• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Nỗ lực tái khởi động và phục hồi du lịch

    Thứ sáu, 23-07-2021 / 1:41:08 Chiều
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    392 Lượt xem

    Từ đầu năm đến nay, du lịch Việt Nam vẫn điêu đứng vì COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt ứng phó với dịch bệnh COVID-19, vừa nỗ lực tái khởi động và phục hồi.

    Thiệt hại nặng nề

    6 tháng đầu năm 2021, ngành Du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Tổng cục Du lịch cho biết, trong nửa đầu năm 2021, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Trong quý II/2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 40,1 nghìn lượt người, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước.

    Theo thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ tất cả các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt gần 36,7 nghìn lượt người, giảm 96% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc giảm 97,8%; Nhật Bản giảm 97,6%…

     Du lịch Việt Nam đang chờ cơ hội “hồi sinh”. (Ảnh minh họa: HT).

    Khách du lịch nội địa tại Việt Nam ước đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có 15,8 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

    Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế để khống chế dịch COVID-19, đồng thời một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên du lịch nội địa kém sôi động. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Bắc Ninh giảm 61,8%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 53,6%; Hải Phòng giảm 46,5%; Hà Nội giảm 44,3%; Đà Nẵng giảm 43,5%; Quảng Ninh giảm 36,6%; Cần Thơ giảm 20,3%.

    Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương cũng có biến động nhẹ như: Hải Phòng tăng 4,9%; Cần Thơ tăng 2,5%; Đà Nẵng tăng 1,3%; Hà Nội giảm 2,3%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 3,3%; Bắc Ninh giảm 4,2%; Quảng Ninh giảm 5,5%.

    Không giống như các đợt bùng phát trước đây, làn sóng thứ tư hiện đang là đợt dịch lớn nhất và phức tạp nhất của Việt Nam. Theo tổng hợp số liệu khai thác các chuyến bay do Cục Hàng không Việt Nam công bố, trong tháng 6/2021, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 4.900 chuyến bay, giảm gần 74% so với cùng kỳ và giảm 76% so với tháng trước.

    Ngành khách sạn đã chứng kiến sự hồi phục khá tốt trong tháng 4/2021 khi công suất phòng trung bình trên cả nước đạt 31%, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 ở Việt Nam (vào tháng 3/2020). Tuy nhiên, làn sóng thứ tư đã lập tức gây sụt giảm mạnh công suất phòng về mức 10% trong tháng 6 năm nay. Các khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong đợt dịch lần này, chỉ một số ít khách sạn có thể đạt công suất thuê ở mức hai con số trong tháng 6.

    Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch, sự kiện xúc tiến quảng bá điểm đến của các địa phương buộc phải tạm hoãn, chuyển thời gian tổ chức; hoạt động du lịch nội địa tại nhiều tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm lâm vào cảnh cầm chừng.

    Nỗ lực vượt khó

    Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, dù ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, song Tổng cục Du lịch đã tập trung vào công tác xây dựng các văn bản, đề án như nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; xây dựng đề án Mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.

    Đồng thời, Tổng cục Du lịch cũng tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như: Giảm phí thẩm định cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch…

    Để khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, đồng thời nhanh chóng khôi phục thị trường, Tổng cục Du lịch đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang); triển khai đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, nghiên cứu khoa học – công nghệ – môi trường, hợp tác quốc tế, truyền thông và chuyển đổi số trong du lịch…

    Ngoài ra, thời gian tới, ngành Du lịch Việt Nam sẽ thực hiện chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; tăng cường phối hợp, liên kết với các địa phương để triển khai các hoạt động phục hồi và phát triển du lịch; đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực du lịch và đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao tay nghề…

    Để tăng cường liên kết phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch đã liên tục đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tìm giải pháp, định hướng cho ngành du lịch. Trong đó, nổi bật là hoạt động khai mạc và hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2021, Hoa Lư – Ninh Bình.

    Trước làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tổng cục Du lịch đặc biệt chú trọng đến công tác chuyển đổi số. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ chính xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; kết nối liên thông hệ thống thông tin du lịch từ Trung ương đến cơ sở; phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ du khách.

    Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với nhiều đơn vị triển khai các đợt truyền thông trên hệ thống website và mạng xã hội, thông qua nhiều ứng dụng, như: “Du lịch Việt Nam an toàn, kênh YouTube “Việt Nam – Đi để yêu”…

    Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch còn tăng cường hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp trong chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; triển khai hệ thống khai báo an toàn COVID-19 tích hợp vào hệ thống phòng, chống dịch quốc gia, xây dựng bản đồ số du lịch an toàn, hệ thống chứng nhận số vaccine để hỗ trợ đón khách du lịch quốc tế…

    Đối với thị trường quốc tế, ngay trong năm 2020, Tổng cục Du lịch đã chủ động xây dựng phương án đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh theo tình hình thực tiễn. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 để hỗ trợ đón khách du lịch.

    Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục tập trung phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng phương án và triển khai thí điểm đón khách quốc tế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa khi điều kiện cho phép, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng tạo miễn dịch cộng đồng.

     

    Nguồn : Đảng Cộng Sản
    Tin mới