Việt Nam với nhiều điểm đến hấp dẫn, nền văn hóa đa dạng giúp ngành du lịch luôn tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây. Điều này đặt ra yêu cầu về trình độ lao động trong ngành du lịch để góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của du khách.
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), mỗi năm ngành du lịch cần thêm gần 40.000 nhân lực, tuy nhiên lượng sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch ra trường hàng năm chỉ khoảng 15.000 người, trong đó hơn 15% có trình độ cao đẳng, đại học… Nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu về mặt số lượng, yếu về ngoại ngữ và chưa đảm bảo về chuyên môn.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường lao động chưa đạt yêu cầu. Lao động có trình độ đại học và trên đại học mới chiếm 9,7%, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm trên 50%, dưới sơ cấp là 39,3%… Đáng nói, chỉ có 43% nhân lực được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về các ngành nghề du lịch.
Các chuyên gia chỉ ra, hiện phương pháp giảng dạy tại nhiều trường du lịch còn nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành, trong khi việc đào tạo nghề du lịch cần ưu tiên cho thực hành với mức độ cao; chương trình đào tạo cũng chậm cập nhật các xu hướng phát triển mới của ngành. Điều này dẫn đến thực tế, doanh nghiệp du lịch muốn đưa ra các sản phẩm có sức cạnh tranh nhưng rất khó tìm được nhân lực chất lượng cao để thực hiện. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, khi tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo lại theo các tiêu chuẩn riêng của đơn vị mình. Không chỉ nhân viên mới mà đã từ lâu, việc tuyển dụng những vị trí quản lý cấp trung, cao cũng rất khó, kể cả có trả lương cao.
Đảm bảo nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá cho ngành du lịch, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2030 tầm nhìn 2045. Do đó, Việt Nam cần sớm giải bài toán đào tạo nhân sự chất lượng cao ngành du lịch để đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển của ngành, đặc biệt là phải đáp ứng chuẩn quốc tế trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay.
Nhiều chuyên gia trong ngành du lịch cũng góp ý, để nâng cao chất lượng nhân lực cần đẩy mạnh năng lực quảng bá, hợp tác, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước. Nhà nước cần khuyến khích hơn nữa khu vực tư tham gia vào quá trình phát triển du lịch, qua đó phát triển nhân lực ngành du lịch. Song với đó, cần đổi mới cơ chế quản lý nhà nước theo hướng linh hoạt, gắn với nhu cầu thực tế của thị trường, đối tác. Cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cần làm tốt nhiệm vụ đưa ra nghề nghiệp, dự báo nhu cầu, khuyến khích và thúc đẩy quá trình xã hội hóa đào tạo, phát triển nhân lực ngành du lịch.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, để duy trì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp ngành du lịch cần chủ động tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các hệ thống đào tạo trong nước và quốc tế… Ngược lại, các cơ sở đào tạo cần chủ động thu hút đầu tư, vào hệ thống đào tạo, cơ sở vật chất đội ngũ giảng dạy; liên tục cập nhật các kiến thức mới về các loại hình du lịch mới…
Hiện nay, một số chương trình hợp tác đã được hình thành giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo với hy vọng tạo ra nguồn nhân lực hạt nhân cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Đơn cử như dự án “Vườn ươm tài năng văn hóa du lịch” do Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ du lịch Tam Chúc tổ chức. Dự án đã thành công trong việc kết nối 60 trường cao đẳng, đại học trong cả nước đào tạo về chuyên ngành văn hóa và du lịch, xây dựng mạng lưới giảng viên, chuyên gia, diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế để đào tạo các chuyên đề cho người học.
Hay dự án “Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” do tổ chức Helvetas Swiss Intercooperation (Thụy Sĩ) và Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (Việt Nam) xây dựng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và góp phần vào sự phát triển bền vững cho ngành. Chương trình được sự tài trợ của chính phủ Thụy Sĩ, với nội dung và phương pháp giảng dạy chất lượng cao nhờ sự chuyển giao chuyên môn từ các trường đại học hàng đầu thế giới về ngành quản lý du lịch, nhà hàng. Những chương trình như trên được kỳ vọng sẽ đáp ứng những nhu cầu thực tiễn, giải quyết những tồn tại về nhân lực của ngành du lịch nước ta.