Ngành “công nghiệp không khói” là tên gọi không chính thức của du lịch – ngành nắm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Với điểm mạnh là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với nhiều cảnh quan kỳ vĩ, kết hợp với nền văn hoá lâu năm, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong thập kỷ qua, ngành Du lịch tại Việt Nam phát triển khá nhanh và được kỳ vọng sẽ tiến xa hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, nhìn nhận theo cách khách quan những chỉ số đáng mừng của ngành Du lịch Việt Nam hầu hết đều đến từ du khách nội địa. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, trước COVID-19, lượng khách nội địa tăng đều qua các năm và đạt đỉnh vào 2019 với 85 triệu lượt. Khi dịch COVID-19 xuất hiện ngành Du lịch bị chững lại hai năm, cho đến năm 2022 sau khi gỡ bỏ mọi hạn chế đi lại, du lịch Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của khách nội địa khi đạt 101,3 triệu lượt, tăng 168,3% so với kế hoạch, vượt mức trước dịch.
Thế nhưng, trái lại với sự khởi sắc của du lịch nội địa, du lịch quốc tế trong năm 2022 lại không được như mong đợi. Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau mùa dịch COVID-19 nhưng lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong vùng. 18,1% là con số khiêm tốn của nước ta khi so với tỷ lệ phục hồi du lịch đạt mức 26 đến 31% của các nước láng giềng như: Thái Lan, Singapore, Malaysia.
Tính đến thời điểm hiện tại, quý I/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy ngành Du lịch Việt Nam đang gặp phải thử thách khi lượng khách quốc tế chưa đạt như kỳ vọng.
Ngoài ra, ngành du lịch nước nhà còn gặp phải một tình trạng là khách quốc tế khi đến du lịch tại Việt Nam không “chịu chi”, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ngành du lịch. Tại Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” diễn ra vào tháng 3/2023, Trưởng Ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính cho biết, năm 2019, chi tiêu trung bình khách du lịch quốc tế ở Việt Nam là 1.200 USD/người, thời gian ở lại 9,1 – 9,2 ngày. Cùng năm đó, Thái Lan đón 40 triệu lượt khách quốc tế có mức chi trả cao 2.400 – 2.500 USD/người và tỷ lệ quay trở lại lên đến 70%.
Đây không phải là tình trạng mới mà thực tế đã tồn tại từ lâu. Nhìn lại 10 năm qua, tổng chi tiêu trung bình cho một chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và hầu như không “nhúc nhích” qua từng năm.
Để lý giải cho tình trạng này, theo khảo sát của Tổng cục Du lịch, các mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống 56-60%; mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%; còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi giải trí, chi phí chỉ bằng 7-10% trong tổng chi phí.
Có thể thấy, hầu hết chi phí mà khách quốc tế chi trả cho chuyến du lịch đều tập trung vào lưu trú, hoạt động đi lại và ăn uống. Còn lại những nhu cầu như vui chơi giải trí và mua sắm hầu như không có. Trong khi đó, ở các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan, chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm 40-50%, thậm chí đến 60-70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch.
Thực chất, việc du khách quốc tế không chi cho hoạt động vui chơi giải trí tại Việt Nam không phải do họ không muốn mà có lẽ là vì nước ta chưa có nhiều địa điểm vui chơi giải trí thú vị thu hút khách du lịch. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, thiếu khu vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế đang là “lỗ hổng” lớn của ngành Du lịch Việt Nam.
Điển hình tại TP Hà Nội, vừa là Thủ đô của đất nước, vừa là địa điểm nhiều khách du lịch quốc tế tìm đến và là trung tâm phân phối khách du lịch của toàn miền Bắc và cả nước. Nhưng các sản phẩm du lịch tại Hà Nội hầu hết đều dựa vào yếu tố tự nhiên, khai thác những thứ có sẵn, chưa đầu tư đúng mức. Thủ đô vẫn thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh, hấp dẫn và thiếu những khu, điểm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách quốc tế.
Mới đây, tạp chí du lịch quốc tế nổi tiếng Condé Nast Traveler (CNTraveler) đánh giá Việt Nam là một trong 10 điểm đến du lịch rẻ nhất châu Á trong năm 2023. Đây có lẽ là minh chứng rõ nhất cho thấy ngành “công nghiệp không khói” của nước ta chưa thu được nhiều tiền của du khách quốc tế khi đến Việt Nam du lịch.
Phát triển sản phẩm du lịch độc đáo
“Khách nước ngoài khi đến Việt Nam hầu hết vì phong cảnh thiên nhiên của nước ta, thế nhưng sau khi ngắm cảnh họ cũng có nhu cầu muốn vui chơi giải trí nhưng lại không biết đi đâu. Tại nhiều điểm đến đắt giá như Hà Nội, Ninh Bình, Hội An, Huế,… hầu hết các khách du lịch chỉ đi chơi ban ngày còn tối đi dạo linh tinh rồi về ngủ. Có khi cả chuyến đi họ không chi trả cho dịch vụ vui chơi giải trí nào”, Chị H.Trang (34 tuổi, Hà Nam), hướng dẫn viên du lịch cho các tour khách quốc tế cho biết.
Đây có lẽ là thực trạng chung của nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam du lịch. Rõ ràng Việt Nam có lợi thế về phong cảnh thiên nhiên và đó là lợi thế thu hút khách du lịch nhưng chúng ta lại không có lợi thế để giữ chân khách ở lại lâu hơn. Khi khách ở càng lâu, tiêu sẽ càng nhiều tiền, vì vậy muốn khách quốc tế tiêu nhiều tiền có lẽ cách làm du lịch của nước ta cần khác đi.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 sáng 15/3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, một trong những nguyên nhân lượng khách quốc tế chưa đạt như kỳ vọng là do sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hóa.
Ảnh minh họa. (Ảnh – pacificcross.com.vn) |
“Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm. Chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách”, Bộ trưởng nói. Bên cạnh đó, ông đề nghị mỗi địa phương cần phát triển một sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính bản sắc, để thu hút khách du lịch.
Quả thật, hiện tại ngành du lịch nước ta chưa thực sự để tâm đến việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Đối với dịch vụ vui chơi giải trí, Phú Quốc, Đà Nẵng là những địa điểm đang triển khai tốt về mảng dịch vụ này. Còn lại hầu như dịch vụ giải trí của chúng ta còn kém hấp dẫn, không có sự đầu tư và chỉ nhằm phục vụ cho khách nội địa.
Do đó, nước ta cần đa dạng hoá các mô hình vui chơi giải trí đáp ứng tối đa nhu cầu của khách, tạo ra những sản phẩm du lịch, quà lưu niệm đặc trưng cho từng địa điểm. Đồng thời tận dụng văn hoá nghệ thuật phong phú, đặc trưng của từng vùng miền để hình thành những chương trình biểu diễn quy mô, chất lượng đến du khách nước ngoài.
Về dịch vụ mua sắm, đây là nhu cầu cần thiết của hầu hết du khách và là thu nhập lớn cho ngành du lịch. Nước ta cần có những trung tâm mua sắm phù hợp với du khách quốc tế mà ở đó những quyền lợi cơ bản của họ được đảm bảo. Đảm bảo uy tín, chấm dứt các tình trạng trà trộn hàng kém chất lượng, “chém giá” với khách nước ngoài. Các chính sách về hoàn thuế giá trị gia tăng cho du khách nước ngoài cũng cần thiết kế phù hợp với thực tế nước ta cũng như các nước trong khu vực.