Nhà dài của người Ê đê hút khách du lịch
Chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ khi đến TP Buôn Ma Thuột, anh Trần Quốc Trung (ngụ TP Cần Thơ) ấn tượng với thái độ thân thiện, mến khách của người dân; hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát và dãy nhà cổ ở buôn Ako Dhong, phường Tân Lợi.
“Người dân vẫn giữ được nét độc đáo cổ điển như thế này là rất đáng trân quý. Đến TP Buôn Ma Thuột ngoài việc được “ngâm mình” trong bầu không khí trong lành, còn được trải nghiệm về văn hóa của người bản địa thật đáng quý biết bao. Trong chuyến du lịch sắp tới, tôi sẽ đưa gia đình đến đây” – anh Trung chia sẻ.
Còn anh Trần Văn Phong (ngụ tỉnh Hà Tĩnh) ấn tượng với ngôi nhà dài của người Êđê. “Sáng bình minh, được ngồi dưới ngôi nhà sàn, nhâm nhi từng hạt đắng cà phê Ban Mê thì không có gì bằng. Tôi có nhiều người quen sống ở Đắk Lắk, khi có dịp vào đây là phải đến buôn Ako Dhong” – anh Trần Văn Phong kể.
Già làng buôn Ako Dhong là ông Ama Denny cho biết buôn Akô Dhông là buôn của người Êđê được đánh giá là buôn làng đẹp nhất Đắk Lắk – Tây Nguyên, với diện tích hơn 62 ha; có gần 300 hộ (trong đó dân tộc Êđê 67 hộ, 317 nhân khẩu). Buôn này hiện có 32 ngôi nhà dài truyền thống, cùng nhiều bộ cồng chiêng, nhạc cụ, các nghệ nhân, đội văn nghệ và các nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, làm rượu cần…) được người dân trong buôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ.
“Việc người dân kinh doanh du lịch cộng đồng không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân bản địa, đóng thuế cho ngân sách nhà nước” – ông Ama Denny nói.
Phát triển du lịch cộng đồng tại 4 buôn
Theo ông Phạm Tiến Hưng, hiện nay thành phố ưu tiên phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại 4 buôn, gồm buôn Ako Dhong; buôn Tơng Jú, xã Ea Kao; buôn Kmrơng Prong B, xã Ea Tu; buôn Tuôr, xã Hòa Phú. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, bản sắc và hiện đại; xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực Tây Nguyên.
Mục tiêu của thành phố đến năm 2025 là phát triển ngành du lịch trên cơ sở khai thác bền vững các tiềm năng và lợi thế; xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ; phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Vẫn theo phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, để đạt được mục tiêu này thành phố luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch được quan tâm và tiến hành bằng nhiều hình thức như: xây dựng các tin, bài, phóng sự, chuyên mục về du lịch, truyên truyền, quảng bá trên đài truyền thanh, truyền hình, trên cổng/trang thông tin điện tử thành phố, phường, xã, trên mạng xã hội; tuyên truyền qua các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ; giới thiệu, quảng bá trên các loại ấn phẩm như: catalog, tập gấp quảng bá, mời gọi, thu hút đầu tư,…
Thành phố hướng dẫn các phường, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở lưu trú khách du lịch; thông tin, tuyên truyền về biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa,..
Ông Phạm Tiến Hưng thông tin thêm: Khách du lịch và doanh thu du lịch của thành phố có sự tăng trưởng đáng kể, đóng góp khoảng 85% số lượt khách và doanh thu du lịch của tỉnh..Riêng giai đoạn 2021-2023, tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 1.781 tỉ đồng; Tổng số khách ước đạt là hơn 2,1 triệu người, trong đó, khách quốc tế ước đạt 31.352 người.
Riêng chín tháng đầu năm 2024, tổng thu từ du lịch ước đạt 920 tỉ đồng; tổng số khách đón tiếp ước đạt hơn 1 triệu lượt khách, tăng 8,11% so cùng kỳ.
Hiện nay, có 3/4 buôn được hỗ trợ theo Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh Đắk Lắk và Chương trình mục tiêu Quốc gia; trong đó, buôn Ako Dhong, buôn Tơng Jú đã được công bố điểm du lịch cộng đồng.
Thành phố đã xây dựng ứng dụng (App) cà phê và du lịch TP Buôn Ma Thuột. App này hiện đang cung cấp cho người dùng 40 quán cà phê đặc trưng, 33 cơ sở lưu trú, 15 điểm du lịch và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu TP Buôn Ma Thuột.
Buôn Tơng Jú – điểm đến du lịch cộng đồng
Sáng 18-10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ công bố buôn Tơng Jú, xã Ea Kao – điểm đến du lịch cộng đồng.
Buôn Tơng Jú có gần 470 hộ, hơn 2.000 khẩu, thuộc các dân tộc Ê Đê, Kinh, Tày, Mường cùng sinh sống. Trong tiếng Ê Đê, Tơng Jú có nghĩa là vực nước sâu màu đen không bao giờ cạn, đây là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Ê Đê, còn lưu giữ nhiều tập quán sinh hoạt đặc biệt của nền văn minh nương rẫy.
Buôn Tơng Jú hiện có lưu giữ được nhiều nếp nhà dài Ê Đê truyền thống, có một hợp tác xã dệt thổ cẩm đang hoạt động hiệu quả suốt 20 năm qua. Hoạt động du lịch cộng đồng đã được nhiều hộ dân trong buôn tự giác triển khai từ cách đây 2 năm, với các hoạt động tiếp đón khách trải nghiệm văn hóa dân gian truyền thống như chế tác nhạc cụ, nấu rượu cần, thưởng thức ẩm thực, âm nhạc,…