• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Buôn Ma Thuột, ngày ấy – bây giờ

    Thứ hai, 26-04-2021 / 10:16:22 Sáng
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    491 Lượt xem

    Ngày 10-3-1975, Bộ Chính trị đã chọn Buôn Ma Thuột làm điểm “khai hỏa” mở màn Chiến dịch Tây Nguyên và cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

    Ngay sau Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, đầu tháng 4-1975, Trung đoàn 263 tên lửa phòng không chúng tôi khi ấy đang bí mật “mượn” đất bạn Lào để cơ động vào Nam Bộ thì được lệnh trở về đất Việt vì Tây Nguyên vừa được giải phóng. 

    Sau này chúng tôi mới được biết đó là quyết tâm của Bộ Chính trị “tranh thủ thời cơ cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng của cả nước nhắm vào phương hướng chiến lược chủ yếu giải phóng Sài Gòn – Gia Định, hành động táo bạo, bất ngờ làm cho địch không kịp trở tay, hoàn thành giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975”. Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, đến ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, cả Trung đoàn tên lửa cồng kềnh khí tài, xe máy, bệ đạn, chúng tôi từ tỉnh Attapu nước bạn Lào bên tây Trường Sơn lật cánh về đông Trường Sơn, rẽ qua Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sông Bé vừa được giải phóng rồi tiếp tục Nam tiến, kịp đưa tên lửa SAM2 vào triển khai chiến đấu ở cửa ngõ phía bắc Sài Gòn ngày 26-4-1975 – đúng ngày mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh.

    Buôn Ma Thuột, ngày ấy - bây giờ
     Tên lửa phòng không hành quân cơ động trên đường Tây Trường Sơn. Ảnh chụp lại

    Trên đường hành quân cơ động Nam tiến năm ấy, chúng tôi chỉ ghé qua và dừng chân không mấy thời gian ở Buôn Ma Thuột nhưng cũng đủ cho chúng tôi cảm nhận về Buôn Ma Thuột – mảnh đất được xem là “thủ phủ của Cao nguyên Trung phần” theo cách gọi của chính quyền Sài Gòn – khi ấy chỉ là một thị xã vùng núi không có gì ấn tượng lắm, nhà cửa, đường sá vẫn tuềnh toàng và vẫn hằn lên những dấu vết của chiến tranh, bom, đạn…

    Vậy mà sau 46 năm giải phóng, từ một thị xã miền núi hoang sơ, Buôn Ma Thuột đã vươn mình đổi thay mạnh mẽ. Hiện thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích hơn 370km2, dân số hơn 500.000 người thuộc các dân tộc Kinh, Ê Đê, K’Ho, Cơ Tu, Xơ Đăng, Gia Rai… Đây là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên, là đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam và có nhiều công trình kiến trúc ấn tượng. Trong đó phải kể đến là Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột nằm ở Ngã Sáu của thành phố. Đó là một tượng đài đẹp, mô phỏng cây ná – một thứ vũ khí tuy thô sơ nhưng có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống cũng như đánh giặc giữ làng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Dưới vòm cánh cung của cây ná ấy là một chiếc xe tăng được đặt trên bệ cao, trên tháp pháo của xe đắp nổi 3 chữ số: 980. Đây là chiếc xe tăng tiên phong, gắn với chiến công hiển hách trong chiến thắng Buôn Ma Thuột mùa xuân năm 1975.

    Buôn Ma Thuột, ngày ấy - bây giờ
     Xe tăng Quân Giải phóng tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột tháng 3-1975. Ảnh chụp lại

    Theo các lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột, sau hơn 10 năm được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, thực hiện Kết luận số 60 năm 2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, đến nay thành phố Buôn Ma Thuột đã có nhiều bước chuyển mạnh mẽ. Cùng với việc giữ vững danh hiệu là thủ phủ cà phê của Việt Nam – nơi sản xuất ra những hạt cà phê thơm ngon đặc trưng nhất, thành phố Buôn Ma Thuột luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế cao – bình quân 13,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người 78 triệu đồng – cao gấp 1,3 lần bình quân chung cả nước. Nhiều dự án, công trình đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả tốt như đường vành đai phía tây thành phố Buôn Ma Thuột, đường Đông Tây, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên…

    Đến nay, ngành công nghiệp của thành phố đã được mở rộng với việc hình thành Cụm công nghiệp Tân An, Khu công nghiệp Hòa Phú làm đầu tàu phát triển công nghiệp. Gần 60 dự án phát triển đô thị đã và đang triển khai với một loạt trường học, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa mang tầm cỡ khu vực Tây Nguyên. Các hoạt động dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng được mở rộng và nâng cao.

    Buôn Ma Thuột, ngày ấy - bây giờ
     Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột trong ngày khai mạc lễ hội cà phê.

    Đặc biệt là đầu tư về hạ tầng đô thị và các khu đô thị đã được các nhà đầu tư quan tâm và cũng đã mang lại những hiệu quả rất quan trọng như: Tạo ra hệ thống giao thông kết nối mới từ những hình thức đầu tư khác nhau; tạo ra những khu đô thị mới và từ các khu đô thị đó, người dân được sống trong môi trường và các điều kiện tốt hơn. Mới đây, sau nhiều năm đợi chờ, sự xuất hiện của Khu đô thị EcoCity Premia với sự đồng bộ trong không gian kiến trúc hiện đại được kỳ vọng sẽ trở thành mảnh ghép hoàn hảo đại diện cho sự phát triển kinh tế, chính trị của thành phố Buôn Ma Thuột.

    Về nông nghiệp – nông thôn, đến nay thành phố đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 1… Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố Buôn Ma Thuột, kết quả trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội của thành phố vừa toàn diện vừa có những điểm mới và nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao và dần ổn định, thu nhập bình quân đầu người cũng ngày càng được nâng cao.

    Tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược về chính trị, quốc phòng – an ninh của thành phố Buôn Ma Thuột đối với vùng Tây Nguyên và cả nước, ngày 16-12-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, sẽ xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng; là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao thương buôn bán, hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam – Lào – Campuchia. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, trong đó tập trung phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch, phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên, đồng thời sẽ đầu tư lên quy mô cấp vùng một số lĩnh vực như du lịch, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ… Thời gian tới, Trung ương và tỉnh Đắk Lắk ưu tiên đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như tuyến tránh thành phố đường vành đai phía đông, đường vành đai phía tây 2; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 29; xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng); xây dựng đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên); phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế… nhằm tháo gỡ nút thắt về giao thông để kết nối Buôn Ma Thuột với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế.

    Buôn Ma Thuột, ngày ấy - bây giờ
     Thành phố Buôn Ma Thuột xanh – sạch – đẹp.

    Trên cơ sở Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực phối hợp các Bộ, ngành Trung ương cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, đặc biệt sẽ xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động mọi nguồn lực cho thành phố Buôn Ma Thuột. Hy vọng rằng, với những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa, sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương, sự đồng lòng quyết tâm của chính quyền và nhân dân các dân tộc, thành phố Buôn Ma Thuột – thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk – sẽ tiếp tục phát triển, trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp, hiện đại nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc giữa lòng cao nguyên lộng gió, xứng tầm là một đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

    Nguồn : Quân đội Nhân Dân
    Tin mới