Kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành du lịch – khách sạn do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố mới đây, ghi nhận, 66,7% số doanh nghiệp ngành này cho rằng, triển vọng ngành du lịch năm 2024 sẽ khả quan hơn; trong đó, 92,9% doanh nghiệp kỳ vọng chỉ tiêu doanh thu sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2024; 85,7% doanh nghiệp kỳ vọng sự tăng trưởng về lợi nhuận và lượt khách.
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho hay, sự tự tin này của các doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở vì từ ngày 15/8/2023, chính sách visa mới cho phép cấp visa điện tử (e-visa) cho du khách từ tất cả quốc gia và cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày. Sau khi chính sách có hiệu lực đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp. Không nằm ngoài sự kỳ vọng, chính sách nới lỏng visa thực sự đã mang lại cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam khi 4 tháng cuối cùng của năm 2023 số lượng khách quốc tế đến đạt trên 1 triệu người, vượt xa kế hoạch ban đầu.
Đến năm 2024, chính sách này tiếp tục được 92,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report coi là “đòn bẩy” chính giúp du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Trong bối cảnh ngành du lịch trên toàn thế giới đang sắp xếp lại trật tự, hành vi người tiêu dùng thay đổi rõ rệt, nếu Việt Nam có thể gây ấn tượng với du khách trong thời gian này thì có thể sẽ nắm lợi thế trong tương lai, ông Vinh nhấn mạnh.
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức nhiều giải đấu quốc tế như Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup, Giải bóng chuyền các Câu lạc bộ nữ châu Á… đã giúp quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Qua đó, có thể thấy rõ tầm quan trọng của các sự kiện thể thao, văn hóa đối với toàn ngành du lịch.
Ngoài ra, năm 2013, Việt Nam đón nhận “cơn mưa” giải thưởng tại Lễ trao giải World Travel Awards 2023, được kỳ vọng là cơ hội vàng để quảng bá du lịch Việt Nam ra toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Hiểu rõ được tầm quan trọng đó, 85,7% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát kỳ này của Vietnam Report đã lựa chọn việc đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, lễ hội và hội chợ triển lãm du lịch là kiến nghị quan trọng thứ hai trong năm 2024.
Người đại diện của Vietnam Report cho biết thêm, theo các báo cáo của thế giới, dòng khách quốc tế có xu hướng thay đổi điểm đến rõ rệt khi tình hình thế giới trong năm 2023 vaf 2024 có nhiều biến động như xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế ở các thị trường du lịch chính như Mỹ và châu Âu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được xem là đích đến an toàn với giá cả phù hợp; trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá xếp hạng cao về mức độ an toàn cùng với giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần các phân khúc khách du lịch.
Theo thống kê từ World Data, tỷ lệ tăng trưởng số lượng khách tới Việt Nam đã vượt qua Indonesia để vươn lên top 4 ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong khi các nước giữ được doanh thu bình quân trên 1 khách thì Việt Nam lại trên đà giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6. Lý giải cho nguyên nhân này là do Việt Nam còn nhiều hạn chế về du lịch mua sắm, khi mới chỉ chú trọng đầu tư xây dựng các cơ sở bán đặc sản địa phương nhưng lại thiếu vắng các trung tâm mua sắm miễn thuế (duty free).
Việc mở cửa hàng miễn thuế (factory Outlet) trong khu phi thuế quan đem lại 2 lợi ích chính. Lợi ích thứ nhất là thu hút lượng khách lớn từ các quốc gia châu Á đến mua sắm, thay vì phải chi trả chi phí cao hơn để sang châu Âu, châu Mỹ mua sắm, họ có thể có một điểm mua sắm hấp dẫn với khoảng cách địa lý gần. Lợi ích thứ hai là góp phần giảm thiểu việc “chảy máu” ngoại tệ khi du khách Việt Nam giảm nhu cầu sang các nước khác mua sắm.
Với những lý do này, hoàn toàn có thể tin tưởng sự bứt phá và phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 của ngành du lịch Việt Nam, ông Vinh nhấn mạnh.