Ngày 2.11, Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức Hội thảo dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới- thách thức và giải pháp”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn chủ trì Hội thảo.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu là chuyên gia du lịch, lãnh đạo các Sở quản lý du lịch địa phương; đại diện các trường đào tạo về du lịch, các doanh nghiệp du lịch…
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn tới ngành Du lịch, làm thay đổi về nhu cầu, thị hiếu trong tiêu dùng du lịch, đặc biệt ảnh hưởng tới cơ cấu thị trường du lịch hiện nay. Để đảm bảo thích ứng, phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn mới, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch giao, chúng tôi mong muốn qua Hội thảo “Thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới- thách thức và giải pháp” sẽ tham vấn được nhiều ý kiến của các nhà khoa học. Từ đó, xác định rõ những đặc điểm, xu hướng mới của thị trường khách du lịch nội địa và đề xuất các giải pháp khả thi thúc đẩy thị trường khách này trong giai đoạn tới”.
Chủ nhiệm Nhiệm vụ “Nghiên cứu thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới” Nguyễn Thị Lan Hương đã trình bày các nội dung cơ bản của Nhiệm vụ
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, thị trường nội địa đã có những bước tăng trưởng rất mạnh mẽ cùng với việc xuất hiện các xu hướng du lịch mới, chú trọng tới việc chăm sóc sức khỏe, gần gũi thiên nhiên… Đồng thời có thể thấy, qua các cuộc khủng hoảng, thị trường nội địa luôn là cứu cánh của ngành Du lịch, phục hồi rất nhanh và lấy lại đà phát triển hơn cả mong đợi.
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ nhiệm Nhiệm vụ “Nghiên cứu thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới” Nguyễn Thị Lan Hương đã trình bày các nội dung cơ bản của Nhiệm vụ. Nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện nhiệm vụ này, bà Hương cho rằng, đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến kinh tế, xã hội mà còn tác động rất lớn tới tâm lý, tình cảm, sở thích, nguyện vọng của khách du lịch. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá hiện trạng khách du lịch nội địa giai đoạn trước, trong và sau thời gian diễn ra dịch bệnh để xác định những đặc điểm, sự thay đổi và xu hướng tiêu dùng của thị trường, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa sẽ đóng góp vào sự phục hồi và phát triển của du lịch trong bối cảnh mới.
Nhiệm vụ đã nghiên cứu về thị trường khách nội địa giai đoạn từ 2016- 2022 trên phạm vi toàn quốc, trong đó, tập trung chủ yếu ở một số trung tâm tại các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
PSG.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXHNV Hà Nội tham luận tại Hội thảo
Nhóm nghiên cứu đánh giá, thời gian qua, thị trường khách du lịch nội địa đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam. Với sức tăng trưởng ổn định về số lượng cũng như đóng góp về tổng thu từ khách du lịch, du lịch nội địa đã khẳng định vai trò tích cực trong mỗi giai đoạn phát triển.
Theo số lượng thống kê, lượng khách du lịch nội địa tăng đều qua các năm và đạt đỉnh cao nhất vào năm 2019 với 85 triệu lượt khách; 8 tháng đầu năm 2022 đón 79,8 triệu lượt. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, 10 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 91,8 triệu lượt người, vượt qua con số cả năm 2019.
Mức tăng trưởng hàng năm lên tới 2 con số của du lịch nội địa là minh chứng rõ ràng cho nhận định, thị trường du lịch nội địa Việt Nam có sự phát triển đáng kinh ngạc. Thế nhưng, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, tổng lượng khách du lịch nội địa cũng như tổng thu du lịch nội địa của chúng ta chưa xứng với tiềm năng.
Chi tiêu của khách du lịch nội địa 1 ngày trung bình 977,7 nghìn đồng (năm 2011) nhưng đến 2020 cũng chỉ đạt 1.150,3 nghìn đồng.
