Theo đó, chuyến bay đầu tiên xuất phát từ sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu (Trung Quốc) với 156 hành khách, trong đó phần lớn là khách Trung Quốc mua vé chặng Hải Khẩu – Cam Ranh. Theo kế hoạch, hãng hàng không Cambodia Airways khai thác đường bay Campuchia – Hải Khẩu – Cam Ranh với tần suất ba chuyến/tuần.
Khách quốc tế phục hồi nhanh
Cambodia Airways là hãng thứ 22 khai thác các đường bay quốc tế đến Cam Ranh. Trong đó, nhiều chuyến bay thương mại xuất phát từ Trung Quốc, báo hiệu tin vui từ thị trường từng chiếm đa phần dòng khách đến Nha Trang – Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo ông Trần Minh Khôi, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), nếu lấy mốc ngày 29-9-2023, thì việc hàng chục chuyến bay thương mại từ Trung Quốc sang Cam Ranh mới thấy có sự phục hồi mạnh.
“Ngày 29-9, chuyến bay thương mại mang số hiệu CZ6049 của hãng Hàng không China Southern (China Southern Airlines, Trung Quốc) xuất phát từ Quảng Châu, chở theo 130 hành khách đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cam Ranh.
China Southern Airlines là hãng hàng không đầu tiên mở lại đường bay thương mại từ Trung Quốc đến Khánh Hòa kể từ khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Nói vậy để thấy dòng khách Trung Quốc đã phục hồi khá tốt qua đường hàng không”, ông Khôi phân tích.
Đại dịch COVID-19 khiến hàng loạt thị trường khách du lịch đóng cửa, không đưa khách đến Việt Nam. Thị trường khách quốc tế “đóng băng”, hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp du lịch lâm vào khó khăn. Sau khi dịch được kiểm soát, từ tháng 3-2022, Chính phủ cho phép ngành du lịch mở cửa đón khách quốc tế trở lại.
Thời điểm đó, quyết định của Chính phủ được xem là lời giải cho bài toán du lịch Việt Nam sau nhiều năm gặp khó khăn do dịch gây ra. Tuy nhiên, gần ba năm, trong khi thị trường Nga chưa hồi phục, thì việc khách Trung Quốc quay lại ngày càng nhiều là tín hiệu đáng mừng.
Theo thống kê, trước khi dịch bùng phát, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế; trong đó Khánh Hòa đã đón tới hơn 2,5 triệu lượt khách Trung Quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, tính từ mốc hãng hàng không China Southern mở chuyến bay thương mại đầu tiên đến Nha Trang đến nay khách quốc tế nói chung và Trung Quốc nói riêng đã có sự phát triển mạnh.
Chỉ tính trong ba ngày nghỉ Tết Dương lịch, cảng hàng không quốc tế đón, phục vụ 313 lượt chuyến bay cất, hạ cánh với khoảng 51.000 hành khách; trong đó có 169 lượt chuyến bay quốc tế với hơn 31.000 hành khách.
“Khách quốc tế đến Khánh Hòa thời gian gần đây rất đa dạng, chứ không tập trung vào một vài dòng khách như trước đây. Dòng khách chủ đạo của Nha Trang – Khánh Hòa hiện vẫn là Hàn Quốc, tuy nhiên với sự trở lại mạnh của khách Trung Quốc, cộng thêm khách du lịch đến từ Thái Lan, Singapore, Nhật, Úc… chúng tôi đang tạo ra môi trường đa dòng khách hơn so với trước đây”, bà Thanh nói.
Cũng theo bà Thanh, năm 2023, các chỉ tiêu du lịch của tỉnh Khánh Hòa đều vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, lượng khách du lịch năm 2023 tương đương năm 2019 (7 triệu lượt khách) nhưng doanh thu du lịch cao hơn khoảng 15%. “Kết quả này cho thấy, Nha Trang – Khánh Hòa vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước”, bà Thanh nói.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,6 triệu lượt, tăng 244,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhiều nhất vẫn là khách Hàn Quốc với gần 3,6 triệu lượt, trong khi đó Trung Quốc đạt hơn 1,74 triệu lượt.
“Đa dạng hóa dòng khách quốc tế luôn là ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch Khánh Hòa. Việc này không chỉ đảm bảo lượng khách ổn định, bền vững đến với địa phương mà còn cụ thể hóa chính sách quảng bá du lịch đã được UBND tỉnh và Bộ VHTT&DL đặt ra”, bà Thanh khẳng định.
Vì sao khách Trung Quốc đến chưa nhiều?
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thời điểm hiện tại ngành du lịch chưa nên kỳ vọng quá nhiều vào dòng khách Trung Quốc.
Thực tế, khách Trung Quốc thường đi đoàn rất đông với mức chi tiêu cao nên chúng tôi rất kỳ vọng vào thị trường này. Tuy nhiên, hiện ghi nhận thực tế thì lượng khách của thị trường này vào Việt Nam không cao.
Ông Đặng Thuận, giám đốc công ty lữ hành chuyên khách Trung Quốc cho biết, khách Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay được chia làm hai kiểu. Thứ nhất là khách vừa du lịch vừa kết hợp tìm đối tác, cơ hội đầu tư, số còn lại là du khách chi trả cao, tức khách du lịch nghỉ dưỡng thực thụ.
“Việc khách Trung Quốc quay lại là điều không chỉ doanh nghiệp lữ hành mừng mà các loại hình dịch vụ kèm theo cũng rất vui. Tuy nhiên, cả hai loại khách trên hiện không nhiều nên chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì”, ông Thuận nói.
Cũng theo ông Thuận, thực tế Trung Quốc đã mở cửa hơn nhiều so với hồi dịch, nhưng thực tế phía chính quyền cũng áp dụng nhiều chính sách “khống chế” các công ty du lịch lữ hành nếu bán, liên kết tour ngoài nước.
“Kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, vì vậy, người dân ưu tiên phục hồi kinh tế hơn là du lịch. Bằng chứng là dịp Tết Dương lịch chứng kiến sự bùng nổ du lịch nội địa ở Trung Quốc khi hàng trăm triệu người dân đi du lịch”, ông Thuận phân tích.
Trong khi đó, ông Đào Văn Tùng, Giám đốc Công ty lữ hành Ngọc Việt, cho biết dù có sự tăng trưởng khá nhanh thời gian gần đây, tuy nhiên về chất thì chưa như kỳ vọng.
“Khách thì có nhưng đa phần sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư chứ không phải nghỉ dưỡng. Doanh nghiệp cũng muốn mình tìm khách Việt để đưa sang Trung Quốc du lịch, vì bên họ đang có những chính sách ưu đãi tour, tuyến rất tốt”, ông Tùng nói và cho biết phải một thời gian nữa thị trường tỉ dân mới thật sự phục hồi.
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ đón 4,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 4,3 triệu lượt khách du lịch nội địa. Đến năm 2030, ngành du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu đón bảy triệu lượt khách du lịch quốc tế và 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa.