Lượng du khách quốc tế tìm kiếm thông tin về Việt Nam tăng mạnh, mong ngóng khám phá mảnh đất hình chữ S là tín hiệu lạc quan để Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường quốc tế.
Nhiều khách quốc tế mong muốn đến du lịch Việt Nam |
Du khách quốc tế quan tâm
Sau 19 tháng “đóng băng”, tháng 11/2021, Việt Nam thí điểm đón du khách quốc tế sở hữu “hộ chiếc vắc-xin”. Cũng từ đây, lượng du khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam tăng mạnh.
Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights (Theo dõi xu hướng du lịch) cho thấy, lượng tìm kiếm bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021). Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21/1 tăng 425%, thời điểm ngày 3/2 (ngày cập nhật số liệu mới nhất) tăng 374% so cùng kỳ 2021.
Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng cao từ đầu tháng 12/2021 với 42% và thời điểm ngày đầu tháng 2/2022 đạt mức tăng 86% so cùng kỳ 2021. Tính chung hàng không và cơ sở lưu trú, lượng tìm kiếm tăng cao liên tục từ tháng 12/2021 đến nay, nhất là từ đầu tháng 1/2022. Thời điểm ngày 2/2 có mức tăng cao nhất là 245% so cùng kỳ năm 2021. Theo thống kê, du khách đến từ các quốc gia như Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Anh, Canada… có lượng tìm kiếm thông tin du lịch về Việt Nam nhiều nhất. 10 điểm đến của Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất bao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Quy Nhơn, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đặc biệt, khảo sát “Nhu cầu khách du lịch Singapore đến Việt Nam”, do Tổng công ty Cảng Hàng không quốc gia Changi (CAG) triển khai gần đây cho thấy, du khách Singapore có nhu cầu đi du lịch Việt Nam ngay khi hạn chế đi lại tại cửa khẩu quốc tế được nới lỏng, với 90% du khách được hỏi. 95% người trả lời cho biết, họ mong muốn đi du lịch Việt Nam với mục đích nghỉ dưỡng từ 7 ngày trở lên. Phong cảnh tươi đẹp, truyền thống văn hóa và lịch sử giàu bản sắc, ẩm thực đặc sắc và đặc biệt là con người thân thiện là những điều thu hút khách Singapore đến với Việt Nam.
Đây là những tín hiệu đầy lạc quan để Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường quốc tế trước ngày 30/3 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sẵn sàng sản phẩm, dịch vụ
Để thu hút được đông đảo du khách quốc tế ngay khi mở cửa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất miễn thị thực đơn phương đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ như thời điểm trước năm 2020 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát); bao gồm miễn thị thực đơn phương đối với 24 quốc gia, vùng lãnh thổ và áp dụng thị thực điện tử cho công dân từ 46 quốc gia nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), năm 2022 sẽ chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành du lịch toàn cầu nếu chính phủ các nước duy trì mở cửa và nới lỏng hạn chế đi lại. Điều này sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới, trong đó đặc biệt ngành du lịch có thể đóng góp 8.600 tỷ USD (chỉ thấp hơn 6,4% so với trước đại dịch) và tạo ra hơn 58 triệu việc làm trong năm 2022.
Tận dụng cơ hội đón khách quốc tế để bật dậy, các doanh nghiệp đang nỗ lực chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ, sẵn sàng cho ngày mở cửa. Ông Trần Hải Nam, chủ tàu Rồng Việt Seoul Hạ Long chia sẻ: “Quảng Ninh là một trong 7 địa phương được lựa chọn thí điểm đón du khách quốc tế giai đoạn II. Chúng tôi vừa đầu tư hàng trăm triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng, sơn sửa lại tàu, chuẩn bị đón khách quốc tế vào cuối tháng này. Khách quốc tế sử dụng nhiều dịch vụ và chi mạnh tay hơn nên chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng”.
Để chuẩn bị đón du khách quốc tế, thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội đã chủ động cơ cấu lại sản phẩm du lịch, đưa ra các sản phẩm mới, khai thác thế mạnh của Thủ đô như du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng… Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch của Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn như tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour trải nghiệm phố cổ bằng xe điện; tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp “VGreen bike tour”, tour đêm Hỏa Lò “Đêm linh thiêng sáng ngời tinh thần Việt”…
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Tập đoàn Lux Group cho biết, từ tháng 6/2021, Tập đoàn này đã làm việc với nhiều đối tác ở nước ngoài và các bên đã chuẩn bị những sản phẩm mới, hấp dẫn, hợp xu hướng cá nhân hóa. “Khó khăn duy nhất từ đó đến nay là chờ đợi Chính phủ cho phép mở lại đường bay, hoạt động du lịch quốc tế. Mong Chính phủ sớm phê duyệt cũng như công bố kế hoạch mở lại toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế sớm ngày nào hay ngày đó. Bởi, doanh nghiệp hiện đã cạn kiệt sức lực, cần bình ô-xy để sống sót”, ông Phạm Hà nói.