8 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đạt 7,8 triệu lượt và 86 triệu lượt khách nội địa. Như vậy, ngành du lịch có nhiều khả năng sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Lượng du khách quốc tế được dự báo sẽ gia tăng dịp cuối năm. Ảnh: Quang Vinh.
Giá dịch vụ ổn định song khó có đột phá
Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay trùng ngày nghỉ cuối tuần, nên người lao động được nghỉ 4 ngày liên tục, từ ngày 1/9 đến 4/9. Nhiều người tận dụng thời gian này để đi du lịch, tuy nhiên nhu cầu không tăng đột biến.
Theo số liệu của VNTRIP – ứng dụng đặt phòng, đặt vé máy bay phổ biến tại Việt Nam cũng cho biết, kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay mặc dù được nghỉ 4 ngày, giá dịch vụ cũng không có nhiều biến động, thậm chí còn giảm hơn so với năm 2022.
Phản ánh từ các công ty lữ hành cho thấy, do ảnh hưởng của nền kinh tế hiện tại khiến một bộ phận khách thắt chặt chi tiêu, dẫn đến sức mua của thị trường du lịch giảm. Mặt khác, nhiều người đã đi du lịch dịp 30/4 – 1/5 và hè. Do đó, lượng khách du lịch dịp lễ 2/9 năm nay không tăng đột biến.
“Chi phí dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, khách sạn đang khá ổn định, có khả năng thị trường sẽ không quá “sốt” tour ở cả các tuyến cả nội địa và nước ngoài. Một phần lý do là nhiều địa phương đã cho phép học sinh tựu trường từ cuối tháng 8 để chuẩn bị vào năm học” – bà Trần Thị Bảo Thu – Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Vietluxtour cho biết.
Tương tự, bà Trần Phương Linh – Giám đốc Tiếp thị CNTT BenThanh Tourist cũng cho rằng, vài năm gần đây, thói quen của khách đã thay đổi khi họ du lịch dàn trải cả năm thay vì đổ dồn vào các ngày lễ lớn. Ngoài ra, với các chuyến tham quan ngắn ngày, du khách có xu hướng lựa chọn hình thức du lịch tự túc. Do đó, lượng khách du lịch dịp lễ 2/9 năm nay không tăng cao.
Theo ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, tổng hợp từ báo cáo kế hoạch khai thác và nhu cầu vận chuyển của các hãng hàng không, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay các hãng khai thác hơn 5.300 chuyến bay. Năm 2022, dịp nghỉ lễ 2/9, cả nước phục vụ khoảng 3 triệu khách du lịch. Năm nay, dự báo lượng khách ước giảm 15 – 25% so với năm ngoái. Mùa nghỉ lễ này cũng sẽ khép lại mùa cao điểm của khách nội địa, mở ra mùa cao điểm của khách quốc tế đến Việt Nam, bắt đầu từ tháng 9, tháng 10.
Dự báo khách quốc tế sẽ tăng mạnh
Theo thông tin từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 2 tháng vừa qua, lượng khách du lịch quốc tế tăng liên tiếp mặc dù chưa vào mùa cao điểm. Tháng 7/2023 lượng khách quốc tế đạt 1 triệu lượt. Tháng 8/2023, lượng khách quốc tế ước đạt 1,2 triệu lượt, tăng 15,4% so với tháng trước. Lượng khách du lịch nội địa tháng 8/2023 ước đạt 9,5 triệu lượt khách, giảm 24% so với tháng 7/2023; tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có khoảng 6,3 triệu lượt khách có lưu trú.
Nhận định về xu hướng du lịch, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, Luật mới về xuất, nhập cảnh có tác động rất tích cực đến ngành du lịch, giúp cho ngành du lịch thuận lợi hơn trong thu hút khách du lịch quốc tế và có khả năng giữ khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Các chính sách mới giúp ngành du lịch đa dạng hóa thị trường, nhất là thu hút khách ở các thị trường xa, cần có thời gian dài như Mỹ, Úc, châu Âu… Luật có hiệu lực còn giúp tăng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực. Trước đây, so với Thái Lan, Singapore, sức cạnh tranh của chúng ta còn thấp nhưng chính sách thông thoáng hơn về thị thực có thể giúp khả năng cạnh tranh của chúng ta tốt hơn.
Thực tế, ngay khi quy định mới về xuất, nhập cảnh ra đời, lượng khách tìm kiếm thông tin về điểm đến của Việt Nam tăng lên 30%, theo công bố của Agoda. Tổ chức Du lịch thế giới cũng đưa ra nhận định, chính sách visa thuận lợi sẽ giúp tăng từ 15-25% khách du lịch, vì thế theo giới chuyên gia du lịch, chính sách visa cởi mở sẽ khởi động một lộ trình thông thoáng cho du lịch Việt tăng tốc phục hồi và phát triển. Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia để hút khách quốc tế không chỉ ở chính sách visa mà là tổng hợp của các yếu tố như: chất lượng dịch vụ lưu trú, ẩm thực độc đáo, không gian văn hóa, giá cả phù hợp…Do đó, để phát triển du lịch cần có sự kết nối chặt chẽ với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên để giải quyết những vấn đề đặt ra trách nhiệm thuộc về cấp quản lý ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch và những người cung cấp dịch vụ.
“Các địa phương cần vào cuộc để xây dựng dịch vụ cũng như quản lý điểm đến nhiều hơn để khách được trải nghiệm cũng như sử dụng sản phẩm nhiều nhất. Hiện nay, khách đến Việt Nam mới chỉ đi du lịch ban ngày, còn buổi tối – thời điểm mà khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vẫn chưa có nhiều sản phẩm” – ông Chính nhấn mạnh.
Để tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông dịp Quốc khánh 2/9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe container; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định…