Phát triển du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đang được Trung ương, các địa phương xác định là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để khai thác được lợi ích kép này, còn rất nhiều việc cần làm.
Sản phẩm thiếu bản sắc
Bắt nhịp xu thế “du lịch xanh”, thời gian qua, trên địa bàn Đắk Lắk, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển khá mạnh mẽ. Đặc biệt, các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn số lượng. Đây chính là không gian để sản phẩm OCOP quảng bá, phát huy và lan tỏa các giá trị về chất lượng, văn hóa, tri thức bản địa của từng địa phương. Đồng thời, đây cũng là thị trường để tiêu thụ, nâng cao giá trị và xuất khẩu “tại chỗ” sản phẩm OCOP. Hiện Đắk Lắk có 142 sản phẩm OCOP, đây là cơ sở để phát triển các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Đơn cử như điểm du lịch Trang trại Ca cao của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana) gồm vườn nguyên liệu và hệ thống nhà xưởng nằm trong khuôn viên có diện tích rộng hơn 2.000 m2. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu trọn vẹn về quy trình trồng, chăm sóc, chế biến ca cao và mua sắm các sản phẩm từ ca cao đạt chứng nhận 4 sao và tiềm năng 5 sao OCOP.
Du khách nước ngoài đến tham quan quy trình chế biến cà phê chất lượng cao tại Trang trại Cà phê Aeroco (TP. Buôn Ma Thuột). |
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn là đơn vị duy nhất trong cả khu vực Tây Nguyên xây dựng điểm du lịch trang trại ca cao. Đây là lợi thế rất lớn, tạo nên tính độc đáo, hấp dẫn để có thể cạnh tranh với các địa phương khác đang gặp tình trạng trùng lặp các sản phẩm du lịch, gây ra sự nhàm chán cho du khách.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, kết hợp giữa phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững” – ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Trên thực tế, rất ít chủ thể của sản phẩm OCOP tạo được sự khác biệt cho sản phẩm của mình như vậy, mặc dù sản phẩm OCOP được xem là sản phẩm đặc thù của từng địa phương. Điều này thấy rõ nhất ở các sản phẩm cà phê. Hầu như địa phương nào trong tỉnh cũng có sản phẩm OCOP về cà phê, thậm chí không phải là một mà nhiều sản phẩm cùng loại. Hay các sản phẩm như tinh bột nghệ, trà mãng cầu, tổ yến, gạo… ở các địa phương đều na ná giống nhau. Một khi sản phẩm không tạo được sự khác biệt thì việc thương mại sản phẩm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi đó là sản phẩm phục vụ du lịch.
Bên cạnh những hạn chế của sản phẩm OCOP thì loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Đắk Lắk tuy đang phát triển nhưng còn thiếu bền vững. Mặc dù các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp cũng đang từng bước hoàn thiện sản xuất, đầu tư cơ bản để khai thác theo hướng vừa sản xuất vừa kết hợp du lịch, trải nghiệm miệt vườn; khai thác các điểm văn hóa truyền thống gắn với bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số như: văn hóa cồng chiêng, bến nước của đồng bào Tây Nguyên… Song các mô hình đều thiếu sự độc đáo, khác biệt nên vẫn chưa thể níu chân du khách lâu dài. Điều này dẫn đến việc khai thác lợi ích kép của hai loại sản phẩm thuộc về nông nghiệp, nông thôn đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Cần thay đổi tư duy
Hiện nay, ở Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề…
Những loại hình du lịch này góp phần giúp phát triển kinh tế nông thôn, tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách. Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, phát triển du lịch nông thôn sẽ thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ nông sản, là kênh quảng bá hữu hiệu cho nông sản địa phương. Ngược lại, nông sản đặc trưng của địa phương là “hồn cốt” tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Bên cạnh đó, tính bền vững xã hội nông thôn sẽ được đảm bảo khi du lịch nông nghiệp – nông thôn tạo cơ hội cho người dân thiếu việc làm ở vùng nông thôn có thu nhập tại nơi mình sinh sống, không phải đổ dồn về thành thị để mưu sinh.
Đoàn công tác của tỉnh Bạc Liêu tham quan, tìm hiểu mô hình du lịch nông thôn tại Trang trại Ca cao của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn hồi cuối tháng 10/2023. |
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia xây dựng và triển khai hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Phục vụ du khách phải làm sao để người nông dân, hợp tác xã, trang trại muốn làm du lịch ngay cả khi nông sản được tiêu thụ tốt, khi kinh tế nông nghiệp thành công và các doanh nghiệp lữ hành chung tay, đồng hành cùng các điểm đến nông thôn làm du lịch. Đồng thời, các địa phương cần có bước đánh giá cụ thể hơn, chọn lọc kỹ lưỡng hơn nữa để sản phẩm OCOP thật sự là đặc sản mang tính đặc thù, hương vị đặc trưng của văn hóa địa phương đó.
Nhằm tháo những “nút thắt” nêu trên, Đề án phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 là hướng mở của chính sách để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới; phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch của tỉnh, đáp ứng nhu cầu du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng và trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp của khách du lịch. Đồng thời, thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn.