Kể từ năm 2018, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (viết tắt là OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện trên phạm vi cả nước.
Trong 6 nhóm sản phẩm OCOP đề ra, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có sản phẩm nào trong nhóm “dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng”. Thuận lợi nhiều, nhưng thách thức cũng không kém. “Gỡ” những “điểm nghẽn” này như thế nào? Phát triển OCOP du lịch sao cho bền vững và làm gì để người dân hoàn toàn được hưởng lợi từ chương trình là những bài toán khó mà các ngành chức năng địa phương đang ráo riết tìm lời giải…
Kỳ 1: Dư địa cho OCOP du lịch
Đắk Lắk nổi tiếng là vùng đất có cảnh quan đẹp, bản sắc văn hóa, ẩm thực đa dạng của các dân tộc. Nơi đây không khó để tìm về những vùng thôn quê, buôn làng thanh bình. Dáng dấp riêng của từng buôn làng, địa phương, không chỉ làm đẹp thêm bức tranh tổng thể du lịch của tỉnh mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho OCOP du lịch trên cao nguyên Đắk Lắk đầy nắng gió.
Du khách chèo thuyền vượt thác tại cụm thác Dray Nur (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana). |
“Hấp lực” thu hút du khách
Trên cao nguyên bazan, Đắk Lắk có nét khác biệt với những giá trị về cảnh quan, văn hóa đặc sắc. Với diện tích tự nhiên rộng, đất sản xuất nông nghiệp nhiều… đặc biệt là sự đa dạng bản sắc văn hóa của 49 dân tộc cùng sinh sống đã đem lại cho Đắk Lắk những sản phẩm du lịch đặc thù, có sức hút riêng. Có thể kể đến như: sản phẩm du lịch mang dấu ấn của dân tộc Êđê ở TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar; dân tộc M’nông, Lào ở huyện Buôn Đôn và Lắk; người Tày, Nùng, Mường ở các tỉnh miền núi phía Bắc đến sinh sống lập nghiệp tại huyện Krông Năng, Kông Bông… Đó là nền tảng, lợi thế, giá trị riêng tạo nên cơ hội phát triển du lịch của tỉnh nếu khai thác tốt.
Hiện, giao thông đến tỉnh Đắk Lắk đã thuận tiện hơn trước rất nhiều. Cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa đang được định hình sẽ tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, nối liền “biển với rừng”, mở rộng kết nối giao thương, phát triển du lịch, dịch vụ cho các địa phương.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk văn minh, thân thiện, mến khách” với mong muốn xây dựng một sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc của địa phương, điểm nhấn trong đó là sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Trong nỗ lực thu hút du khách đến với tỉnh đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2020 – 2022, trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, toàn tỉnh đón hơn 2.170.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 25.385 lượt khách. Riêng tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 vừa được tổ chức vào tháng 3, tỉnh đã đón hơn 90.000 lượt du khách. Những con số này cho thấy lượng du khách đến địa phương không ngừng tăng nhằm tham quan lễ, hội, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, du lịch và thưởng thức những sản vật đặc trưng của tỉnh.
Giao lưu văn hóa truyền thống diễn ra tại buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). |
Sức hút của buôn làng
“Việc khai thác giá trị văn hóa nhiều “sắc màu” sẽ trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù ở mỗi địa phương. Đây cũng là điều kiện để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nếu làm tốt sẽ tạo sức bật cho ngành du lịch nói chung và OCOP du lịch nói riêng” – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thụy Phương Hiếu. |
Mang một dáng dấp xanh, buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) được bao bọc bởi bóng mát quanh năm với bạt ngàn cây xanh cùng vạt rừng già khoảng 1 ha.
Nói rừng là điểm nhấn, là mạch sống của buôn Kmrơng Prông B chẳng sai, bởi gần như mọi hoạt động của bà con đều gắn bó mật thiết với rừng. Rừng cho bóng mát, giúp ôn hòa khí hậu, tạo nên những mùa khô dịu mát cho buôn làng. Rừng giúp giữ nước, níu những mạch ngầm cho bến nước đầu nguồn của buôn luôn dạt dào dòng chảy. Phía chân rừng, nơi có bến nước cũng là điểm đến thường xuyên của hàng trăm hộ dân nơi này mỗi ngày để lấy nước sinh hoạt, giao lưu chuyện trò. Sức sống nơi đây không chỉ có vậy, Kmrơng Prông B tạo ấn tượng bởi đa phần hộ dân sinh sống là người Êđê hoạt bát, hiền hòa; trong đó nhiều hộ còn lưu giữ được những nghi lễ truyền thống, những nếp nhà dài, nghề làm rượu cần truyền thống, nấu những món ăn đậm chất của đồng bào mà ai một lần nếm thử đều nhớ mãi…
Nếu đi và cảm nhận sẽ thấy rằng, không chỉ buôn Kmrơng Prông B, mà tại 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, mỗi buôn làng đều có những dáng dấp, nét đặc trưng riêng. Ví như nhắc đến miền đất huyền thoại về voi, người ta hay nhắc nhớ đến huyện biên giới Buôn Đôn, trong đó buôn Trí (xã Krông Na) luôn là điểm đến trung tâm – nơi thường diễn ra mọi hoạt động về hội voi, các lễ hội văn hóa truyền thống của huyện. Buôn Trí còn có điểm du lịch cấp tỉnh Cầu treo Buôn Đôn, có cồng chiêng, cúng sức khỏe voi, có Tết Bunpimay và còn lưu giữ được nghề đan lát, múa xoang. Đến buôn cổ M’Liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) lại như lạc vào không gian yên bình cổ kính của một Tây Nguyên xưa; tại nơi sinh sống của gần 100% hộ dân người M’nông này vẫn còn gìn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống như bảo tồn cồng chiêng, duy trì nghề dệt, làm chiếu cói, trồng lúa nước và chài lưới trên hồ Lắk. Còn ở buôn Yơng Bắc (xã Yang Tao, huyện Lắk) lại nổi tiếng bởi việc chế tác gốm theo quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công và cách nung gốm lộ thiên…
Theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 17 buôn làng có thể khai thác các yếu tố đặc trưng gắn với phát triển du lịch OCOP. Mang những sức hút khác nhau, các buôn làng sẽ tạo nên sự đa dạng, phong phú; nếu có những “cú hích” đủ mạnh, các buôn làng sẽ có thêm điều kiện để tạo ra những “câu chuyện” riêng cho sản phẩm du lịch OCOP của địa phương mình.
Thực tế cho thấy, hầu hết du khách trong nước đều rất quan tâm đến các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa truyền thống Tây Nguyên, đặc biệt là các sản phẩm du lịch về voi, cà phê, ẩm thực, cồng chiêng Tây Nguyên và một số sản phẩm nông nghiệp khác. Trong khi đó, khách quốc tế rất quan tâm đến loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá văn hóa truyền thống các dân tộc.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Định hình OCOP du lịch