Việc nhận con nuôi, mẹ nuôi xuất phát từ tấm lòng trong sáng đầy tình người của bà con. Người nhận con nuôi, mẹ nuôi có thể ở cùng làng hoặc làng khác, không cách xa về địa lý. Người phụ nữ Êđê có gia đình, con cái đầy đủ nhưng vẫn muốn có một đứa con “kết nghĩa”. Hoặc có thể họ neo đơn, ít con cái nên muốn có đứa con nuôi để thêm con thêm cái đông vui. Cũng có những trường hợp, người phụ nữ cô đơn, đơn thân, không có chồng con nên nhận con nuôi để có chỗ dựa lúc về già. Những bà mẹ đông con cũng ưng thuận, vui lòng cho con ruột mình làm con nuôi của bà mẹ khác để có thêm mối quan hệ thân tộc, bà con. Nếu bố mẹ ruột của con nuôi mất thì người mẹ nuôi thay thế, bảo ban, chăm sóc con nuôi như con ruột của mình.
Người mẹ nuôi mặc chiếc áo truyền thống cho con nuôi. |
Lễ nhận con nuôi, “kết nghĩa mẹ con” được tiến hành tại nhà mẹ nuôi, có sự chứng kiến của già làng và đông đảo bà con trong dòng họ. Bà con dòng họ hai bên ngồi đối diện nhau trao đổi ý kiến. Người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi cùng chạm tay vào vòng (kông) và hứa trước hai già làng: “Từ nay về sau sẽ coi nhau như mẹ con ruột thịt”. Họ phải có trách nhiệm chăm sóc nhau, vui buồn, sướng khổ có nhau. Nếu trái lời hứa sẽ bị phạt một con bò đẻ được hai lứa. Người được nhận làm con nuôi hứa với già làng sẽ chăm sóc và coi mẹ nuôi như mẹ đẻ. Lễ vật mà mẹ nuôi trao cho gia đình người được nhận làm con nuôi là: một băn (cái khăn) tượng trưng cho cái khăn thổ cẩm mà mẹ chàng trai hay cô gái đã địu, chăm ẵm trên lưng từ thuở nhỏ, một chiếc áo, một mtil (bát đồng) tượng trưng cho chiếc bát đựng sữa mẹ, một ché rượu cần. Lễ vật này của người mẹ nuôi bày tỏ mong muốn trả ơn phần nào cho người mẹ ruột từng mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng đứa con khôn lớn thành người. Người mẹ nuôi mặc chiếc áo truyền thống và đeo xâu chuỗi lên cổ đứa con nuôi. Chiếc áo này tự tay mẹ nuôi dệt nên. Mặc xong chiếc áo, hai mẹ con ôm nhau thắm tình mẫu tử. Người mẹ vui mừng, từ nay người con của bạn trở thành con trai, con gái của mẹ. Trao lễ vật xong, kể từ đây cho đến hết cuộc đời, họ là người một nhà. Hai bên gia đình đặt tín vật (gơng) cho hai già làng để họ làm chứng. Nếu có vấn đề gì xảy ra thì hai già làng đứng đầu dòng họ phải có trách nhiệm giải quyết ổn thỏa.
Rượu cần và điệu múa xoang chúc phúc cho người con trai có mẹ nuôi. |
Sau khi thực hiện các nghi lễ, mọi người uống rượu cần chia vui, chúc mừng hai mẹ con và hai dòng họ. Họ cũng không quên khuyên nhủ con nuôi phải biết yêu thương, chăm sóc bố mẹ cùng các thành viên khác trong gia đình mới. Mẹ đẻ, chị gái và hai già làng và những người thân trong gia đình và bà con trong buôn làng chúc mừng người con được mẹ mới nhận nuôi.
Việc “kết nghĩa mẹ con” là một phong tục tốt đẹp, được quy định rõ trong luật tục Êđê. Lễ nhận con nuôi với những nghi thức thiêng liêng, thể hiện nét tinh tế của đồng bào trong quan hệ, ứng xử, cố kết cộng đồng, mang những ý nghĩa nhân văn, giáo dục sâu sắc.