Đây là hoạt động văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc phía Bắc sinh sống tại huyện Cư Kuin và Krông Pắc, thu hút đông đảo nhân dân và du khách trong những ngày đầu Xuân năm mới.
Theo Ban Tổ chức, trong thời gian 3 ngày, lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như hát then, đàn tính của dân tộc Tày; Hát lượn hà lều của dân tộc Nùng; Sình ca của dân tộc Cao Lan; chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc như sáo mông, sáo trúc, đàn T’Rưng, đàn đá, cồng chiêng; các trò chơi dân gian như tung còn, đẩy gậy, kéo co, chạy cà kheo; thi ẩm thực…
Vui mừng tham gia lễ hội, bà Nông Thị Thím, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đồng bào các dân tộc phía Bắc di cư làm kinh tế sinh sống tại xã Cư Êwi rất phấn khởi khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhất là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc anh em. Đặc biệt, mỗi dịp đầu Xuân năm mới, địa phương đều tổ chức lễ hội văn hóa dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc phía Bắc không chỉ tạo không khí phấn khởi trong năm mới mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn các giá trị văn hóa đối với thế hệ trẻ đang lớn lên trên quê hương thứ hai.
Ông Trần Thanh Tân, du khách Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ấn tượng khi được tham gia lễ hội Việt Bắc trên vùng đất Tây Nguyên, đặc biệt hơn khi lễ hội không chỉ có sự tham gia của đồng bào các dân tộc phía Bắc mà còn có đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Điều này thể hiện sự phong phú, đa dạng và đặc sắc trong trong nền văn hóa Việt Nam cũng như tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em tại địa phương. Đặc biệt, lễ hội được tổ chức trong những ngày đầu năm mới đem lại không khí vui tươi cho nhân dân, tạo động lực thi đua lao động, sản xuất trong năm mới để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Chủ tịch UBND xã Cư Êwi Nguyễn Quốc Viện cho biết: Xã có đông đảo dân số là người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc xã Cư Êwi được tổ chức trong dịp Tết cổ truyền hằng năm là hoạt động văn hoá góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số phía Bắc đang sinh sống ở Cư Êwi nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Lễ hội cũng là dịp để đồng bào các dân tộc trên địa bàn giao lưu, học hỏi các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng địa phương.