó, lễ hội du lịch lần này Kon Tum đã tạo ấn tượng với nhiều khách mời qua Lễ hội khinh khí cầu sâm Ngọc Linh Kon Tum, lần đầu tiên được tổ chức tại Kon Tum từ ngày 23 đến 24/4.
Bà Trương Hoàng Thanh Trúc, Chủ tịch Tập đoàn Trung Sơn Pharma cho biết, trải nghiệm bay khinh khí cầu tại TP Kon Tum mang lại cảm giác mới mẻ, khác lạ và vô cùng thú vị.
“Cảm giác được bay ở nước nhà vẫn đặc biệt hơn. Tôi quyết định tham gia chuyến đi 4 ngày 3 đêm này vì lần đầu tiên được trải nghiệm thăm rừng sâm Ngọc Linh”, bà Trúc trải lòng.
Cũng theo bà Trúc, biết rằng sâm của nước mình rất tốt nhưng vì chưa được truyền thông nhiều, chưa được các nhà khoa học quốc tế công nhận nên chưa được thế giới biết đến.
“Trở lại Kon Tum lần này, ngoài việc muốn được chứng kiến đêm hoa đăng khinh khí cầu, bay khinh khí cầu, tôi cũng muốn thăm lại vườn sâm Ngọc Linh – loài dược liệu được xem là quốc bảo, cập nhật thêm nhiều thông tin, kiến thức để có thể truyền đạt lại cho bạn bè, người thân…”, bà Trần Thị Lan, chủ thương hiệu Phở Sâm Ngọc Linh cho biết.
Điều khiển xe nhích từng chút một giữa phố núi, một tài xế Công ty Minh Quốc cho biết, đây là lần đầu tiên anh thấy cảnh kẹt xe trên quê hương mình vào một buổi sáng sớm. Công tác trong lĩnh vực vận tải, nên sau 7 tháng ngưng hoạt động vì dịch, thị trường trầm lắng, anh rất phấn khởi khi thấy một lễ hội đông nhất Kon Tum như thế này.
Còn tại Đắk Nông điểm nhấn lại là du lịch sinh thái. Chỉ trong hai ngày, hơn 10.000 khách đến tham quan “vịnh Hạ Long trên cao nguyên”, tức hồ Tà Đùng ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, công an địa phương phải tổ chức lực lượng hỗ trợ giải quyết ùn tắc, an ninh trật tự…
Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong, đến sáng 1/5, đã có hơn 10.000 du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan thắng cảnh Tà Đùng ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong khiến các điểm đến quá tải.
Đà Đùng với nét đẹp hoang sơ đến ngây dại
Trong những ngày này, Đoàn thanh niên Công an huyện đã phối hợp đội CSGT, Công an huyện Đắk Glong tổ chức phát nước, khăn lạnh, khẩu trang miễn phí cho khách du lịch Tà Đùng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong khu vực.
Tà Đùng nằm trên QL28 qua vùng sâu, vùng xa nên du khách đến Tà Đùng chủ yếu di chuyển bằng xe máy. Lực lượng tình nguyện đã trực trên QL28 để cấp hơn 4.000 chai nước, 3.000 khăn lạnh kèm theo gần 1.000 khẩu trang để phục vụ cho nhu cầu của du khách. Ngoài ra, lực lượng còn tuyên truyền quy định đã uống rượu, bia thì không tham gia giao thông; không chạy quá tốc độ; phải đi đúng phần đường, làn đường…
Công an phát nước cho hàng ngàn du khách đi xe máy đến Tà Đùng tham quan
Đại úy Tăng Hồng Hoanh – Phó đội trưởng đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Đắk Glong cho biết, ngay từ sáng 30/4, lực lượng đã tập trung nước uống, khăn lạnh, khẩu trang y tế… để cấp phát cho khách du lịch.
“Đơn vị tổ chức các hoạt động để động viên, giúp bà con đi đường an toàn, may mắn. Hoạt động này kéo dài đến hết ngày 3/5, không hạn chế về số lượng hỗ trợ”, đại úy Hoanh nói.
