“Chưa phục hồi du lịch quốc tế thì chưa thể phục hồi du lịch Việt Nam. Các hãng tàu biển đã hủy toàn bộ chuyến tàu trong năm 2022, sang 2023 có một vài chuyến đầu năm. Dự báo khách quốc tế quý IV năm nay còn ảm đạm, chưa có nhiều khách đặt chỗ từ cả thị trường Bắc Âu hay Australia; còn thị trường nói tiếng Nga khách trở lại ít, khó gom đủ chuyến bay charter. Như vậy quý IV ngành du lịch Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào khách nội địa và thị trường châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ” – ông Võ Anh Tài cho biết.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, ông Võ Anh Tài kiến nghị cần cải tiến quy trình, thủ tục cấp thị thực điện tử tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam, nghiên cứu mở rộng danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ được cấp thị thực điện tử. Ngoài ra, cần liên kết với các nước đón lượng khách quốc tế lớn trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore để kết nối thêm chuyến đi đến Việt Nam, nhất là khách từ thị trường xa như châu Âu thường đến Singapore kết hợp tham quan các nước lân cận.
Theo nhận định của ông Martin Koerner (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), ngay tại Đông Nam Á, Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các nền du lịch phát triển như Thái Lan, Singapore và Indonesia. Tuy nhiên trong khi các đối thủ ngày càng miễn giảm thị thực để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút khách quốc tế, thì chính sách liên quan đến thị thực lại là điểm yếu của Việt Nam. Điều này là đáng tiếc vì chính sách thị thực nhập cảnh là một trong những đòn bẩy có tác động lớn nhất đến dòng khách du lịch quốc tế.
“Thái Lan đã tăng thời gian miễn thị thực từ 30 lên 45 ngày đối với khách du lịch đến từ gần 60 quốc gia. Singapore cho phép công dân của nhiều nước Âu Mỹ miễn visa 90 ngày, và công dân hơn 100 quốc gia có thể ở Singapore miễn visa 30 ngày. Thành công của chính sách này có thể thấy rõ. Khi số lượng lớn khách du lịch đến thăm một quốc gia, nhiều đơn vị trong chuỗi giá trị cũng thu được lợi nhuận, như nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, điểm tham quan…” – ông Martin Koerner phân tích.
Theo ông Martin Koerner, Việt Nam hiện miễn thị thực cho 24 quốc gia, ít hơn nhiều so với một số quốc gia khác tại ASEAN. Hơn nữa, miễn giảm thị thực hiện nay của Việt Nam là 15 ngày, ngắn hơn nhiều so với các nơi khác trong ASEAN thường là 30 ngày trở lên. Điều này không phù hợp với thực tế là du khách từ châu Âu hiện cần thời gian di chuyển khá dài để đến Việt Nam.
“Chuyến bay trực tiếp, đường dài từ châu Âu trung bình cần 12 giờ và thường là qua đêm, như vậy thời gian miễn thị thực tại Việt Nam của khách châu Âu chỉ còn 13 ngày. Khách du lịch có xu hướng ở lại thời gian dài và chi tiêu nhiều trong chuyến du lịch Việt Nam; tuy nhiên các kế hoạch du lịch này hiện đang bị cắt ngắn để phù hợp với hạn chế chặt chẽ 15 ngày. Chúng tôi khuyến nghị tăng thời gian miễn thị thực cho du khách quốc tế lên 30 ngày” – ông Martin Koerner nói./.