Sau khi thu hoạch xong thóc lúa cũng là lúc cộng đồng người Êđê ở xã Cư Né (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) quây quần bên nhau mừng Lễ ăn cơm mới.
Vào cuối mùa rẫy sau khi thu hoạch thóc lúa, đồng bào Êđê tại xã Cư Né (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) lại náo nức mừng Lễ ăn cơm mới với mong muốn không chỉ tổng kết lại những thành quả của đồng bào sau một vụ mùa bội thu mà còn cầu mong những vụ mùa tiếp theo có nhiều thuận lợi.
Ngày Lễ ăn cơm mới, đồng bào Êđê xã Cư Né có dịp cùng nhau quây quần. Ảnh N.Q |
Để ngày lễ diễn ra thuận lợi, đồng bào Êđê trong buôn làng đều háo hức chuẩn bị, người dân đã tập trung đông đủ tại nhà văn hóa từ sáng sớm, mỗi người một việc. Người đàn ông là trụ cột nên sẽ lo việc chuẩn bị rượu cần, heo, gà để giết thịt, vào rừng chặt cây, đẽo cột gơng (cột để buộc ché rượu cần trong lễ), còn phụ nữ thì đảm đương bếp núc, nấu nướng. Người già, trẻ nhỏ ai cũng tất bật chọn váy khố, áo quần… đẹp nhất để mặc trong ngày lễ quan trọng này.
Cùng với đó, theo quan niệm của đồng bào Êđê, trong mâm cỗ cũng tùy theo điều kiện của gia chủ nhưng nhất định phải có cơm nấu từ gạo mới trong mùa vụ vừa gặt và canh thập cẩm thì mới gọi là Lễ ăn cơm mới. Tất cả quy trình, kịch bản phục dựng đều được tìm hiểu, tham khảo ý kiến những người cao tuổi có uy tín và am hiểu phong tục tập quán, văn hóa dân tộc.
Phụ nữ Êđê bày biện mâm cỗ Lễ ăn cơm mới. Ảnh N.Q |
Sau khi lễ vật được bày biện đầy đủ, thầy cúng đại diện cho dân làng đọc lời khấn nguyện để tỏ lòng biết ơn, thành kính các thần linh. Tất cả các nghi lễ đều diễn ra trong không khí trang nghiêm và nhanh chóng. Khi nghi lễ cũng thần linh kết thúc là lúc cuộc vui rộn ràng bắt đầu.
Theo ông Y Bhi Niê (trú tại Buôn Drah 2, xã Cư Né, huyện Krông Búk), lễ hội đã mang đến niềm vui cho bà con buôn làng sau dịp mùa bội thu, là dịp để bà coi quây quần chung vui và cầu chúc may mắn trong vụ mùa mới.
“Ngày hôm nay bà con trong buôn vui lắm. Đây không chỉ là nghi lễ truyền thống nhằm tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu mà còn là dịp để bà con được vui chơi, hưởng thụ thành quả sau một năm lao động vất vả”, ông Y Bhi Niê vui mừng.
Hòa trong tiếng nhạc cồng chiêng, mọi người từ già đến trẻ ngồi quây quần bên nhau cùng ăn cơm, thưởng thức rượu cần và chúc nhau những điều tốt lành. Không chỉ những người trong buôn làng, những vị khách khi mời đến dự lễ đều được đón tiếp nồng nhiệt và khi ra về sẽ được gia chủ trao tay một gói nhỏ thức ăn như để chia đều may mắn, sự sung túc cho mọi nhà.
Mâm cơm mừng Lễ ăn cơm mới. Ảnh N.Q |
Lễ ăn cơm mới là dịp để người dân Ê đê hồi ức lại quá khứ hào hùng của họ và trong không khí mùa xuân của năm mới, đây là khoảng thời gian để họ ăn uống, ca hát thâu đêm, để rồi sau đó lại bắt tay vào một vụ mùa mới với mong muốn mùa màng bội thu, ấm no và may mắn.
Với mục tiêu phục hồi, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, hằng năm huyện Krông Búk đều tổ chức phục dựng các nghi thức, nghi lễ có nguy cơ bị mai một.
Ông Vũ Đức Nam, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Búk cho biết, việc tổ chức lễ hội này, phòng Văn hóa – Thông tin huyện cũng như Ủy ban huyện và chính quyền địa phương đã tạo được sự đoàn kết trong buôn làng, cũng như truyền lại được cho thế hệ sau này biết và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng như các lễ hội của đồng bào dân tộc địa phương ngày một phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, để bản sắc văn hóa truyền thống không bị mai một, hằng năm huyện Krông Búk đều trích kinh phí tái hiện, phục dựng các nghi thức, nghi lễ truyền thống, mở lớp dạy đánh các loại nhạc cụ cho thế hệ trẻ… Qua đó, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, độc đáo của đồng bào dân tộc Ê đê.