• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Thị trường du lịch khởi sắc, ngược chiều với áp lực tăng giá xăng dầu

    Thứ ba, 10-05-2022 / 9:19:05 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    313 Lượt xem

    Tuần đầu tháng 5/2022, vào dịp nghỉ lễ dài 4 ngày cùng với tình hình dịch Covid-19 đã giảm sâu, giúp cho hoạt động du lịch khởi sắc. Người dân đã thực sự thích nghi với trạng thái bình thường mới. Bên cạnh tín hiệu vui này, tuần qua người dân có chút lo lắng, khi giá tiêu dùng tiếp tục chịu áp lực tăng do giá xăng dầu tăng kể từ 4/5/2022.

    Nhiều địa phương doanh thu từ du lịch tăng cao

    Thông tin tích cực của hoạt động kinh tế – xã hội trong tuần qua đó là hoạt động du lịch khởi sắc. Tại nhiều thành phố lớn, địa điểm du lịch vui chơi, mua sắm đông nghịt khách. Theo ước tính, đợt nghỉ lễ này đã có khoảng 5 triệu lượt khách đi du lịch, trong đó có 2 triệu khách đã lưu trú ở các địa điểm du lịch trong nước.

    Tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội ghi nhận, ước tính trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Thủ đô đón khoảng hơn 550 nghìn lượt khách, tăng gấp gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách quốc tế ước đón khoảng 2 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước trên 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17 lần so với cùng kỳ năm 2020. Khu nghỉ dưỡng ngoại thành như: Melia Ba Vì, Paragon resort, Tản Đà resort, Thiên Sơn – Suối Ngà, Làng Mít… lượng khách đặt gần như kín phòng.

    Đối với các trung tâm thương mại dịch vụ mua sắm và ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trong 4 ngày nghỉ lễ , lượng khách và doanh thu ước đạt khoảng 40%, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó chủ yếu là khối dịch vụ ăn uống.

    Nguồn: Tổng cục Du lịch
    Nguồn: Tổng cục Du lịch

    Cũng như Thủ đô Hà Nội, nhiều địa phương có lợi thế về du lịch biển cũng bội thu trong dịp nghỉ lễ. Tiêu biểu như Nghệ An đã đón hơn 712 nghìn lượt khách, trong đó khách có lưu trú khoảng 285 nghìn lượt; doanh thu từ các dịch vụ du lịch ước tính 855 tỷ đồng. Các khách sạn từ 3 – 5 sao ở thị xã Cửa Lò và một số điểm du lịch ở các huyện Diễn Châu, Con Cuông đạt công suất 90 – 100%; hầu hết các khu, điểm du lịch trong tỉnh hoạt động vượt công suất.

    Tại Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ đã có khoảng 340 nghìn lượt du khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…

    Sở Du lịch Đà Nẵng cũng cho biết, tổng lượng khách tham quan, du lịch tại thành phố trong 4 ngày nghỉ lễ ước đạt hơn 254 nghìn lượt, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

    Đáng chú ý, hoạt động kinh tế – xã hội, du lịch, mua sắm tại khu vực các tỉnh miền Nam diễn ra sôi động. Tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận lượng khách đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đến các địa điểm vui chơi, du lịch tăng 4 đến 5 lần ngày thường. Ghi nhận tại một số kênh bán lẻ như Co.opmart, Emart, Aeon, Big C, MM Mega Market… tại TP. Hồ Chí Minh, lượng khách đến mua sắm tăng mạnh. Các siêu thị, các quầy hàng thực phẩm chế biến sẵn, hàng tươi sống, trái cây… là những khu vực hút nhiều khách nhất.

    Giá xăng dầu tăng trở lại, áp lực tăng chỉ số CPI

    Tuần đầu tháng 5 này, trước áp lực giá thế giới, Liên Bộ Công thương – Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước từ ngày 4/5; mức điều chỉnh giá xăng E5 RON 92 cao nhất là 27.460 đồng/lít; tăng 330 đồng so với điều chỉnh trước (ngày 23/4). Còn xăng RON 95 là 28.430 đồng/lít, tăng 440 đồng so với lần điều chỉnh trước. Đây là kỳ điều chỉnh tăng giá xăng dầu thứ hai liên tiếp từ cuối tháng 4/2022.

    Việc tăng giá xăng dầu mặc dù là bất khả kháng nhưng được các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đánh giá là sẽ tạo áp lực tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất kinh doanh, giá cả hàng hóa tiêu dùng và sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 5/2022. Trước đó CPI tháng 4/2022 được cơ quan chức năng ghi nhận tăng 0,18% so với tháng 3, tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2021.

    Trong bối cảnh nêu trên, đại diện Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ ngành đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm bình ổn thị trường.

    Đối với mặt hàng xăng dầu, để bảo đảm nguồn cung trong nước thời gian tới, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục hồi kinh tế theo chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu… Đặc biệt, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

    Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý II/2022

    Theo Bộ Công thương, quý II/2022, nguồn cung xăng dầu dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu m3, nhưng nhu cầu tiêu dùng chỉ khoảng 5,2 triệu m3. Trong khi đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết cung cấp hơn 1,8 triệu m3 xăng dầu trong quý II/2022.

    Để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp phần thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

    Nguồn : Thời báo Tài chính Việt Nam
    Tin mới