Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngay khi du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ ngày 15-3-2022, hoạt động du lịch đã khởi sắc, nhất là du lịch nội địa đã vượt mục tiêu đề ra của cả năm. Tuy nhiên, thị trường quốc tế vẫn đang gặp không ít khó khăn, khi lượng khách đến Việt Nam chỉ được 950.000 lượt trong 7 tháng năm 2022, đạt 15% mục tiêu của cả năm.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, lượng khách quốc tế dù đã tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021, song giảm tới 90,3% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). “Hoạt động đón khách quốc tế chưa được như kỳ vọng là do nhiều thị trường truyền thống đang hạn chế đi lại, hơn nữa mùa cao điểm đón khách thường từ tháng 9. Vì thế, các địa phương, đơn vị cần có chiến lược trong việc quảng bá, xúc tiến, xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho hay.
Bày tỏ lo lắng trước khả năng đón khách quốc tế có thể không đạt chỉ tiêu, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, mặc dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp, song lại chiếm phần lớn doanh thu của ngành. Do đó, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp, hơn 2 triệu lao động và hàng chục nghìn cơ sở dịch vụ trong cả nước đang làm kinh tế dựa vào du lịch. “Các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cần hợp lực để tạo sức mạnh, hỗ trợ nhau giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhằm thu hút khách quốc tế”, ông Vũ Thế Bình nói.
Trước yêu cầu cấp thiết đó, đầu tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam” với sự tham gia của 9 tỉnh, thành phố và hàng trăm doanh nghiệp du lịch để bàn giải pháp thu hút khách quốc tế, phục hồi và phát triển toàn diện ngành Du lịch Việt Nam.
Cũng trong thời gian này, nhiều địa phương đã tăng cường hợp tác, liên kết vùng. Điển hình như tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị sơ kết diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (thành phố Đà Nẵng; các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định), nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch liên vùng Bắc – Trung – Nam. Tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên, gồm: Đắc Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã tổ chức hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch và cam kết thỏa thuận tăng cường hợp tác, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch cho toàn vùng.
Cần sự sáng tạo, đổi mới
Tại các hội nghị liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam, rất nhiều vướng mắc của ngành Du lịch đã được thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là về thị trường du lịch quốc tế.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, khi du lịch thế giới phục hồi, du lịch Việt Nam phải đối mặt với những thách thức về cạnh tranh điểm đến với nhiều nước Đông Nam Á, như: Thái Lan, Singapore, Campuchia… Chưa kể, nguồn nhân lực chất lượng cao đang bị hao hụt cũng tạo ra khó khăn đáng kể. Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Image Travel & Event Nguyễn Ngọc Toản cho biết, thị trường khách châu Âu tiếp tục gặp khó, vì thiếu chuyến bay và chính sách visa chỉ cho phép 15 ngày, đã hạn chế khách đến Việt Nam.
Bàn về các giải pháp thu hút khách quốc tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, ngành Du lịch cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch chủ động triển khai kế hoạch, đề án phục hồi. Các địa phương nên tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp giữa hội thảo, hội nghị, khen thưởng, hội họp)…
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, các địa phương, đơn vị cần tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch. Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group Võ Anh Tài kiến nghị, từ nay đến cuối năm 2022, ngành Du lịch cần đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường quốc tế có tiềm năng, như: Mỹ, Ấn Độ, Australia, ASEAN…
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị các đơn vị du lịch, địa phương tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới. “Mỗi địa phương phải có một sản phẩm đặc sắc, xây dựng bản đồ số du lịch, xây dựng được chương trình hành động, ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho du lịch xanh, du lịch văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Còn tại Hà Nội, trong 8 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Thủ đô đạt khoảng 582.000 lượt. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho hay, Sở đã xây dựng các chương trình thu hút du khách quốc tế. Ngoài việc tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố khác, đơn vị còn tổ chức các chuyến khảo sát cho doanh nghiệp lữ hành để xây dựng sản phẩm du lịch mới…