Tác động kéo dài của Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể thói quen tiêu dùng của khách hàng ở mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Giờ đây, cùng với đòi hỏi về mặt trải nghiệm, du khách còn đặc biệt quan tâm tới yếu tố an toàn trong hành trình du lịch. Đáp ứng nhu cầu này, ‘du lịch không tiếp xúc’ hay ‘du lịch không chạm’ được coi là giải pháp, cũng là hướng đi phù hợp giúp du lịch phát triển linh hoạt, thích ứng với đại dịch.
Du khách tham gia tour “Khám phá kiến trúc Pháp” tại Hà Nội. Ảnh: THÚY HÀ
“Du lịch không tiếp xúc” hay “du lịch không chạm” có thể hiểu là hình thức du lịch hướng đến cung cấp những dịch vụ giúp giảm đến mức thấp nhất sự tiếp xúc trực tiếp giữa mọi người với nhau để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh mà vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, không gây ảnh hưởng tới trải nghiệm du lịch của du khách. Nếu như trước đây, mọi thủ tục đặt mua, sử dụng dịch vụ, làm thủ tục để đi du lịch đều cần làm việc trực tiếp với cán bộ, nhân viên ở các đơn vị liên quan thì giờ đây, du lịch không tiếp xúc sẽ giúp các quy trình này được thông suốt nhờ công nghệ tự động hóa. Đến sân bay, với các ki-ốt điện tử, khách có thể check-in tự động, lấy vé điện tử, ký gửi hành lý trực tuyến, khai báo hải quan online… Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giữ an toàn di chuyển bởi du khách không còn phải chen chúc xếp hàng làm thủ tục hay lo lắng về nguy cơ có thể làm mất giấy tờ. Tại khách sạn, thay vì phải trực tiếp tới quầy lễ tân để nhận, trả phòng, tìm kiếm thông tin tư vấn về hành trình du lịch, khách có thể tự lấy, trả chìa khóa, khởi động các thiết bị nơi lưu trú thông qua công nghệ tự động và tính năng nhận diện khuôn mặt. Hay khi tới nhà hàng, việc gọi, chọn món, tính tiền… cũng không cần trực tiếp trao đổi với nhân viên phục vụ mà có thể thực hiện tự động thông qua các menu điện tử, thanh toán điện tử… Trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc đang dần trở thành ưu tiên hàng đầu, nhiều nước đã áp dụng các mô hình “sân bay, khách sạn, nhà hàng không tiếp xúc”… trong chuỗi dịch vụ du lịch để cung cấp cho khách. Theo các chuyên gia, hình thức này vừa giúp du khách yên tâm hơn trong hành trình du lịch vừa tối ưu hóa trải nghiệm của du khách.
Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tích cực chuyển đổi số, tăng cường sử dụng công nghệ trong các hoạt động, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ du khách tìm hiểu, đặt mua, thanh toán tour trực tuyến. Một số sàn du lịch trực tuyến của Việt Nam đã hình thành, cho phép người dùng mua các tour trọn gói, vé máy bay, phòng khách sạn qua các giao dịch trực tuyến. Nhằm nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách trong đại dịch, các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực cũng lên phương án đầu tư kinh phí cho những công nghệ mới. Việt Nam Airlines đã xây dựng dịch vụ check-in không tiếp xúc dành cho du khách thông qua thủ tục check-in trực tuyến trên website hoặc qua ứng dụng di động; hệ thống ki-ốt tự động… SunGroup cũng đang nghiên cứu triển khai công nghệ không chạm trong tiếp đón du khách; Vinpearl kết hợp Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata cho ra mắt ứng dụng “Quản gia thông minh”-Smart Butler để du khách có thể ra lệnh bằng giọng nói khi muốn tìm hiểu các thông tin về nhà hàng, khu vui chơi giải trí… Vừa qua, chuỗi “khách sạn không điểm chạm” đầu tiên mang tên SOJO Hotels đã xuất hiện tại Việt Nam, cung cấp cho khách lưu trú những trải nghiệm tự động hóa hoàn toàn từ nhận khóa, mở phòng tới khởi động các hệ thống trang thiết bị, tùy chỉnh nhiệt độ, ánh sáng… thông qua ứng dụng điện thoại thông minh, tạo mô hình lưu trú an toàn, tiện ích trong bối cảnh dịch. Đặc biệt, cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ du lịch, một số hãng lữ hành còn chủ động xây dựng những sản phẩm du lịch mới theo hướng không tiếp xúc, khép kín, đi nhóm nhỏ tới chỗ vắng vẻ, hạn chế giao tiếp trong quá trình tham quan, du lịch, như: các tour du lịch caravan bằng xe tự lái, sử dụng bộ đàm để hướng dẫn; tour đạp xe khám phá điểm đến; tham quan các công trình kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội… Đây là những tín hiệu vui cho thấy sự tích cực nhập cuộc của các đơn vị du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Du lịch không tiếp xúc “lên ngôi” trong đại dịch đã tiếp tục chứng minh chuyển đổi số chính là tương lai của du lịch. Muốn bắt kịp xu hướng và không đánh mất lợi thế cạnh tranh du lịch, các doanh nghiệp cần có sự quan tâm đúng mức và đầu tư thích đáng cho công nghệ. Quá trình này không thể thiếu sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, nhất là khi phần lớn các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Thêm một vấn đề nữa, vì huy động thế mạnh của tự động hóa cho nên “du lịch không tiếp xúc” hiện vẫn chưa thật sự thân thiện với những đối tượng yếu thế vốn có nhiều hạn chế trong sử dụng công nghệ như người khuyết tật hay người cao tuổi. Điều này đòi hỏi cần có thêm những nghiên cứu, tìm tòi để “du lịch không chạm” có thể tiếp cận đông đảo nhiều đối tượng hơn…