Trước đề xuất từng bước mở cửa lại đường bay quốc tế, các doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp du lịch rất trông đợi ở cơ hội phục hồi thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam.
“Đây cũng là xu thế chung của thế giới, sau khi có khách thương mại, nhà đầu tư, thăm thân sẽ tới lượt khách du lịch vào Việt Nam. Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành, chúng tôi sẵn sàng mọi kịch bản đón khách từ tình huống tê liệt trong bối cảnh dịch bùng phát, rồi kịch bản mở cửa từng bước nên chỉ chờ điều kiện để bung ra”, ông Hoan nói.
Du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hà Nội |
Hoàn toàn ủng hộ ba giai đoạn để mở cửa quốc tế trở lại, tuy nhiên ông Nguyễn Công Hoan suy tư xung quanh “hộ chiếu vắc-xin”. “Tôi nghĩ cần cân nhắc kỹ quan điểm trao đổi khách hai chiều ngay khi mở cửa trở lại. Các nước khác phổ cập vắc-xin nhanh hơn Việt Nam nên khách quốc tế sẽ đến nước ta trước. Người Việt Nam thêm nữa tâm lý e dè hơn, cho nên chưa chắc muốn du lịch nước ngoài ngay”, ông Hoan nêu.
Bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch HĐQT-Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group nêu ý kiến, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ “kép” là vừa phòng, chống dịch an toàn vừa phát triển kinh tế thì việc đưa ra giải pháp mở cửa trở lại, đón khách quốc tế cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Tháo nút thắt “hộ chiếu vắc-xin”
Mong muốn Chính phủ chuẩn bị kỹ càng trước khi triển khai chương trình “hộ chiếu vắc-xin” để đạt hiệu quả tối ưu và hạn chế tối đa rủi ro, bà Bùi Thị Thanh Hương đề xuất thành lập một Hội đồng “hộ chiếu vắc-xin” với sự tham gia của các chuyên gia y tế, ngoại giao, du lịch, quốc phòng… để cùng thảo luận, đánh giá và đưa ra những tiêu chí chặt chẽ.
“Có hai yếu tố cần quan trọng khi triển khai chương trình hộ chiếu vắc-xin. Thứ nhất là đảm bảo an toàn phòng dịch tối đa – tức là du khách quốc tế sẽ được an toàn khi đến Việt Nam và không mang mầm bệnh tới. Du khách trong nước cũng cần đảm bảo mình khỏe mạnh khi du lịch nước ngoài. Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật cần đảm bảo tối đa việc bảo mật và dữ liệu cá nhân để du khách yên tâm sử dụng và du lịch”, bà Thanh Hương nêu.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings góp ý, việc đầu tiên là cần tạo ra quy trình quản lý tốt, rõ ràng và tiện lợi cho du khách. “Quy trình là quan trọng nhất để phối hợp giữa các bên đưa và đón khách. Nếu khách cầm “hộ chiếu vắc-xin” rồi mà vẫn yêu cầu cách ly chắc chắn khó thu hút họ. Cái gì cũng có tính hai mặt, không thể vừa phục hồi và phát triển du lịch mà đòi hỏi hoàn toàn không phát sinh ca bệnh. Chính vì thế, tôi nghĩ bên cạnh quy trình cần có hướng xử lý tức thì nếu có tình huống phát sinh”, ông Đức nói.
Thực tế các quốc gia chưa thống nhất về các loại vắc-xin, vì thế khi áp dụng hộ chiếu vắc-xin cần sự thừa nhận song phương. Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, ngành y tế nên có ý kiến chuyên môn về hộ chiếu vắc-xin, về quy trình và tiêu chuẩn đón khách để doanh nghiệp tự tin đón và phục vụ du khách. Với khách có giấy chứng nhận vắc-xin rồi mà vẫn phải chịu cách ly thì vô cùng khó khăn. Chẳng hạn với thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thông thường khách chỉ lưu trú 3-7 ngày, nếu bắt buộc cách ly 14 ngày thì chắc chắn họ sẽ không tới Việt Nam.
Đề xuất xây dựng bản đồ số du lịch an toàn
Bà Ngô Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đề xuất Chính phủ, Bộ VHTTDL có phương án tổ chức chiến dịch quảng bá xúc tiến thị trường quốc tế ngay từ bây giờ với thông điệp “Việt Nam xin chào”, có thể kết nối với các kênh truyền thông quốc tế nổi tiếng như CNN, BBC. “Chúng tôi cũng đề xuất xây dựng bản đồ số du lịch an toàn. Hiện nay Việt Nam kiểm soát dịch tốt, song chưa thể khẳng định sẽ duy trì được tình trạng an toàn này trong bao lâu khi dịch thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Nếu có bản đồ số du lịch an toàn thì du khách trong nước và quốc tế sẽ nắm được điểm đến nào tại Việt Nam đang an toàn, khi ấy họ sẵn sàng du lịch”, bà Thanh Hương nói.
Không chỉ quan tâm tới chính sách “hộ chiếu vắc-xin”, ông Hoan cũng băn khoăn chuyện ngành du lịch Việt Nam còn thụ động ở giai đoạn hậu COVD-19. “Chúng ta dường như vẫn đang theo kịch bản cũ từ trước khi đại dịch xảy ra. Chúng ta biết tâm lý khách sẽ thay đổi, nhưng thay đổi thế nào chưa phải ai cũng nắm rõ. Doanh nghiệp du lịch nơi đóng cửa nơi hoạt động cầm chừng nhưng chưa có sự thống kê đầy đủ. Dường như chúng ta chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể nào về sản phẩm, dịch vụ mới hay tâm lý khách hàng quốc tế cả”, ông Hoan nói. Doanh nghiệp lữ hành mong mỏi cơ quan xúc tiến thương mại, ngành du lịch, ngoại giao sớm nghiên cứu thị trường khách quốc tế hậu COVID-19 để doanh nghiệp yên tâm, tự tin phục hồi. Bởi nếu vẫn theo tư duy, sản phẩm cũ e rằng khi mở cửa trở lại cũng không đạt hiệu quả, doanh nghiệp tốn nguồn lực còn ngành du lịch mất đi cơ hội phục hồi.