Giữa bảo tồn và phát triển luôn có sự tranh chấp lẫn nhau – và bài toán này thật sự trở nên nan giải đối với mọi quốc gia, dân tộc trong quá trình tìm kiếm, chọn lựa giải pháp để đạt được mục tiêu đặt ra trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa và bền vững.
Nhìn từ thực tiễn thì tranh chấp này, hay nói đúng hơn là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển được nhận diện dễ dàng qua hoạt động du lịch lấy vốn di sản, cảnh quan thiên nhiên làm tài nguyên/chất liệu để khai thác và tìm kiếm lợi nhuận. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) luôn coi nội dung “Đoàn kết vì di sản” là một trong những nội dung quan trọng, cấp bách đối với mọi quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập. Trong đó ngành kinh tế du lịch được đánh giá là một trong những đối tượng cần được quan tâm hàng đầu trong sự nghiệp bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa: Hữu Hùng |
Du lịch được xem là “ngành công nghiệp không khói”, là “lĩnh vực kinh tế của tương lai” và thật sự nó đang đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại nguồn thu nhập to lớn cho mọi quốc gia. Vì thế quốc gia nào cũng đưa du lịch vào một trong những ưu tiên để phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên từ gần hai thập kỷ qua, không chỉ UNESCO mà tại các diễn đàn quốc tế nói chung, nhiều quốc gia đã lên tiếng cảnh báo về tác động trái chiều của ngành kinh tế quan trọng này lên đời sống nói chung, đặc biệt là đối với các đối tượng cần được bảo tồn bền vững – đó là vốn di sản văn hóa và nguồn tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia. Bên cạnh những mặt lợi ích về kinh tế do du lịch đem lại, thì tình trạng phát triển du lịch ồ ạt, thiếu định hướng trong chiến lược phát triển; chạy theo các mục tiêu tăng trưởng, lợi nhuận như một ngành kinh tế thuần túy đã khiến hoạt động du lịch nói chung trở thành “mối đe dọa hữu hình” đối với sự nghiệp bảo tồn sự toàn vẹn các giá trị văn hóa (bao gồm di sản và cảnh quan thiên nhiên). Ở đó, người ta đã đưa ra nhiều ví dụ về tác động tiêu cực của ngành du lịch lên các môi trường văn hóa, môi trường cảnh quan thiên nhiên.
Ở châu Á, Tổ chức UNESCO đã nhắc đến bài học văn hóa bản địa Bali (Indonesia) gần như biến mất bởi quá trình phát triển du lịch thiếu cân nhắc từ vài thập niên qua. Chính phủ Thái Lan cũng đau đầu trong việc lựa chọn giữa một bên là mục tiêu bảo tồn văn hóa và một bên là mục tiêu phát triển kinh tế đối với Cố đô Authaia – một di sản văn hóa thế giới nổi tiếng trong bối cảnh du lịch đang “trỗi dậy” và làm biến đổi các giá trị căn bản được ghi nhận, bảo hộ theo Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO. Ở Cộng hòa Liên bang Đức có thung lũng sông Elbe vang danh với nhiều cung điện nguy nga tráng lệ, nhưng do nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội buộc họ phải rút lui khỏi danh sách Di sản văn hóa thế giới. Ở Việt Nam, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long không chỉ một lần có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát theo tiêu chí/tiêu chuẩn của Công ước trên, bởi các hạng mục kinh tế và du lịch phát triển rầm rộ, làm thay đổi cảnh quan và môi trường nghiêm trọng. Gần đây nhất, một dự án xây dựng khu đô thị có ảnh hưởng cảnh quan vùng đệm vịnh Hạ Long cũng khiến dư luận dậy sóng, hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc để giải quyết.
Qua những “sự cố” trên cho thấy du lịch ngày nay đã trở thành lĩnh vực hoạt động rất đặc biệt, tổng hợp nhiều loại hình dịch vụ, nhiều thành phần kinh tế liên kết trong một quốc gia và quốc tế. Đây cũng là một lĩnh vực rất đặc thù cần tính đến sự tham gia của không những các đơn vị, doanh nghiệp làm kinh tế du lịch mà bao gồm cả toàn dân liên quan đến hoạt động này vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, thiên nhiên ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Vì thế, trong thông điệp gửi tới Hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về du lịch và văn hóa do UNESCO phối hợp với Hiệp hội Du lịch thế giới tổ chức vào cuối năm 2022 tại Siêm Riệp – Campuchia, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã chia sẻ: Ngày nay, mỗi tổ chức làm du lịch, mỗi du khách cần phải trở thành một người giám hộ cho di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới – và phải trở thành đại sứ của các cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa. Đây là lý do tại sao cần đặt sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, thiên nhiên lên vị trí ưu tiên cao nhất, chỉ có như vậy mới xây dựng được một nền du lịch thật sự hài hòa, bền vững.