• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Phát tiển kinh tế du lịch bền vững hậu Covid – 19

    Thứ sáu, 08-01-2021 / 9:09:12 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    454 Lượt xem

    Phát triển kinh tế bền vững, trong đó có phát triển du lịch bền vững là mục tiêu hướng đến của nhiều quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

    Năm 2020 trở thành năm quan trọng trong tiến trình phát triển của kinh tế – xã hội của lịch sử Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trước tác động to lớn của tình hình dịch bệnh covid – 19, nhiều nền kinh tế lớn trở nên điêu đứng, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Từ đó, các vấn đề về môi trường, phát triển kinh tế bền vững được ngày càng quan tâm. Tại Việt Nam, năm 2020 dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD.

    Phát tiển kinh tế du lịch bền vững hậu Covid – 19

    Cung đường đèo Tây Bắc thu hút dân vượt phủ – Ảnh sưu tầm

    Du lịch bền vững có thể chinh phục Thế Giới

    Hậu covid, người dân có xu hướng nâng cao ý thức về “lối sống xanh”, bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên, góp phần xây vào cộng đồng địa phương bền vững. Theo khảo sát của Booking.com, việc tạm dừng hoạt động du lịch đã giúp du khách nhận thức rõ hơn về các tác động to lớn của những chuyến đi. 59% du khách Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm những cách du lịch bền vững hơn để giảm các tác động tiêu cực lên môi trường và cộng đồng địa phương.

    Ông Anthony Lu – Giám đốc Khu vực Việt Nam của Booking.com cho biết: Chúng tôi tin rằng du lịch có sức mạnh để thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn. Du lịch bền vững sẽ đảm bảo du khách trong tương lai có thể tiếp tục chinh phục thế giới, với những điểm đến vẫn đáng để khám phá. Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã làm việc với các bên liên quan trong ngành để thiết kế và thực hiện các sáng kiến và sản phẩm hỗ trợ cộng đồng, giảm thiểu du lịch quá mức, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường.

    Khi ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu du lịch có trách nhiệm, hướng tới du lịch bền vững khiến nhiều loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp được quan tâm; trở thành tiềm năng mới cho nhiều địa phương trong khai thác, tận dụng những ưu thế về địa hình, khí hậu, văn hóa bản địa. Nâng cao ý thức của người dân trong phát triển du lịch có trách nhiệm giúp tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính toàn vẹn môi trường, tạo sự công bằng xã hội, tăng cường lao động, phát huy các giá trị và tôn trọng văn hóa địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, hàm lượng văn hóa và giá trị đạo đức cùng giá trị trải nghiệm cao hơn.

    Không những thế, còn hạn chế tối đa các tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội; tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn và nâng cao phúc lợi cho người dân địa phương, cải thiện điều kiện làm việc và tham gia vào hoạt động du lịch; thể hiện trách nhiệm của công dân trong phát triển kinh tế chung, chính sách xã hội, các tác động của con người đến hệ sinh thái, tài nguyên, môi trường, tạo dựng niềm tin, lòng tự hào dân tộc cho cộng đồng.

    Khai thác có hiệu quả khách du lịch nội địa

    Theo báo cáo về thực trạng ngành du lịch tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2020 (APAC State of Travel) ghi nhận các địa điểm du lịch được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam là TP.HCM, Đà Lạt, Phú Quốc, Vũng Tàu và Nha Trang. Các điểm đến trong nước, đặc biệt là các điểm đến gần gũi với thiên nhiên đang trở thành xu hướng được nhiều người săn đón, lựa chọn, nhất là vào dịp cuối năm.

    Trong bối cảnh hiện tại, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác và khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa, nâng dần tỷ lệ đóng góp của khách du lịch nội địa vào tổng thu du lịch của đất nước. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế theo cơ cấu nhu cầu của khách du lịch đối với từng loại hình sản phẩm du lịch cụ thể, tập trung vào các sản phẩm như nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch hội nghị – hội thảo, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc.

    Hậu covid -19, một số sản phẩm du lịch được dự báo có nhu cầu cao như các sản phẩm du lịch sức khỏe, nghỉ dưỡng; các điểm đến an toàn với nhiều trải nghiệm tại một điểm đến thay vì khám phá nhiều điểm đến trong một chuyến đi. Do đó trong thời gian tới, ngành du lịch cần nhấn mạnh vào việc tăng tính trải nghiệm cho khách du lịch, đảm bảo anh ninh, an toàn; tăng cường liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong việc xây dựng sản phẩm du lịch cần được quan tâm, giải quyết.

    Cùng với đó, các chính sách liên kết phát triển vùng được mở rộng và thực hiện có hiệu quả tại tất cả các tỉnh thành, trong đó có nhiều chuỗi hoạt động liên kết, hợp tác về du lịch đã mang đến một diện mạo mới cho nền kinh tế từng địa phương. Việc xây dựng chuỗi giá trị giúp tăng cường, phát huy, sử dụng hiệu quả các nguồn lực dựa trên các yếu tố đặc thù về mặt địa lý, về liên kết sản phẩm du lịch hay tài nguyên du lịch là cơ sở cho xây dựng và định vị thương hiệu du lịch vùng, tăng cường các yếu tố đầu vào trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, nâng cao tính hấp dẫn và khả năng thu hút khách du lịch đến vùng, sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư phát triển, xúc tiến quảng bá du lịch trong vùng.Phát tiển kinh tế du lịch bền vững hậu Covid – 19

    Cảnh sông nước miền tây – ảnh sưu tầm

    Bên cạnh đó, trong thời gian tới ngành du lịch cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch; xúc tiến hợp tác với các hãng công nghệ, hãng du lịch trực tuyến trong việc quảng bá du lịch; phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức các hội thảo, các hoạt động truyền thông về việc đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong quản lý, kinh doanh du lịch.

    Nguồn : Pháp luật Việt Nam
    Tin mới