Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch theo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 với những thuận lợi và thách thức đan xen. Nhìn chung, công tác văn hóa, thể thao và du lịch có xu hướng phục hồi tích cực sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngành VHTTDL đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ đề công tác năm 2022: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.
Trong năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Du lịch phục hồi nhanh chóng, tăng trưởng bứt phá cả về lượng và chất là một trong những điểm sáng của ngành văn hóa, thể thao, du lịch trong năm qua, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước sau đại dịch Covid-19.
Kết quả, hoạt động du lịch tại các địa phương trong năm 2022 đều ghi nhận sự tăng trưởng cả về tổng lượng khách và tổng doanh thu, nhất là mảng du lịch nội địa. Tiêu biểu như Hà Nội, tính từ thời điểm du lịch cả nước mở cửa (ngày 15-3) đến nay, thành phố đã đón 18,7 triệu lượt khách, đạt doanh thu trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với cùng kỳ. Tương tự với đó là thành phố Hồ Chí Minh với 28,5 triệu lượt khách, tổng thu đạt 120 nghìn tỷ đồng, tăng 171,2%; thành phố Đà Nẵng đón 7,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 28 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2021…
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt. Khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt gần 500 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, truyền thông số về du lịch với nhiều cải tiến mạnh mẽ, cũng đóng góp đáng kể vào công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền hình ảnh đất nước, con người, văn hóa đặc sắc, cảnh quan tươi đẹp của Việt Nam.
“Có thể khẳng định rằng năm 2022, ngành VHTTDL đã để lại nhiều dấu ấn, kết quả tích cực. Chưa bao giờ, những kết quả của ngành VHTTDL được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện như thời điểm này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Toàn cảnh hội nghị |
Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gửi gắm nhiều kỳ vọng vào con đường phát triển phía trước của toàn ngành VHTTDL. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, toàn ngành nhất thiết phải chuẩn bị đủ các điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của một dân tộc có một nền văn hiến rực rỡ. Đó là những bảo tàng, thư viện, thiết chế văn hoá… không chỉ là công trình đáp ứng công năng sử dụng mà còn là những di sản về kiến trúc để lại cho thế hệ mai sau.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải quan tâm thực sự tới giới văn nghệ sĩ. “Vì sao chúng không đặt được hàng sáng tác, trong khi đã có Nghị định về đặt hàng sáng tác, đào tạo VHNT. Vướng ở đâu? Các văn nghệ sĩ trừ số ít đã trở thành người công chúng, người nổi tiếng, còn lại phần lớn chỉ hào nhoáng trên sân khấu, còn ra bên ngoài, sau cánh gà vô cùng khổ, đời sống bấp bênh, thu nhập thấp. Chế độ chính sách không thể mãi thế này được. Đào tạo thế hệ trẻ trong các trường nghệ thuật, anh chị em diễn viên tập luyện khổ sở mới có được một tác phẩm… nhưng chế độ chính sách quá thấp. Đây là vấn đề phải thực sự được quan tâm”, Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ rõ, tinh giản biên chế hành chính rất cần, nhưng tinh giản biên chế các đoàn nghệ thuật thì không thể đơn giản. Khi sáp nhập các đoàn nghệ thuật, sẽ có bao nhiêu đoàn nghệ thuật rồi đây sẽ bị mai một. Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… đều có đặc thù, không thể gộp thành một đoàn. “Nhất thời sẽ không thấy vấn đề gì, nhưng sau 10 năm, chúng ta sẽ thấy rất rõ hậu quả. Vì thế, lĩnh vực này cần nhìn nhận kỹ lưỡng, thấu đáo, không nên một chiều”.
Trong vấn đề xã hội hoá, Phó Thủ tướng cho rằng, chưa có nhiều cơ chế thuận lợi thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư cho văn hoá nghệ thuật. Về phát triển du lịch, theo Phó Thủ tướng, khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần chú trọng khai thác tổng lực, trong đó dựa vào điều kiện tự nhiên, văn hoá, con người như một nguồn lực cho sự phát triển. “Muốn du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có giải pháp mạnh, chính sách thật tốt, không thể cứ bình bình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.