Sự kiện nhóm nhạc BlackPink đến Hà Nội biểu diễn đang gây ồn ào dữ dội vì liên quan hình ảnh truyền thông “đường lưỡi bò”. Song bỏ qua quan hệ chính trị, có thể thấy đây là một sự kiện âm nhạc đình đám, thu hút hàng triệu bạn trẻ và dự kiến sẽ tạo “sóng” du khách đổ về Hà Nội trong những ngày tổ chức.
Cơ hội cho du lịch sự kiện, trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay, vì vậy thể hiện một cách sâu sắc, mà nếu được khai thác hợp lý, đúng mực, chắc chắn sẽ tạo lực hấp dẫn không nhỏ.
Những điểm đến sự kiện…
Theo ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, trong tuần lễ đầu tiên của tháng 7/2023, có thể thấy một loạt sự kiện du lịch tổ chức rầm rộ ở nhiều địa phương. Đà Nẵng kết thúc tháng cao điểm sự kiện pháo hoa quốc tế với đêm chung kết thu hút lượng du khách đông gấp nhiều lần dự kiến. Huế tổ chức Tuần lễ Áo dài cộng đồng với hàng loạt sự kiện, hội thảo về chủ đề quốc phục và tạo không khí thu hút du khách trải nghiệm văn hóa. Quảng Nam tiếp tục tổ chức hành trình du lịch Quảng Nam Xanh, với nhiều kế hoạch ưu đãi du khách đến với các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương…
Tất cả, tạo nên một hình ảnh bề thế về các sự kiện điểm đến, sự kiện ấn tượng với du khách và chính người dân bản địa, vừa khuấy động kích hoạt lại ngành du lịch sau đại dịch và trong khủng hoảng kinh tế, vừa mở ra những yêu cầu mới về định hướng du lịch văn hóa đặc hữu.
Du khách tìm hiểu kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Êđê. Ảnh: Hữu Hùng |
Nếu đối chiếu các sự kiện lớn nhỏ này, với câu chuyện nhóm ca nhạc BlackPink, hay lễ hội Ánh sáng đã tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang và đang chuẩn bị ở Đà Nẵng, thì những địa phương vùng xa như Đắk Lắk cần nhận ra có được cơ hội gì cho mình? Câu hỏi này của người có trách nhiệm cao nhất về hoạt động du lịch và văn hóa Đắk Lắk gợi ra góc nhìn mới, về thời cơ đầu tư, kiến tạo những điểm đến cơ hội tại địa bàn Tây Nguyên.
Các chuyên gia đã chỉ ra, cần thấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được chú ý kêu gọi phát triển, song luôn bị bấp bênh nhất định. “Ngành công nghiệp không khói” này rất dễ “dị ứng” với những chuyển biến thời sự xã hội, như khủng hoảng chính trị, kinh tế, thiên tai… Do đó, phát triển du lịch phải nên dựa vào căn cơ, thực trạng địa phương, bám sát mục tiêu sinh kế người dân. Quan hệ tương tác giữa du lịch và sinh kế người dân là rất cần thiết. Bài học từ một số địa phương khi quá chú trọng du lịch, gặp phải đại dịch COVID-19 hay khủng hoảng an ninh khu vực, cho thấy nên có những chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Đó là, địa phương phải có được sản phẩm du lịch đặc hữu, riêng biệt, và phải đủ tầm hấp dẫn với các nhóm du khách tiềm năng, thu hút quan tâm của cộng đồng xã hội, thì mới có thể thúc đẩy du lịch bền vững.
Theo đó, ông Hà cho rằng, nếu vận dụng, xây dựng tốt các kế hoạch sản phẩm đặc thù, dựa trên chính nền tảng hùng vĩ của vùng văn hóa cao nguyên, ngành văn hóa Đắk Lắk có thể tạo nên những sản phẩm độc đáo, phục vụ cho đời sống thẩm thấu của người dân, và qua đó, hỗ trợ phát triển du lịch. Vấn đề ở chỗ, sẽ không có nhiều cơ hội để có được những sự kiện quy mô như các đô thị lớn, địa phương nên chọn những giải pháp sản phẩm phù hợp, để trở thành điểm đến.
Cơ hội đi cùng thách thức
Ông Thái Hồng Hà lấy ví dụ, thời gian qua, ngành văn hóa Đắk Lắk đã tổ chức, xây dựng nhiều kế hoạch phục dựng, chấn hưng văn hóa bản địa. Những bộ sưu tập về văn hóa cồng chiêng với những tác phẩm diễn xướng độc đáo, những mô típ lễ tiết đặc thù trong đời sống đồng bào các dân tộc được nâng lên thành tiết mục văn hóa, sản phẩm văn hóa cộng đồng… cho thấy sức sáng tác dồi dào của hoạt động văn hóa Tây Nguyên. Do đó, nếu đầu tư nâng giá trị, tổ chức truyền thông đúng nghĩa, địa phương sẽ có cơ hội xây dựng nên một dáng mạo hoành tráng về các sản phẩm văn hóa đặc hữu.
Đơn cử với vở ca kịch Khát vọng Đam San vừa được ngành văn hóa trình diễn, nếu lựa chọn những phân đoạn hay, phối hợp vào trong một chương trình diễn xướng văn hóa, chắc chắn địa phương sẽ có một sàn công diễn mới ấn tượng. Đưa những tiết mục này vào hoạt động phục vụ văn hóa cộng đồng, phục vụ du khách đến với Đắk Lắk; hoặc lựa chọn được những nghệ nhân, nghệ sĩ xuất sắc để tham gia biểu diễn, đẩy mạnh thương hiệu cá nhân…, ngành văn hóa sẽ tạo nên chương trình hấp dẫn, đủ sức lay động công chúng.
Lễ hội đua thuyền tại huyện Lắk. Ảnh: Hữu Hùng |
Như thế, không nhất thiết phải tạo nên những sàn diễn quy mô, những sự kiện biểu diễn âm nhạc hoành tráng, các tác phẩm, vở diễn, sân khấu tiết mục văn hóa… của Đắk Lắk cũng đã có thể “đỏ đèn” mời chào người xem. Chỉ cần đầu tư đúng sân khấu cộng đồng, những địa điểm biểu diễn phù hợp, chọn lọc đúng các đối tượng thưởng thức, địa phương sẽ tạo được những sự kiện độc đáo, trở thành điểm đến hấp dẫn, cho cả du khách và người dân bản địa.
Thách thức lớn về góc cạnh sự kiện này, theo ông Hà, là chính nội tại tổ chức của địa phương còn hạn chế, còn nhiều mảng đầu tư thiếu chuyên nghiệp, nhất là thiếu những điển hình xuất sắc để trở thành thương hiệu truyền thông. Thực tế nhiều năm trước, Đắk Lắk, Tây Nguyên đã không hề sút kém khi có những danh ca, nghệ sĩ tên tuổi lừng lẫy, những ca khúc, tác giả âm nhạc thành công. Do đó, nếu tiếp tục bồi dưỡng những tài năng mới, chọn đúng thời điểm và cá nhân để cổ vũ truyền thông, chắc chắn sân khấu cao nguyên sẽ đông người. Từ đó, ý tưởng những điểm đến sự kiện mới trở thành hiện thực; và câu chuyện nỗ lực xây dựng một TP. Buôn Ma Thuột, một TX. Buôn Hồ thành điểm đến hấp dẫn với du khách, qua từng sự kiện ấn tượng, là rất khả thi!