8 khu động lực với những định hướng riêng
Theo quy hoạch, Việt Nam tập trung nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, lan tỏa, thúc đẩy những lợi ích và giá trị của du lịch trong hai giai đoạn. Cụ thể, Việt Nam sẽ có 6 khu vực động lực phát triển du lịch từ nay đến năm 2030 và sau đó sẽ có thêm 2 khu sau năm 2030.
Đầu tiên là khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Ninh Bình phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và miền Bắc gắn kết đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử với du lịch biển, di sản thế giới.
Khu Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh theo hướng kết hợp đa dạng sản phẩm du lịch gắn với sinh thái, di sản thế giới, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng với du lịch biển, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng gắn với các dân tộc thiểu số vùng núi.
Khu vực động lực du lịch Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên – Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Khu này kết nối các di sản thế giới trong nước với quốc tế, gắn kết các sản phẩm du lịch văn hóa với du lịch đô thị và nghỉ dưỡng biển.
Xác định quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới là chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch.
Sự liên kết vùng, giữa các địa phương trong phát triển du lịch, liên kết giữa phát triển du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị. Gắn với phát triển xanh, bền vững gắn theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL
Với khu vực Khánh Hòa – Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận tăng cường liên kết giữa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với vùng Tây Nguyên. Theo đó, kết nối giữa du lịch nghỉ dưỡng núi với biển, văn hóa vùng đồng bằng với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Đặc biệt, khu vực động lực phát triển du lịch TP.HCM – Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển du lịch toàn bộ vùng Đông Nam bộ và khu vực động lực Cần Thơ – Kiên Giang – Cà Mau gắn liền với vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều gắn kết phát triển du lịch với hành lang kinh tế phía nam.
Bên cạnh đó, sau năm 2030 nước ta hình thành thêm hai khu vực động lực là: Lào Cai – Hà Giang phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Cuối cùng là khu vực động lực Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên phát triển tiểu vùng Tây Bắc thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Khu động lực hội tụ tiềm năng về tài nguyên du lịch
TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và Du lịch đánh giá: Quy hoạch tương thích với bối cảnh thực tế của du lịch Việt Nam hiện nay. Các khu động lực đều là trục đối trọng về phát triển du lịch Việt Nam, hội tụ về tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng dịch vụ.
Khu động lực tác động đến xu hướng tăng trưởng tốt cho các điểm đến và tiểu vùng, vùng du lịch Việt phát triển, tạo cơ hội cho toàn vùng phát triển mạnh. Quan trọng nhất để phát triển khu động lực là yếu tố liên kết liên vùng.
Địa phương nằm ngoài khu động lực có thể trở thành trục vệ tinh xung quanh làm cho sản phẩm điểm đến gắn với khu động lực phong phú và đa dạng, theo đó du lịch một vùng sẽ sôi động hơn.
Về sản phẩm gắn với khu động lực trong quy hoạch vừa có tính đồng dạng vừa bản sắc. Khu động lực có những tính chất liên kết vùng như vùng biển và vùng núi Khánh Hòa – Lâm Đồng. Bên cạnh đó, để quy hoạch đạt hiệu quả vào thực hiện, chúng ta cần phân cấp những địa phương có điểm đến kết nối thuận tiện với thị trường quốc tế, nhận diện thêm về độ mạnh, yếu khác nhau…
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) góp ý thêm, 8 khu động lực cần phát triển theo hướng du lịch bền vững. Khu động lực cần được cơ quan quản lý quan tâm đến các chính sách đối với phát triển đô thị mang tính đặc thù cho du lịch. Theo đó, phát triển năng lực quản lý theo hướng xanh và thông minh, có hiểu biết về du lịch, đồng thời là khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị.
Ngoài ra, vấn đề du lịch xanh cũng được đặt lên hàng đầu. PGS-TS Lương cho rằng: “Hiện nay, chưa có chính sách nào cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, giải pháp để trở thành doanh nghiệp xanh hoặc điểm đến du lịch xanh. Do đó, chúng ta cần có những chính sách cụ thể về mô hình du lịch xanh, bởi vì ứng dụng công nghệ mới vào du lịch xanh rất tốn kém”.
Theo các chuyên gia, để phát triển được 8 khu động lực ngoài yếu tố sản phẩm, du lịch Việt cần ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu thị trường, tập trung vào thị trường du lịch trọng điểm và các thị trường mới. Ngoài ra, duy trì hoạt động xúc tiến thị trường đối với các thị trường du lịch quốc tế truyền thống.
70 triệu khách quốc tế năm 2045
Theo mục tiêu đề ra, năm 2025 Việt Nam phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm.
Đến năm 2030 đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5%/năm.
Đến năm 2045, ngành du lịch phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế. Qua đó, khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.