Năm 2025, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu tổng thu từ du lịch toàn tỉnh ước đạt 1.250 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ 2024; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh…
Doanh nghiệp Hồ Chí Minh khảo sát sản phẩm du lịch tỉnh Đắk Lắk-Ảnh minh họa
Theo đó, toàn ngành phấn đấu tổng số khách đón tiếp ước đạt 1.500.000 lượt khách, tăng 100.000 lượt khách so cùng kỳ 2024. Khách trong nước ước đón 1.150.000 lượt khách, tăng 82.000 so cùng kỳ 2024. Khách quốc tế 50.000 lượt khách, tăng khoảng 18.000 lượt khách so với với cùng kỳ 2024.
Theo đánh giá của Sở VHTT&DL, năm 2024, tổng doanh thu từ du lịch tại Đắk Lắk tăng hơn 21% so với năm trước. Đây là tín hiệu tích cực đối với Đắk Lắk trong nỗ lực phát triển các sản phẩm mới, chú trọng khai thác các nét đặc sắc riêng trong văn hóa cao nguyên, đại ngàn.
Năm 2024, ngành du lịch Đắk Lắk đã đón 1,5 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch toàn tỉnh Đắk Lắk đạt 1.255 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với năm 2023. Lượng khách quốc tế đến Đắk Lắk cũng tăng hơn 34% so với năm trước.
Du khách trải nghiệm du lịch tại khu du lịch Cầu treo Buôn Đôn
Điểm nổi bật trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Đắk Lắk năm vừa qua là gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh. Tỉnh đã tổ chức thêm nhiều điểm đến du lịch cộng đồng tại các địa phương, phát huy thế mạnh của từng dân tộc để tạo dấu ấn riêng biệt.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk nhận định, tính đến hết tháng 30/11/2024, trên địa bàn tỉnh có 31 đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch, tăng 10 đơn vị so với năm 2023 (trong đó, 15 đơn vị lữ hành quốc tế, 16 đơn vị lữ hành nội địa); 29 khu, điểm tham quan du lịch; đã cấp 133 thẻ hướng dẫn viên du lịch tăng 32 hướng dẫn viên so với năm 2023 (trong đó có 63 thẻ hướng dẫn viên nội địa, 48 thẻ hướng dẫn viên quốc tế, 22 thẻ hướng dẫn viên tại điểm). Các sản phẩm du lịch mới dựa vào cộng đồng đã tạo cho du lịch Đắk Lắk có những điểm khác biệt với các tỉnh khác trong khu vực và trong cụm liên kết du lịch biển – rừng.
Khi du khách đến với Đắk Lắk thì văn hóa của các đồng bào Đắk Lắk, kể cả du lịch cộng đồng cũng sẽ khác. Mỗi địa phương sẽ có một màu sắc khác nhau không lẫn lộn. Trong quá trình hỗ trợ đầu tư thì cũng sẽ tạo một nét riêng, mỗi buôn có văn hóa riêng; quan trọng là Đắk Lắk giới thiệu được điều đó với du khách để họ có được cảm nhận khác biệt.
Trong năm, ngành đã tham mưu hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay cho các buôn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông tại 03 buôn; lựa chọn 05/13 thôn, buôn đáp ứng các điều kiện để ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay; thực hiện theo Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Tăng cường kết nối với tỉnh/thành giới thiệu kết nối các tour du lịch sinh thái, tham quan tại các cơ sở làng nghề, cụm nghề truyền thống nhằm tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của địa phương đã góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, thu hút các tổ chức, cá nhân và du khách trong và ngoài nước tham quan cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Năm 2025, ngành VHTT&DL tiếp tục tham mưu, triển khai các hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của tỉnh như Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 và các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 – 10/3/2025) phấn đấu tổng thu từ du lịch toàn tỉnh trong năm 2025 ước đạt 1.250 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ 2024; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, tạo nguồn thu cho ngân sách của tỉnh……