Theo các chuyên gia du lịch, dịch Covid-19 đã khiến toàn ngành du lịch lao đao, nhưng cũng mang đến cơ hội để tự nhìn lại và rút ra bài học từ khủng hoảng. Một trong những bài học quan trọng nhất là cần nhận thức lại về tầm quan trọng của du lịch trong nước để cân đối trong chính sách phát triển giữa các loại hình. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Trước đây, do chưa được xem là nhánh chủ lực cho nên du lịch nội địa chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Nhu cầu, sở thích, xu thế, sản phẩm yêu thích của du khách Việt hay dịch vụ du lịch phục vụ người Việt… đều chưa được định hình một cách rõ ràng. Ðể du lịch nội địa không chỉ là giải pháp phục hồi du lịch mang tính tạm thời, những người làm du lịch cần xây dựng một thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ ngay cả khi dịch kết thúc.
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy: Năm 2011, lượng khách du lịch nội địa chỉ là 30 triệu lượt nhưng tới năm 2019 đã tăng lên 85 triệu lượt (gấp gần ba lần), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15%/năm. Thời gian chuyến đi cũng như mức chi tiêu của khách trong nước ngày càng tăng cao, trung bình là 3,7 ngày, chi tiêu bình quân từ 1 triệu đến 1,6 triệu đồng/ngày. Năm 2015, khách nội địa mới chỉ đóng góp 158.000 tỷ đồng vào tổng thu toàn ngành thì đến năm 2019 đã tăng lên 334.000 tỷ đồng, mức tăng bình quân đạt khoảng 20,5%/năm. Ðiều này cho thấy, giai đoạn 2011-2019, trước khi xuất hiện dịch, khách nội địa đã có sự tăng trưởng tích cực. Hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh, cộng với việc hàng loạt các công ty, nhà cung cấp dịch vụ du lịch đều kích cầu giảm giá nên sức mua tua, sản phẩm du lịch trong nước càng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các hãng hàng không liên tục phải tăng tải cung ứng và mở thêm đường bay trong nước. Nhiều cơ sở lưu trú ở những điểm đến du lịch “hot” đã phải thông báo “cháy phòng” trong kỳ nghỉ lễ sắp tới… Ðây là những minh chứng khẳng định du lịch nội địa là thị trường tiềm năng còn nhiều dư địa để ngành du lịch khai thác. Và nếu có chính sách khai thác hiệu quả, đây sẽ là thị trường giúp bảo đảm sự phát triển bền vững cho toàn ngành du lịch.
Trước những đòi hỏi mang tính cấp thiết về việc cần phải có chiến lược cụ thể để đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa, từ đó tăng sức đề kháng cho du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình vừa phối hợp tổ chức Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc năm 2021 với chủ đề “Du lịch nội địa – Ðộng lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới”, thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý du lịch và gần 500 doanh nghiệp du lịch cả nước. Tại diễn đàn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn thường lấy con số về lượng khách, doanh thu từ thị trường quốc tế để làm thước đo hiệu quả của phát triển du lịch. Ðiều này sắp tới sẽ phải thay đổi, ngành du lịch cần đi vững bằng cả hai chân quốc tế và nội địa.
Liên kết, đa dạng hóa sản phẩm
Ðể phát triển du lịch nội địa, theo lãnh đạo ngành du lịch, cần thực hiện bốn nhóm giải pháp mang tính chiến lược. Thứ nhất, các doanh nghiệp du lịch, nhất là lữ hành cần sớm cơ cấu lại doanh nghiệp, tính toán lại những bộ phận quan trọng, chủ lực trong kinh doanh lữ hành nội địa. Thứ hai, cần nghiên cứu lại thị trường du lịch nội địa. Thứ ba, đẩy mạnh liên kết trên cơ sở xây dựng những sản phẩm du lịch có tính đặc trưng; kết nối và lan tỏa các giá trị của sản phẩm. Thứ tư, tập trung đầu tư, từng bước xây dựng, hình thành văn hóa ở các điểm đến du lịch.
Có một thực tế là khi các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế cũng chuyển hướng tham gia vào thị trường nội địa thì tính cạnh tranh ở “địa hạt” này càng trở nên khốc liệt. Thực trạng đó đòi hỏi các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch một mặt phải tăng cường liên kết, phối hợp hành động để cùng chia sẻ lợi ích, mặt khác phải tìm cách tự định vị thương hiệu du lịch của mình thông qua việc xây dựng những sản phẩm du lịch đa dạng nhưng độc đáo, mang tính cá biệt. Theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương: Dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, trong đó ưu tiên cho yếu tố an toàn, trải nghiệm thiên nhiên, sinh thái, đi nhóm nhỏ, thời gian ngắn, sử dụng công nghệ… Do vậy, các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới, sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của khách.
Thời gian qua, một số đơn vị đã xây dựng được những sản phẩm du lịch mới thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách như: tua suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh, ngắm vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ, tham quan nhà tù Hỏa Lò về đêm, bay khinh khí cầu và ngắm hoa dã quỳ ở Ba Vì, cung đường du lịch mùa đông… Sự ra đời của những sản phẩm mới này đã góp phần tạo không khí sôi động cho thị trường du lịch trong nước, mang lại nhiều lựa chọn hơn cho du khách. Ðể thúc đẩy du lịch nội địa Việt Nam, các định hướng phát triển du lịch phải bảo đảm yếu tố an ninh, an toàn và nguyên tắc tôn trọng môi trường, hài hòa với tự nhiên, tôn trọng văn hóa địa phương, bản sắc vùng miền, chủ động ứng phó với dịch bệnh, phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, trước những đợt bùng phát của dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng còn cần có những chính sách, giải pháp từ các bộ, ngành, Chính phủ nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các hỗ trợ trực tiếp bao gồm hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi… Các hỗ trợ gián tiếp bao gồm đào tạo nhân lực, tuyên truyền quảng bá điểm đến chung… Nỗ lực chung của tất cả các thành phần cung ứng dịch vụ du lịch, cơ quan quản lý, ban, ngành liên quan sẽ tạo nên hệ sinh thái tích cực để thúc đẩy du lịch nội địa phát triển, bảo đảm du lịch có thể vận hành và tăng trưởng trong điều kiện “bình thường mới”.