Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, giàu văn hoá mang đậm bản sắc vùng miền. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả những giá trị văn hóa góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhưng không làm mất đi bản sắc riêng mỗi vùng miền lại là một thách thức lớn.
PV: Ông đánh giá như nào về vai trò của văn hóa vùng miền trong việc thúc đẩy phát triển du lịch nội địa. Đặc biệt trong thời điểm có nhiều tác động của dịch bệnh như hiện nay?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Một trong những đặc điểm quan trọng của văn hóa là sự độc đáo, đa dạng và phong phú, do đó đã tạo nên giá trị sức mạnh cho văn hóa. Một trong những yếu tố quan trọng của văn hóa là không thể so sánh, từ đó tạo ra sự hấp dẫn. Cũng vì thế mà văn hóa là nguồn tài nguyên quan trọng để phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội.
Mỗi địa phương có một đặc trưng văn hóa riêng được hình thành qua thời gian, thông qua sự chung sống với nhau lâu dài và quá trình lao động, sinh hoạt của con người. Các vùng miền khác nhau của nước ta đều có đặc điểm văn hóa riêng và được thể hiện qua phong tục tập quán, ẩm thực, ngôn ngữ, kiến trúc… Đây chính là sự độc đáo, hấp dẫn mà văn hóa vùng miền đem lại. Góp phần đa dạng, phong phú cho nền văn hóa đất nước. Chính vì thế, địa phương nào tận dụng được tiềm năng văn hóa của chính mình thì sẽ có lợi thế tạo ra những đặc trưng riêng cho sự phát triển.
Du lịch là để trải nghiệm sự khác biệt, trải nghiệm văn hóa… vì văn hóa qua thời gian đã đúc kết lên giá trị vật thể và phi vật thể tạo nên sự đa dạng. Hiện nay chúng ta đang phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Quan điểm chung là khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa. Tức là đưa ra những sản phẩn và dịch vụ văn hóa dựa trên vốn văn hóa của các địa phương. Đây chính là thời điểm chúng ta khai thác sự đa dạng văn hóa của các vùng miền. Từ đó biến văn hóa trở thành sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Địa phương nào khai thác tài nguyên văn hóa tốt thì sẽ có nhiều cơ hội trong quá trình phát triển.
Hệ thống di sản văn hóa phong phú của nước ta chủ yếu nằm ở các địa phương. Đây chính là những tài nguyên quý giá, là nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội và gia tăng sức mạnh mềm cho mỗi địa phương. Vậy để khai thác nguồn lực văn hoá đó thì cần chú trọng vấn đề gì?
– Chúng ta phải khai thác văn hóa theo hướng bền vững, phải có đánh giá tác động cụ thể. Ngoài câu chuyện đánh giá tác động kinh tế xã hội thì chúng ta cần phải đánh giá tác động đối với văn hóa.
Trước hết phải đặt sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các di sản hóa trong đúng bối cảnh của nó. Nếu bị tách ra, thương mại hóa thái quá sẽ bị méo mó và mất đi ý nghĩa vốn có. Bên cạnh đó cần phải quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ nghệ nhân, cộng đồng cư dân địa phương làm cho họ có thể hưởng lợi được từ quá trình khai thác du lịch.
Có ý kiến cho rằng, trong việc khai thác nguồn lực văn hóa địa phương để phát triển du lịch nội địa thì có nguy cơ mất dần bản sắc ở mỗi địa phương do tự đồng hoá văn hoá giữa dân tộc đa số và thiểu số, dẫn đến sự nghèo nàn, lai căng. Vậy theo ông cần phải làm gì để bảo vệ?
– Khi giao lưu văn hóa sẽ giúp cho chúng ta ý thức nhiều hơn về văn hóa của mình. Để từ đó sẽ giúp cho mọi người thấy được sự độc đáo. Đồng thời tăng cường ý thức, trách nhiệm với di sản. Tuy nhiên qua quá trình giao lưu văn hóa giữa các vùng miền sẽ bị phai nhạt, điều này thể hiện rõ thông qua văn hóa của dân tộc thiểu số trong thời gian gần đây. Đây chính là nguy cơ không tốt của sự phát triển văn hóa trong quá trình khai thác thúc đẩy du lịch.
Chính vì thế chúng ta cần có ý thức tôn trọng, giữ gìn di sản văn hóa của các cộng đồng. Ở đây giữ gìn từ kiến trúc nhà ở, cảnh quan… Đối với những di sản văn hóa phi vật thể không có sự can thiệp từ phía người ngoài thì để các tộc người, người dân nơi địa phương đó tự chủ động trong việc phát triển.
Cần nhận thức đúng và đầy đủ về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các tộc người, địa phương. Đó chính là sức mạnh của các vùng miền. Xác định bản sắc vùng miền trong quá trình phát triển của đất nước nói riêng và trong quá trình hội nhập kinh tế nói chung. Khi đó sẽ có được lợi thế để phát triển du lịch nội địa.
Vậy, phải xây dựng chiến lược phát triển và khai thác nguồn lực văn hoá trong phát triển kinh tế như thế nào cho phù hợp, thưa ông?
– Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch là hết sức cần thiết nhưng phải tính toán đến lợi ích của tất cả các bên liên quan để vừa phát triển du lịch giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời quá trình phát triển du lịch từ văn hóa vùng miền sẽ tăng cường hiểu biết ý thức của cộng đồng đối với di sản văn hóa. Khi đó phát triển du lịch mới được bền vững.
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch nội địa thì các địa phương cần phải xác định được tiềm năng và lợi thế văn hóa của chính mình. Từ đó xây dựng thành các điểm du lịch và có cách khai thác đúng. Đặc biệt phải chú ý đến tính bền vững trong khai thác, có kế hoạch dài hạn và chi tiết để phát triển du lịch.
Trân trọng cảm ơn ông!