• Email : daktip@vhttdl.daklak.gov.vn
  • Điện thoại : 0262 351 77 79
  • Mục kích những chú voi con hiếm hoi còn lại ở Đắk Lắk

    Thứ ba, 26-01-2021 / 2:34:08 Chiều
    Đăng bởi : Nguyễn Công Luân
    560 Lượt xem

    Đắk Lắk hiện đang là địa phương có nhiều voi rừng nhất (5 quần thể), thêm đó là khoảng trên dưới 40 con voi nhà. Nhưng điều đặc biệt hơn nữa là hai voi con Jun và Gold đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk.

    Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk được thành lập năm 2011 với nhiệm vụ kiểm soát, quản lý, cứu hộ và chăm sóc voi nhà, voi rừng trên địa bàn tỉnh; đồng thời hỗ trợ các tỉnh thành khác trên cả nước về nghiệp vụ chăm sóc, cứu hộ voi.

    Phan Phú là một “bảo mẫu” voi của Trung tâm. Phú cùng anh Quân đang thực hiện việc lau rửa vết thương ở ngà cho con Gold sau vụ xung đột với Jun cuối năm ngoái. Một ngày các anh phải làm việc này 4 lần và 6 lần cho voi ăn. Như Jun và Gold trung bình một ngày ăn hết 100kg thức ăn bao gồm cỏ, hoa quả.

    Hiện nay, tại khu vực nuôi thả voi của Trung tâm đang có hai voi con là Jun và Gold; giới tính đực và mới được đưa về  lần lượt là vào năm 2015 và 2016. Con Jun khi đó bị thương ở chân và vòi do sập bẫy, còn con Gold bị rơi xuống  trong rẫy.

    Anh Phan Phú(30 tuổi) – một trong số các “bảo mẫu” voi của Trung tâm giải thích: “bẫy voi hiện nay thường đánh vào chân voi, nhưng chỉ voi con mới sập vì chân bé. Khi sập bẫy voi thường dùng vòi – như cánh tay của con người để kéo dây thép của bẫy ra khỏi chân nhưng càng kéo thì vòi càng bị thít vào. Một số con voi do chân sập bẫy, vòi bị dây thép cuốn lâu ngày đã dẫn đến hoại tử…Và việc chữa trị vết thương cho voi đòi hỏi rất nhiều thời gian vì voi là loài sống hoang dã, hay tiếp xúc với đất cát nên vết thương bị bẩn”.

    Với vết thương của con Jun thì phần chân thường xuyên được cắt bỏ lớp hoại tử và rửa sạch, sau đó bôi thuốc và mật ong. Riêng cái vòi  hiện nay đã lành chỉ phải rửa bằng nước sạch hàng ngày.

    Cách đây vài tháng, Gold và Jun có xung đột và con Gold đã bị bẻ gãy cặp ngà mới nhú và phần bị gãy ăn sâu vào tận bên trong nên vết thương được đánh giá là khá nặng. Hàng ngày Phú và anh Quân, cũng làm việc ở Trung tâm sẽ rửa vết thương 4 lần bằng ô xy già, lau sạch bằng bông và sau đó dùng bông thấm ô xy già nhồi vào bên trong.

    Khi mới về, Jun nặng khoảng hơn 400kg, còn Gold gần 150kg. Sau 5 năm chăm sóc, hiện nay Jun đã nặng hơn 1 tấn, còn Gold hơn 800kg.

    Dưới đây là một số hình ảnh PV báo CAND ghi lại tại Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk:

    Jun (đi trước) và Gold là hai voi con được Trung tâm bảo tồn voi Đăk Lăk cứu hộ và hiện đang chăm sóc tại khu nuôi thả của Trung tâm.
    Đường vào khu nuôi thả voi của Trung tâm. Khu vực này nằm chỉ cách Trung tâm khoảng 300 mét.Trước kia là chốt kiểm lâm, sau này được trưng dụng cho Trung tâm bảo tồn voi.
    Kiểm tra chân cho con Gold. Phú cũng là người đi tiên phong ở Việt Nam trong việc huấn luyện voi không cùng móc và bạo lực. Mọi khẩu lệnh anh đưa ra đều mang tính động viên, hướng dẫn voi.
    Phun xịt rửa vết thương ở chân voi Jun.
    Đối với vết thương ở chân của Jun, hàng ngày nó sẽ được ngâm nước muối 4 lần.
    Phan Phú cho Jun ăn. Jun là voi đã trưởng thành nên việc tiếp xúc, chăm sóc chỉ có thể thực hiện bởi Phú hoặc anh Quân; là hai người đã gắn bó với Jun từ hồi mới về Trung tâm.
    Cắt phần hoại tử ở chân trước của Jun.
    Việc chăm sóc voi đòi hỏi kinh nghiệm, kiên nhẫn và tình yêu vô điều kiện dành cho voi. Hàng ngày từ tờ mờ sáng đến tối mịt các anh đều lặp đi lặp lại công việc cho voi ăn, tắm, kiểm tra vết thương… Nhưng với Phú và anh Quân thì mong muốn duy nhất là Jun và Gold có thể tái đàn; sau này chúng sẽ được sống trong môi trường tự nhiên…
    Voi là loài động vật thông minh, trung thành và rất nhạy cảm. Chúng cảm nhận được tình cảm mà con người dành cho chúng và sẵn sàng làm mọi việc vì con người nếu được đối xử tốt. Dùng móc xiên, chọc, kéo voi chỉ làm chúng sợ chứ không yêu con người.
    Nguồn : CAND
    Tin mới