Sau hơn 2 năm đình trệ do đại dịch COVID-19, đến nay ngành du lịch cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã nhanh chóng phục hồi và phát triển vượt trội. Đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, ngành “công nghiệp không khói” này được đánh giá là bội thu nhờ số lượng du khách trong nước và quốc tế tăng mạnh.
Đón đầu thời cơ
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, để thu hút hơn 60.000 lượt du khách với doanh thu gần 50 tỷ đồng trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, ngành du lịch Đắk Lắk đã có bước chuẩn bị chu đáo từ trước nhằm đón đầu “làn sóng” du lịch thời hậu COVID-19 từng được dự báo vào những tháng cuối năm 2021.
Trước hết, về phía cơ quan chủ quản đã chủ động kết nối với 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp với Công ty Du lịch VND Travel Quy Nhơn (Bình Định) khảo sát, xây dựng tour “Famtrip Caraval – Tây Nguyên huyền thoại” vào trung tuần tháng 2/2022. Bà Phương Hiếu cho rằng, sản phẩm du lịch này rất hấp dẫn du khách và mang lại giá trị gia tăng đáng kể cho toàn ngành nhờ giá cả hợp lý, thời gian lưu trú khá dài (trung bình 3 đêm, 4 ngày/tour) và chi phí mua sắm của du khách cũng tăng lên rất đáng kể.
Du khách thưởng thức món ăn truyền thống tại Bảo tàng Thế giới Cà phê. Ảnh: Ánh Ngọc |
Ngoài ra, một số hoạt động văn hóa – nghệ thuật và thể thao ở đây cũng được kích hoạt trở lại như: Biểu diễn chương trình ca kịch “Khát vọng Dam Săn”; “Đêm nhạc Nguyễn Cường – Đến với Cao Nguyên” là điểm nhấn thu hút du khách đến Đắk Lắk, nhất là trong dịp lễ 30/4 và 1/5. Theo đó, Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch tỉnh cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) làm du lịch trên địa bàn sẽ tiếp tục tham gia quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Đắk Lắk tại những sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam… cũng tạo cơ hội, hiệu ứng tích cực thu hút du khách đến với vùng đất này nhiều hơn.
Nhìn xa hơn, ngay trong thời gian dịch bệnh bùng phát thì hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được các cơ quan, ban, ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk quan tâm, chú trọng nhằm đón đầu cơ hội mở ra.
Bà Lê Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch Đắk Lắk cho biết: Ngoài việc quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ trên mạng Internet (thông qua các trang điện từ có tên miền: http//daktip.vn và http://www.dulichdaklak.gov.vn) thì ngành du lịch cũng đã thực hiện một số video, đĩa DVD và nhiều ấn phẩm giới thiệu về tour/tuyến du lịch tiêu biểu, đặc sắc trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút du khách, nhất là khách nội địa từ các tỉnh thành mà Đắk Lắk đã ký hết hợp tác trước đó (như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh).
Theo đó, hầu hết các DN kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đã chủ động xây dựng hệ thống thông tin du lịch hiện đại như website (app) có khả năng tương tác, ứng dụng hữu hiệu trên các thiết bị di động thông minh và mạng xã hội để giữ vững thị trường du lịch cho mình. Từ những nỗ lực tích cực và bền bỉ ấy đã từng bước đưa ngành kinh tế quan trọng này lấy lại vị thế và mức tăng trưởng ngày càng lạc quan như hiện nay.
Doanh nghiệp chủ động
Nhiều DN làm du lịch chia sẻ, tất cả đều trong tâm thế sẵn sàng như vậy, nên từ đầu năm 2022 đến nay 21 điểm đến và 25 đơn vị lữ hành nội địa, quốc tế cũng như toàn bộ cơ sở lưu trú, nhà hàng và điểm mua sắm trên địa bàn đã khởi động mạnh mẽ, tự tin đón du khách đến Đắk Lắk.
Du khách trải nghiệm với nông sản sạch tại buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Mai Sao |
Ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL) cho hay: Quý I/2022 Đắk Lắk đón hơn 144.000 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 36 tỷ đồng, và đến nay, con số này đã tăng gần gấp đôi, vượt gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021 trên cả hai tiêu chí số lượng khách và doanh thu.
Nhiều điểm đến như: Đam San, Khu du lịch văn hóa sinh thái cộng đồng Kô Tam, Khu du lịch sinh thái Suối Ong, Đồi Trầm, buôn Akô D’hông, buôn Tăng Jú (TP. Buôn Ma Thuột), Cụm thác Dray Nur – Gia Long (huyện Krông Ana), Trung tâm Du lịch Bản Đôn, Khu du lịch sinh thái Ánh Dương, Thanh Hà, Troh Bư (huyện Buôn Đôn)… đều thu hút ngày càng đông du khách với những sản phẩm đặc thù như mô hình thân thiện du lịch với voi, văn hóa cồng chiêng, nhà dài, trải nghiệm với cà phê và nền nông nghiệp sạch, ẩm thực… nhằm gia tăng cảm xúc cho khách du lịch.
Khách du lịch đến với Khu du lịch văn hóa, cộng đồng Akô D’hông (TP. Buôn Ma Thuột) nhân dịp lễ vừa qua. |
Bên cạnh việc tiếp tục giải pháp giảm giá (lưu trú, dịch vụ, vận chuyển, mua sắm) cho du khách khi đến đây, các đơn vị làm du lịch và tham gia kích cầu ngành kinh tế quan trọng này còn phải tiếp tục cam kết thực hiện nghiêm những tiêu chí du lịch an toàn cho du khách khi đến Đắk Lắk, nhằm phát triển bền vững cho mỗi doanh nghiệp, cũng như toàn ngành”. Ông Võ Văn Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk
|
Ví như tại Khu du lịch văn hóa sinh thái cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) – một trong những điểm đến hấp dẫn du khách nhất trong thời gian qua đã đón gần 22.000 lượt khách, riêng trong dịp lễ 30/4 và 1/5 đã đón hơn 8.000 lượt khách. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch chia sẻ: Trong thời gian nghỉ dịch cũng như hiện tại và sắp tới, đơn vị tiếp tục xây dựng và hoàn thiện một số sản phẩm du lịch đặc thù như trải nghiệm, thưởng thức với nền nông nghiệp sạch (vườn cà phê, hoa trái các loại); kết nối không gian vườn, rừng, bến nước, khu vui chơi và nhà hàng ẩm thực để phục vụ nhu cầu thư giãn, sinh hoạt cộng đồng cho du khách.
Theo Sở VH-TT&DL, Chương trình kích cầu du lịch trên địa bàn Đắk Lắk từ nhiều phía – cơ quan chủ quản, ban, ngành chức năng và nhất là cộng đồng làm du lịch ở đây sẽ tiếp tục được thúc đẩy bằng nhiều hoạt động trọng tâm và thường xuyên hơn; đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, nhất là tại những tỉnh thành trên cả nước và khu vực ASEAN đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với Đắk Lắk và ngược lại. Tích cực hơn nữa trong việc mời các DN thuộc Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam cùng nhau khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới, an toàn trên địa bàn tỉnh để thu hút du khách trong thời gian tới; có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị làm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch của mình tại những thị trường tiềm năng trong nước và quốc tế nhằm mở rộng thị trường cho ngành kinh tế này tăng tốc trước cơ hội mới mở ra.