2. Đắk Lắk là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức sẽ đóng góp rất lớn vào tăng thu ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho Nhân dân có nơi vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao đời sống tinh thần, nhất là trong các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh Đắk Lắk chưa được đầu tư, phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương án đầu tư phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch tại tỉnh Đắk Lắk phù hợp với tiềm năng sẵn có của địa phương; thông qua du lịch có thể quảng bá thêm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tây Nguyên ra thị trường thế giới.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 4493/BVHTTDL-VP ngày 01/12/2021 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV, như sau:
1. Về đề nghị quan tâm, có chính sách đầu tư thỏa đáng để giữ gìn, bảo tồn, phát huy các loại hình văn hoá vật thể, phi vật thể của tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên
Trong giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; phối hợp với các tỉnh khu vực Tây Nguyên triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020, cụ thể như sau:
(1). Hỗ trợ phục dựng, bảo tồn, phát huy một số lễ hội truyền thống như: lễ hội của dân tộc Brâu, lễ hội của dân tộc Xơ Đăng, lễ hội của dân tộc Gia rai, tỉnh Kon Tum; hỗ trợ bảo tồn 02 lễ hội dân tộc Cơ Ho, tỉnh Lâm Đồng; hỗ trợ bảo tồn 02 lễ hội truyền thống dân tộc M’Nông, tỉnh Đắk Nông; lễ hội dân tộc Ba Na, tỉnh Gia Lai.
(2). Hỗ trợ bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống: làng dân tộc Mạ tại buôn P’Tông, Xã Đắk Plao, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông; làng dân tộc Gia Rai tại làng Plơi Ơi, xã Yaun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai; làng dân tộc Chu Ru tại xã P’róh, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
(3). Hỗ trợ phát triển hệ thống vui chơi, giải trí cho trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới tại tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông.
(4). Hỗ trợ trang thiết bị, sản phẩm văn hóa thông tin cho các đồn Biên phòng và các đội tuyên truyền văn hóa Bộ đội Biên phòng để xóa các điểm trắng văn hóa tại vùng biên giới, ven biển, hải đảo. Phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ trang thiết bị, sản phẩm cho đồn Biên phòng các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
(5). Hàng năm, hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên sản xuất và cung cấp sản phẩm văn hoá, thông tin phù hợp cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã khu vực III, các trường dân tộc nội trú, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.
(6). Về hoạt động tổ chức Ngày hội, Giao lưu văn hóa nghệ thuật: trong năm 2019, 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam 02 lần với chủ đề “Văn hóa thổ cẩm – tinh hoa hội tụ”. Lễ hội đã thu hút hơn 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng là đồng bào các dân tộc thiểu số ở 17 tỉnh, thành phố và một số đoàn khách quốc tế tham gia.
Ngày 25 tháng 01 năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 357/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Kon Tum đã có Công văn đề nghị tạm dừng tổ chức Ngày hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum và các tỉnh khu vực Tây Nguyên tổ chức Ngày hội vào thời điểm thích hợp.
(7). Về hoạt động truyền dạy văn hóa phi vật thể, xây dựng các mô hình văn hóa truyền thống và tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, bài trừ hủ tục lạc hậu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa xã, già làng, trưởng thôn bản, nghệ nhân thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên; xây dựng mô hình câu lạc bộ Cồng chiêng dân tộc K’ho gắn với bảo tồn, phát huy phục vụ phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lâm Đồng; xây dựng câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian cho các dân tộc có số dân ít người tại huyện Đắk Hà.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I, từ năm 2021 – 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên cơ sở thực trạng và đề xuất của các địa phương, trong đó có các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương như: Đề án “Đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số”, Đề án “Tổ chức định kỳ Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; Đề án “Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”…
Về chính sách đãi ngộ, hỗ trợ hợp lý đối với nghệ nhân truyền thụ văn hoá trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiệm vụ về xây dựng chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân truyền dạy văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
2. Về đề nghị có phương án đầu tư phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch tại tỉnh Đắk Lắk phù hợp với tiềm năng sẵn có của địa phương
Việc tăng cường đầu tư phát triển đa dạng sản phẩm để nâng cao sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch là một định hướng đúng đắn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẵn sàng hỗ trợ về định hướng loại hình sản phẩm du lịch của tỉnh Đắk Lắk phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường, cũng như phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để giới thiệu, thu hút các nhà đầu tư quan tâm.
Về đề nghị thông qua du lịch có thể quảng bá các sản phẩm nông nghiệp:
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham gia, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ, tư vấn và đồng hành với Đắk Lắk phát triển loại hình du lịch mới và tiềm năng này. Đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thống nhất triển khai chương trình phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk để trả lời cử tri.