Là địa danh của những hạt cà phê có phẩm vị nổi tiếng thế giới, tỉnh Đắk Lắk cũng như chính quyền TP. Buôn Ma Thuột đang nỗ lực từng ngày để xây dựng đô thị này trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.
Từ những quyết sách
Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Ngoài diện tích đất tự nhiên đứng thứ tư và dân số đứng thứ 10 cả nước, nơi đây còn có 49 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu.
Đặc biệt, TP. Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, được Bộ Chính trị định hướng phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Hơn nữa, tiềm năng và lợi thế của TP. Buôn Ma Thuột có mối tương quan với các trung tâm cà phê trên thế giới, hội tụ nhiều yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử và đặc biệt thổ nhưỡng rất phù hợp với cây cà phê.
Cùng với đó, Buôn Ma Thuột là thành phố giàu bản sắc văn hóa, đặc trưng vùng Tây Nguyên và cũng là nơi có hạt cà phê Robusta thơm ngon nhất thế giới, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê Robusta cả nước.
TP. Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, được Bộ Chính trị định hướng phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. (Trong ảnh: Ngã sáu trung tâm TP. Buôn Ma Thuột). |
Sở hữu những lợi thế của một “thủ phủ cà phê”, từ năm 2005, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa cà phê, gắn với Chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột”, cùng các chiến lược thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng cà phê và các chính sách tiếp thị để quảng bá thương hiệu. Ngoài sản phẩm cà phê đặc trưng, Buôn Ma Thuột ngày nay còn có các công trình văn hóa, công trình sản xuất mang đậm dấu ấn cây cà phê như: Bảo tàng thế giới cà phê, đồn điền cà phê gắn với văn hóa thưởng thức, lễ hội cà phê… Vì vậy các chuyên gia kinh tế cho rằng, Buôn Ma Thuột hoàn toàn có đủ các lợi thế để trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.
Buôn Ma Thuột là thành phố giàu bản sắc văn hóa, đặc trưng vùng Tây Nguyên và cũng là nơi có hạt cà phê Robusta thơm ngon nhất thế giới |
Với vai trò đồng hành với tỉnh để xây dựng quy hoạch đô thị, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ, trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đô thị trong quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam có chủ trương khuyến khích các đô thị xây dựng thương hiệu, gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế của đô thị.
Vì vậy, để tạo đà cho TP. Buôn Ma Thuột “cất cánh”, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động. Đơn cử như: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột; Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67-KLTW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, giao UBND TP. Buôn Ma Thuột xây dựng Đề án phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các chuỗi giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia (gọi tắt là Đề án) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/4/2021 về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
“Thành phố cà phê của thế giới” dần định hình
Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều cuộc làm việc cùng các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Đồng thời tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia”.
Từ đó, cùng với đơn vị tư vấn để đi đến thống nhất các nội dung về quan điểm, tầm nhìn, những vấn đề lý luận và thực tiễn cần được quan tâm chuyển tải vào nội dung Đề án. UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng đã hoàn thành Đề cương nhiệm vụ Đề án gửi các bộ, ngành tham gia đóng góp ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đề cương được lập, trên cơ sở phân tích các lĩnh vực chuyên ngành liên quan và tính khả thi, Đề án sẽ đề xuất các yếu tố mang tính tiêu chí, phương án, giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia. Đồng thời xác định hạt cà phê Robusta là loại cà phê để xây dựng hình ảnh, thương hiệu cà phê của Việt Nam cạnh tranh với cà phê thế giới.
Được mùa cà phê. Ảnh: Hoàng Gia |
Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho biết, hiện nay thành phố đang từng bước hình thành nên dáng dấp “Thành phố cà phê của thế giới” bằng việc triển khai xây dựng các điểm nhấn, các đặc trưng riêng mà khi du khách đến với TP. Buôn Ma Thuột sẽ nghĩ và nhớ đến.
Chẳng hạn như thành phố đang triển khai phố đi bộ ở đường Phan Đình Giót để mở ra một không gian thưởng thức cà phê. Hay như tổ chức chợ phiên nông sản cuối tuần tại trung tâm thành phố, trong đó sản phẩm chủ lực là cà phê. Thành phố cũng đang nỗ lực trong thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phối hợp với các doanh nghiệp trong việc triển khai những ý tưởng xây dựng Buôn Ma Thuột thành “Thành phố cà phê của thế giới”…