Thành công từ những mô hình du lịch sinh thái
Theo báo cáo của tỉnh Đắk Nông, đã có hơn 41.500 lượt khách đến tham quan và du lịch trong dịp lễ 30/4 – 1/5 (từ 30/4 đến ngày 3/5), tăng 49,3% so với cùng kỳ lễ năm 2021 (khoảng 27.800 lượt khách). Trong đó, có khoảng 30 lượt khách quốc tế lưu trú và tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong 4 ngày.
Chủ yếu du khách tìm về các khu du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử tại địa phương. Theo thống kê, khu du lịch sinh thái cụm thác Đ’ray Sáp- Gia Long (Krông Nô) đón 8.500 lượt khách; Điểm du lịch sinh thái thác Đắk G’Lun (Tuy Đức) đón 4.000 lượt khách; Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng (Đắk Glong) đón 16.000 lượt khách; Khu du lịch sinh thái Phước Sơn (Đắk R’lấp) đón 5.000 lượt khách; Khu du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử Nâm Nung (Krông Nô) đón 2.000 lượt khách… Ngoài ra, một số điểm du lịch mới nổi, tự phát như: Thác Năm tầng, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp); các farmstay, homestay, các điểm “check-in” tại TP. Gia Nghĩa, các huyện Đắk R’lấp, Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô đón khoảng 4.000 lượt khách.
Tổng doanh thu ngành du lịch của tỉnh Đắk Nông trong kỳ nghỉ lễ ước đạt 4.930 triệu đồng (tăng 25% so với kỳ nghỉ lễ năm 2021). Trong đó, doanh thu dịch vụ tham quan, ăn uống, vui chơi giải trí tại các khu, điểm du lịch đạt khoảng 4.450 triệu đồng; doanh thu lưu trú đạt 450 triệu đồng, doanh thu từ hoạt động lữ hành là 30 triệu đồng.
Đối với tỉnh Gia Lai, địa phương này cũng thu hút hàng chục ngàn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nhân dịp lễ 30/4- 1/5; trong đó tập trung ở khu du lịch sinh thái Biển Hồ (TP. Pleiku).
Các địa điểm nổi tiếng như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Biển Hồ nước, Biển Hồ chè, hàng thông trăm tuổi, chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh); Khu di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ); thị xã An Khê… cũng thu hút rất đông du khách ngoại tỉnh về thưởng lãm. Qua khảo sát, các du khách chủ yếu đến từ các địa phương như TP Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kon Tum…
Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương đón khoảng 317.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trong Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng cuối tháng 4 và kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5.
Chưa có nhiều sáng tạo du lịch gắn liền với sinh thái Đà Lạt đạt lượng du khách thấp hơn so với kỳ vọng
Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2022 diễn ra từ ngày 23 – 30/4 đã đón khoảng 185.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong đó, khách quốc tế đạt 2.000 lượt khách, khách nội địa đạt 183.000 lượt khách. Ngay sau Tuần lễ vàng Du lịch là dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tỉnh Lâm Đồng ước tính đón thêm khoảng 132.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1.500 lượt khách và khách nội địa ước đạt 130.500 lượt khách. Tuy nhiên, lượng khách không đạt như kỳ vọng của ngành du lịch do thời tiết không thuận lợi. Đa số các khách sạn tại TP Đà Lạt chỉ chiếm công suất khoảng 50-70%; các phương tiện lưu thông thông thoáng, không xảy ra hiện tượng ùn tắc cục bộ như đợt lễ lớn các năm trước đó.
Còn theo tỉnh Đắk Lắk, thống kê trong dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 năm nay, tổng số lượng khách du lịch đến với tỉnh Đắk Lắk đạt hơn 60.000 lượt, trong đó chủ yếu là khách nội địa. Tổng doanh thu ngành du lịch đạt trên 17 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ lễ năm 2021. Các khách sạn từ 1- 5 sao trên địa bàn tỉnh đều đạt gần như tối đa công suất phòng.
Du khách đến với Đắk Lắk từ nhiều tỉnh thành, trong đó nhiều nhất là TP Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Bình Dương và Bình Phước…