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia, thời gian trước dịch, khách du lịch có tới 66% đi tour trọn gói. Trong đó, các tour thiết kế riêng theo yêu cầu chiếm 62,3%, các tour du lịch đi theo ngày đặt qua đơn vị kinh doanh lữ hành vhieems 52,8%. Dịch vụ lẻ đặt theo yêu cầu chiếm 41,5% cũng được khách du lịch nội địa quan tâm, các dịch vụ lẻ thường bao gồm: lưu trú, ăn uống, hoạt động hỗ trợ…
Khách nội địa thường đi du lịch vào những ngày lễ lớn, phần lớn đi vào thời gian Tết nguyên đán, các dịp lễ, và thời điểm học sinh nghỉ hè. Chủ yếu khách đi cùng nhóm bạn bè, gia đình. Độ dài chuyến đi trung bình thường từ 3-4 ngày dịp hè và 1-3 ngày dịp lễ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các điểm đến tuyền thống với sự tiếp cận dễ dàng và các tiện nghi hỗ trợ tích cực được khách du lịch lựa chọn nhiều. Trong đó nổi lên là: nghỉ dưỡng biển ở: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cửa Lò, Sầm Sơn, Quảng Ninh, Huế, Bình Định, Nha Trang, Mũi Né, Ninh Thuận, Vũng Tàu….; nghỉ dưỡng núi ở Sa Pa, Hà Giang, Đà Lạt; đô thị ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế… và các điểm khác ở Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Các doanh nghiệp cho biết: khách yêu thích và thường sử dụng các sản phẩm nghỉ dưỡng biển (49%), nghỉ dưỡng núi (41,8%), du lịch sinh thái (50%)
Khách thường sử dụng dịch vụ ở mức trung bình khá trở lên; thích các hoạt động vừa phải, ít vận động và có sự hỗ trợ của tiện nghi. Chi tiêu trong du lịch ở mức 1.537 nghìn đồng/ ngày, lưu trú trung bình 3 sao trở lên, ăn uống nhiều đặc sản ẩm thực địa phương…
Đặc điểm của thị trường khách du lịch nội địa Việt Nam trong giai đoạn này cũng có nhiều đặc thù và cũng có thay đổi đáng kể theo các giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh. Căn cứ trên các tác động của sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường khách du lịch nội địa cũng có những chuyển biến đáng kể. Có thể thấy rõ tác động và xu hướng phát sinh trong thị trường du lịch được chia ra thành các giai đoạn sau: Giai đoạn vàng của du lịch Việt Nam từ 2015- 2019; giai đoạn du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch từ 2020- 2021; giai đoạn phục hồi và phát triển từ 2022- nay.
Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của đại diện các Sở quản lý du lịch địa phương, các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch, trường đào tạo du lịch
Căn cứ trên những kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện Nhiệm vụ “Nghiên cứu thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới” đề xuất định hướng và các giải pháp để thúc đẩy thị trường nội địa trong tình hình mới, sau đại dịch. Trong đó có các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường du lịch nội địa; giải pháp về đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; giải pháp về phát triển sản phẩm; giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch; tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại với phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch…
Có hơn 10 ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, các trường đào tạo du lịch… tại Hội thảo tập trung thảo luận sâu việc định hướng khai thác thị trường khách du lịch nội địa sau dịch Covid-19 và giai đoạn tiếp theo; đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường ở Việt Nam hiện nay; đào tạo nguồn nhân lực sau đại dịch Covid-19; liên kết phát triển sản phẩm du lịch dành cho khách nội địa…
Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, những ý kiến tham luận tại Hội thảo có rất nhiều ý tưởng mới, có những nghiên cứu sâu sắc và gợi ý những giải pháp, khuyến nghị về chính sách rất đáng lưu tâm. Nhóm thực hiện Nhiệm vụ sẽ tiếp thu các ý kiến này và hoàn thiện báo cáo Nhiệm vụ.