Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch đã nỗ lực ứng phó và triển khai chương trình kích cầu du lịch để phục hồi hoạt động ngành. Trong đó, 3 yếu tố đúng thời điểm, hợp lực và có thông điệp rõ ràng là những kinh nghiệm rất tốt để chuyển hóa mục tiêu thành hiện thực, mang lại thành công cho chương trình kích cầu.
Việt Nam có nhiều điểm đến đẹp thu hút khách du lịch. Trong ảnh là đồi chè Ô Long tại Sapa (Lào Cai). Ảnh VGP/Nhật Thy |
Trong năm 2020, hai đợt dịch bùng phát ở trong nước làm ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động du lịch bị gián đoạn, nhu cầu du lịch giảm sút nghiêm trọng, các doanh nghiệp, người lao động trong ngành bị mất doanh thu, thu nhập, việc làm.
Trong bối cảnh đó, toàn ngành du lịch nỗ lực triển khai chủ trương thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra. Trước hết chú trọng phòng chống dịch, đảm bảo du lịch an toàn; đồng thời, chuyển hướng thị trường, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, góp phần giảm thiểu thiệt hại khi các hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ.
Thác Bản Giốc (Cao Bằng). Ảnh: VGP/Nhật Thy |
Trong năm 2020, sau hai đợt dịch vùng phát, Tổng cục Du lịch đã triển khai các Chương trình kích cầu du lịch nội địa gồm: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Hai chương trình kích cầu nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông, báo chí. Nhiều hoạt động, chương trình, sản phẩm đã được kích hoạt với tiêu chí an toàn và hấp dẫn theo chủ đề của chương trình kích cầu. Nhờ chương trình kích cầu, các hoạt động du lịch nội địa được duy trì. Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp tục các giải pháp phục hồi hướng tới chu kỳ tăng trưởng mới. Công suất sử dụng phòng khách sạn ở một số điểm đến như Đà Lạt, Sa Pa, Hạ Long, Quy Nhơn, Phú Quốc, Côn Đảo… đạt hơn 30%, thời kỳ cao điểm, cuối tuần lên tới 80%.
Bãi Nhát Côn Đảo – một trong những bãi biển hoang sơ nhất châu Á. Ảnh VGP/Nhật Thy |
Chương trình kích cầu cũng khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu khách du lịch. Nhiều chương trình liên kết đã ra đời như TPHCM, TP. Hà Nội gắn kết với các cụm địa phương như Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc bộ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung… Sự liên kết giữa ngành du lịch và hàng không cũng ngày càng chặt chẽ, giữa các hãng hàng không và các điểm đến, khu du lịch, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành để triển khai các gói kích cầu hấp dẫn và bảo đảm quyền lợi các bên. Sự hình thành các chương trình liên minh, liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong ngành, giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác là yếu tố đảm bảo cho triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch.
Ngành du lịch và công thương cũng tăng cường phối hợp thông qua việc ký kết quy chế phối hợp giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và đảm bảo quyền lợi khách du lịch.
Năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, du lịch quốc tế chưa thể xác định thời điểm mở lại, ngành du lịch sẽ tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động kích cầu thị trường nội địa, chú trọng phát huy liên minh, liên kết, đẩy mạnh hợp tác công tư.