Tiết mục múa Mkăm Prôk, tiếng Ê Đê có nghĩa là “quy tụ bầy sóc”, với tiết tấu nhanh làm rộn ràng cả không gian tuyến phố đi bộ Phan Đình Giót. Đây là tiết mục do đoàn nghệ nhân ở buôn Wiao, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng biểu diễn, từng đạt giải nhất tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm trước. Nghệ nhân ưu tú aê Jon phấn khởi khi tham gia Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột trong “mùa ăn năm uống tháng” của đồng bào Tây Nguyên.
Nghệ nhân Aê Jon nói: “Ngày hôm nay chúng tôi thể hiện 4 tiết mục, có nội dung múa, thưởng thức rượu cần, nghe đánh chiêng, thứ 2 là diễn tấu chiêng tre. Cảm thấy rất vui mừng phấn khởi, chúng tôi đã biểu diễn với tất cả khả năng, sự nhiệt huyết để mọi khán giả được thưởng thức, cảm nhận không khí lễ hội lớn của buôn làng trong tháng 3 này”.
Với 2 phần là Ngày vui sum họp và trải nghiệm Nhịp điệu cao nguyên, chương trình văn nghệ dân gian mang đến cho khán giả những tiết mục đặc sắc của các dân tộc đang sinh sống tại Đắk Lắk. Có thể kể đến như: diễn tấu chiêng đồng, chiêng tre, chiêng Kok, hát kưưt và múa Mkăm Prôk của người Ê Đê, hát then đàn tính và sáo trúc của dân tộc Tày – Nùng; giới thiệu, trình diễn một số loại nhạc cụ dân gian được cải tiến như chiêng tre, sao vỗ, violon tre, violon café, mõ tre, chiêng ống arap nứa, đàn đá… Nhiều tiết mục được biểu diễn ngẫu hứng nhưng đầy tính nghệ thuật khiến khán giả thích thú.
Bà Nguyễn Thị Kim Linh, 80 tuổi, đến từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, thích thú khi thưởng thức tiết mục “Gà gáy” biểu diễn bằng violon tre của một bé gái mới 11 tuổi.
Bà Linh chia sẻ: “Tôi cảm nhận được sân khấu làm rất đẹp và các dân tộc biểu diễn theo đúng với các dân tộc bản địa. Tôi thấy rất ấn tượng, các dân tộc ít người mà họ làm được những điệu âm nhạc rất ý nghĩa và ấn tượng nhất là một cháu bé nhỏ tuổi nhưng mà rất là tự tin và biểu diễn rất tốt. Sau này cháu cũng sẽ trở thành một nghệ nhân giỏi”.
Cùng với thưởng thức các tiết mục biểu diễn, du khách còn được trực tiếp trải nghiệm với hơn 20 loại nhạc cụ dân gian. Anh Đỗ Như Ý, đến từ Hà Nội, rất hào hứng sau khi chơi thử một số nhạc cụ bằng tre nứa: “Cảm nhận của tôi là những nhạc cụ này rất phổ thông và những người lần đầu tiên tiếp xúc như mình cũng có thể tự tin là chơi được, chứ không phức tạp như những nhạc cụ truyền thống. Theo tôi nghĩ những nhạc cụ này xuất phát từ việc lao động mà người ta sáng chế và phục vụ công việc lao động hằng ngày chứ không phải dành cho những người mà có kỹ năng chơi chuyên nghiệp. Phần hội này tôi nghĩ nên được đưa vào văn hóa của người bản địa thì sẽ hấp dẫn hơn với những du khách như mình rất nhiều”.
Theo Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, với lực lượng nghệ nhân tại buôn làng giàu kinh nghiệm và kỹ năng biểu diễn, cùng với mảng văn nghệ dân gian của Hội văn học nghệ thuật Đắk Lắk cũng hội tụ được nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, đã sáng tạo ra rất nhiều loại nhạc cụ từ tre nứa. Điều này đã góp phần tạo nên một chương trình ấn tượng, đặc sắc tại lễ hội cà phê năm nay./.