Người ta dự tính, từ năm 2024 tới, mỗi năm người dân Ấn Độ sẽ dành ra khoảng 42 tỷ USD cho việc đi du lịch. Với quy mô dân số đứng đầu thế giới, không chỉ các doanh nghiệp lữ hành, nhiều quốc gia trên thế giới đang chờ đợi Ấn Độ thực sự bước vào “giai đoạn vàng” về du lịch. Đây chính là thời điểm tốt để khai thác thị trường nhiều tiềm năng này, bắt đầu bằng việc đưa ra các chương trình ưu đãi hay quảng bá.
Hiểu rõ hơn về du khách Ấn Độ
Điều quan trọng bây giờ là các điểm đến cần phải hiểu được nhu cầu của du khách Ấn Độ, hay chính xác hơn là dựng lên được “chân dung thực” về các vị khách Ấn Độ để có thể đưa ra chiến lược lôi kéo, thu hút được tốt nhất.
Du khách Ấn Độ vốn được biết tới là đối tượng có gu tiêu dùng khá khác biệt. Họ thích tham quan các địa điểm có liên quan tới tôn giáo. Họ thường xuyên khám phá điểm đến cùng gia đình và quan tâm tới các trải nghiệm về văn hóa; sẽ càng thú vị nếu có sự tương đồng với văn hóa của họ. Người Ấn Độ cũng là nhóm khách hàng khá “nhạy cảm” về giá, đặc biệt là các chi phí đi lại và phí tham quan. Khi khách Ấn Độ cân nhắc đi du lịch, các khoản chi phí cho chuyến đi ở mức cạnh tranh sẽ là lợi thế lớn. Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu luôn nghĩ rằng du khách Ấn Độ sẽ không sẵn sàng chịu chi. Họ có thể chi đậm nếu hàng hóa và dịch vụ xứng đáng với giá tiền và mang lại trải nghiệm độc nhất.
Tin vui với ngành du lịch thế giới và nhiều quốc gia đang quan tâm tới thị trường Ấn Độ, một báo cáo do nền tảng Skyscanner công bố mới đây cho thấy, 63% du khách Ấn Độ có kế hoạch tăng ngân sách dành cho du lịch trong năm 2024. Chỉ 7% nói rằng họ sẽ chi tiêu ít hơn; trong khi 25% dự định duy trì chi tiêu như mức hiện tại. Trong năm 2023, số lượng tìm kiếm trên Skyscanner từ thị trường Ấn Độ tăng 55%. Điều này cho thấy người Ấn Độ đang dành ra nhiều thời gian hơn cho việc tận hưởng kỳ nghỉ, đặc biệt là tại nước ngoài.
Một điểm cần ghi nhớ là khách du lịch Ấn Độ có gu trải nghiệm khác biệt và cách tiếp cận riêng mỗi khi cần phải chi tiền. Ví dụ, họ chịu tác động mạnh bởi điện ảnh và truyền hình trong việc tạo cảm hứng du lịch. Trên Skyscanner, 39% người dùng cho biết họ lên ý tưởng du lịch nhờ sử dụng phim ảnh và TV. Điều thú vị là sau khi mùa 3 của phim truyền hình “Emily in Paris” được trình chiếu trên Netflix, Skyscanner ghi nhận lượng tìm kiếm các thông tin liên quan tới Paris từ Ấn Độ tăng 23% trong năm 2023. Một thông tin đáng chú ý khác là 94% du khách Ấn Độ nảy ra ý định khám phá điểm đến nhờ việc xem trên điện thoại hay TV, chỉ 62% nhận biết qua sách. Thông tin này rất hữu ích nếu các điểm đến muốn tiếp cận với thị trường Ấn Độ nhanh nhất và thuyết phục nhất.
Theo các khảo sát, những yếu tố ẩm thực, văn hóa và thời tiết tại điểm đến sẽ ảnh hưởng tới quyết định đi du lịch của người Ấn Độ. Mua sắm, thăm thú các địa điểm lịch sử hay thử món ăn địa phương là các hoạt động hấp dẫn khách Ấn Độ khi ra nước ngoài. Khoảng 37% khách Ấn Độ, được gọi là “những người hâm mộ cuồng nhiệt”, sẵn sàng bay một chặng ngắn để xem nghệ sĩ yêu thích của họ biểu diễn trực tiếp, và 20% sẵn sàng đi đường dài để có những trải nghiệm như vậy.
Ngoài ra, các nước đang thu hút khách Ấn Độ cần quan tâm nhiều hơn tới những yêu cầu đặc biệt, hay các phân khúc riêng của thị trường này. Ví dụ như du lịch cưới hỏi tại Ấn Độ đang là phân khúc đầy tiềm năng với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, để có thể nhận được cái gật đầu của du khách Ấn Độ, các điểm đến phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe và đặc biệt.
Ấn Độ phát triển du lịch nội địa
Phát triển thị trường du lịch và thúc đẩy nhu cầu trải nghiệm của người dân là một trong những chính sách kinh tế quan trọng của Chính phủ Ấn Độ trong những năm qua. Ngành kinh tế này tạo ra 4,6% GDP hàng năm cho Ấn Độ. Chính phủ nước này nhận thức rằng du lịch nội địa là một trong những động lực phát triển của đất nước mà lâu nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. 3 đột phá được đề ra để tạo cú hích cho ngành du lịch nội địa là phát triển cơ sở hạ tầng, phối hợp giữa chính quyền trung ương và các bang cùng các khoản đầu tư cho du lịch bền vững.
Bộ Du lịch Ấn Độ đang soạn thảo các chính sách du lịch quốc gia kết hợp các đề xuất từ các bộ ngành trung ương, chính quyền các bang, và các bên liên quan. Chính sách này nhằm tăng cường sự đóng góp của du lịch cho nền kinh tế Ấn Độ; tạo việc làm và cơ hội kinh doanh; nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành; thu hút đầu tư khu vực tư nhân và nước ngoài; bảo tồn và nâng cao các nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm và toàn diện trong nước.
Để tạo sức bật cho du lịch nội địa, Bộ Du lịch Ấn Độ đang thúc đẩy mạnh mẽ cơ sở hạ tầng cho du lịch. Hơn một nửa ngân sách được dành để tài trợ cho việc phát triển các điểm đến, các vành đai du lịch cũng như các dự án cơ sở hạ tầng du lịch nông thôn. Điều này cũng sẽ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Ấn Độ tiến lên vì ngành du lịch có hơn 1.300 công ty khởi nghiệp.
Du lịch cũng đang được Ấn Độ xem là yếu tố bổ sung cho việc phát triển cơ sở hạ tầng. Nước này đang tận dụng lợi thế của hơn 3.650 địa điểm khảo cổ, trong đó có 40 di sản thế giới được UNESCO ghi danh. Cơ sở hạ tầng hậu cần và du lịch không chỉ nâng cao trải nghiệm của khách du lịch mà còn thúc đẩy sự phát triển tại địa phương.