Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Du lịch tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh với lượng khách tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngoài mục tiêu tăng nhanh lượng khách đến, ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch của tỉnh còn cần phải tìm những giải pháp để khách ở lại lưu trú lâu hơn.
* Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Mỗi du khách là một người bạn của Đắk Lắk
Sau khi trở lại trạng thái bình thường, lượng du khách đến Đắk Lắk tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là nỗ lực lớn và là tín hiệu vui cho ngành Du lịch Đắk Lắk. Song để níu chân du khách thì phải có nhiều dịch vui chơi cả ngày và đêm có như vậy du khách mới lưu trú lại lâu. Hướng đến các chương trình du lịch về đêm, Sở VH-TT&DL đã xây dựng tác phẩm ca kịch Khát vọng Đam San; ở các khu, điểm du lịch có các chương trình biểu diễn cồng chiêng; hát cho nhau nghe…
Xu hướng sau dịch khách đến Đắk Lắk chủ yếu là để nghỉ dưỡng. Nếu như trước đây, du khác đi theo một hành trình nhiều điểm đến thì xu hướng hiện nay du khách sẽ chọn 1 điểm đến và ở với thời gian lưu trú dài hơn. Đối với các địa phương phải tăng sản phẩm du lịch vui chơi, trải nghiệm và dịch vụ nhiều. Ở tầm vĩ mô phải có chính sách thu hút đầu tư tốt để có những nhà đầu tư lớn đến đầu tư. Thứ hai là vấn đề giao thông nội tỉnh và giao thông liên tỉnh.
Để du khách trở lại Đắk Lắk du lịch ít nhất là phải 3 – 5 năm sau, chứ không thể ngay năm sau đó (trừ một vài trường hợp đặc biệt). Do vậy, ngành du lịch tỉnh, các công ty dịch đang cố gắng xây dựng các sản phẩm du lịch tốt, nâng cao tinh thần, thái độ phuc vụ để để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về một Đắk Lắk văn minh – thân thiện – mến khách; mỗi du khách sẽ là một người bạn của Đắk Lắk để quảng bá, giới thiệu cho bạn bè, người thân đến Đắk Lắk tham quan, khám phá, trải nghiệm.
* Ông Hà Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH lữ hành Trúc Lâm Anh (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột): Phải tạo ra giá trị riêng biệt
Lưu trú không chỉ là khi du khách đến một nơi nào đó để tham quan, khám phá vài ngày mà còn phải giới thiệu cho bạn bè, người thân đến tham quan, khám phá về vùng đất, về văn hóa, về con người nơi mình đã từng đến, thậm chí bản thân sẽ quay trở lại nơi ấy để tìm hiểu, khám phá những điều mới mẻ hơn mà lần trước chưa kịp trải nghiệm. Vì vậy để níu chân du khách, ngành Du lịch tỉnh cần phải làm mới mình và bản thân mỗi công ty, đơn vị du lịch cũng phải tự làm mới để hấp dẫn du khách hơn.
Vậy làm thế nào để cho du khách lưu trú lại Đắk Lắk lâu thì việc tiên quyết chúng ta phải làm là duy trì, bảo tồn vốn văn hóa đặc sắc của người bản địa. Sau đó là quảng bá và tạo ra giá trị riêng biệt về du lịch, không nên “coppy” các hình thức du lịch nơi khác, tập trung phát triển những gì mình đang có.
Kết nối du khách với đồng bào dân tộc thiểu số trong những tour du lịch, tạo giá trị bền vững. Đặc biệt, Đắk Lắk có tiềm năng về nông nghiệp, nên có thể tạo ra các tour du lịch nông nghiệp như: Trải nghiệm ươm cây và các công đoạn chăm bón cho cây, mô hình nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo vệ thiên nhiên và tái tạo đất bị cằn cỗi, trải nghiệm hương thơm vị sầu riêng, ổi, cam…
* Ông Nguyễn Đức, Quản lý Trung tâm Du lịch Buôn Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn): Thay đổi là “chìa khóa” để thu hút du khách
Để thu hút và níu chân du khách, Trung tâm đang tập trung xây dựng môi trường sinh thái, giữ gìn những nét văn hóa dân tộc độc đáo, đặc sắc, trong đó có ẩm thực của đồng bào địa phương; phối hợp với Câu lạc bộ Nhạc cụ Lào thường xuyên tổ chức biểu diễn văn nghệ, múa lâm vông…
Về lâu dài, để níu giữ được du khách bắt buộc phải nâng cao chất lượng phục vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Với lợi thế về voi, Trung tâm Du lịch Buôn Đôn đang chuyển dần từ du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Du khách có thể tìm hiểu về cách săn bắt voi qua các hiện vật, hình ảnh như: dây săn voi, tượng voi, nỏ thần, đồ mỹ nghệ về voi… Hiện nay, Trung tâm đang trong quá trình cải trang, đầu tư phát triển mảng cắm trại, lưu trú để phục vụ khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương…
Trước yêu cầu phục hồi bền vững, du lịch hậu dịch bệnh phải có thay đổi từ chính căn cơ tổ chức, xây dựng và điều tiết sản phẩm đặc thù mới tạo ra được “chìa khóa” thu hút khách du lịch. Tùy vào thực tế và tiềm năng, đơn vị sẽ tổ chức Lễ hội giao lưu âm nhạc các dân tộc Buôn Đôn định kỳ hay tạo ra những điểm “check in” thu hút du khách đến và quay trở lại…