“Bánh mì” vào từ điển Merriam-Webster danh tiếng của Mỹ
Ngôn ngữ là thứ luôn biến đổi, vì vậy nên các bộ từ điển cũng cần cập nhật thường xuyên. Và công ty Merriam-Webster chuyên xuất bản các đầu sách tham khảo và đặc biệt là từ điển nổi tiếng của Mỹ cũng không phải là ngoại lệ.
Mùa thu hàng năm là thời điểm từ điển Merriam-Webster cập nhật danh mục từ mới. Tháng 9 năm nay, từ điển danh tiếng của Mỹ thông báo bổ sung thêm 370 từ, bao gồm món “bánh mì” trứ danh của Việt Nam trong số 9 từ vựng mới về thực phẩm.
Merriam-Webster định nghĩa “bánh mì” là “loại bánh kẹp thường có vị cay trong ẩm thực Việt Nam. Chiếc bánh được xẻ đôi và có nhân kẹp ở bên trong, thường là thịt (lợn hoặc gà), và các loại rau củ ngâm chua ngọt (ví dụ như cà rốt và củ cải), dưa chuột và thêm một chút rau ngò.”
Merriam-Webster giải thích rằng những từ như “bánh mì” đã trở nên quen thuộc khi món ăn được nhiều người biết đến trên toàn cầu thông qua thực đơn nhà hàng, công thức nấu ăn và các chương trình nấu ăn trên truyền hình, do đó họ quyết định đưa loạt từ vựng mới về ẩm thực vào từ điển.
“Chúng tôi lựa chọn từ mới để đưa vào từ điển dựa trên bộ 3 tiêu chí: sử dụng thường xuyên, rộng rãi và có ý nghĩa”, đại diện của Merriam-Webster cho hay.
Bên cạnh “bánh mì”, năm nay Merriam-Webster còn thêm một số món khác như sữa yến mạch “oat milk”, phong cách ẩm thực “omakase” của Nhật Bản, bột gia vị làm bánh bí ngô “pumpkin spice”, hay “plant-based” là từ dùng để chỉ các món ăn làm từ thực vật.
Năm 2014, món phở trứ danh của Việt Nam cũng đã được Merriam-Webster thêm vào từ điển của mình.
Bánh mì Việt Nam “đốn tim” thực khách toàn cầu
Là món điểm tâm sáng, món ăn nhanh yêu thích của người Việt ở mọi lứa tuổi, bánh mì có rất nhiều ưu điểm: nhanh, gọn, nhẹ, có thể mua ở bất cứ đâu, và quan trọng nhất là vị ngon từ tổ hợp nhân thịt, rau, dưa, ngò (có thể thêm trứng, chả, xúc xích hay pate, tùy theo khẩu vị của bạn).
Bánh mì Việt Nam cũng là ngôi sao đang lên trên trường ẩm thực quốc tế, đặc biệt là sau khi cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain đưa hình ảnh và vị ngon của bánh mì Việt Nam lên chương trình No Reservations của ông vào năm 2009.
“Ngon khó cưỡng” là những từ được Theign Yie Phan, một nữ bếp trưởng ở Hồng Kông (Trung Quốc) dùng để mô tả bánh mì Việt Nam, trong bài viết có tiêu đề “Story of the banh mi: Vietnam’s super sandwich that took on the world” (tạm dịch: Chuyện của bánh mì: Món siêu bánh kẹp của Việt Nam đã vươn ra thế giới) của báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Đối với Phan, bánh mì là một món ăn nhẹ giữa giờ rất ổn. “Cứ cách ngày tôi lại ăn một chiếc. Đó không phải là thứ sẽ khiến bạn thấy ngán đâu”, cô nói.
“Bánh mì là món ăn có sự cân bằng trong hương vị và kết cấu. Kẹp trong chiếc bánh mì nóng giòn là nhân thịt béo, đậm vị, kết hợp cùng vị chua ngọt của rau dưa”, Phan cho biết.
Một chiếc bánh mì đầy đủ của nhà hàng Le Petit Saigon của Phan bao gồm thịt ba chỉ thái mỏng, pate gan, giò/chả Việt Nam, sốt mayonnaise tự làm, cùng dưa chuột tươi, dưa góp, rau ngò, hành lá, ớt tươi và nước tương để tăng hương vị.
Phan không phải là người duy nhất yêu món bánh mì Việt Nam. Từ khởi đầu khiêm tốn trên đường phố Việt Nam, bánh mì đã trở thành “cơn sốt” trên toàn cầu khi xuất hiện trong menu của nhiều nhà hàng trên thế giới. Nhiều khách du lịch nước ngoài cũng tìm món bánh mì khi đến Việt Nam, và đã dành nhiều lời khen ngợi cho món ăn đường phố này.
“Bánh mì là món ăn có sự cân bằng trong hương vị và kết cấu”, theo Theign Yie Phan, một nữ bếp trưởng ở Hồng Kông (Trung Quốc)
Trong một bài viết khác về bánh mì Việt Nam, SCMP đã viết về một phiên bản đặc biệt hơn đã giúp đưa bánh mì đến với nhiều đối tượng thực khách hơn, đó là bánh mì chay.
Nhiều tiệm bánh mì ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác ở Việt Nam đã bán bánh mì nhân nấm, bơ thực vật, pate chay, xúc xích chay, v.v… và nhận đục sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng người ăn chay.
Tương tự, những tín đồ ẩm thực thế giới cũng có thể dễ dàng tìm thấy phiên bản chay của bánh mì ở đất nước họ. Họ có vô vàn lựa chọn. Chẳng hạn, tiệm Just Green ở Sydney có nhân thịt gà chay, thịt lợn chay. Tiệm Xe May Sandwich Shop ở New York có món bánh mì kẹp nhân nấm portobello sốt tương, cùng với đậu phụ tẩm gia vị và súp lơ trắng nghiền.
Thậm chí còn có nơi sáng tạo nhân bánh với hương vị Hàn Quốc. Tiệm Eat Chay ở London có món bánh mì chay tuyệt ngon kẹp nhân thịt nướng bulgogi chay, kim chi và hỗn hợp tương ớt – mayonnaise thuần chay, chỉ nhìn thôi đã thấy thòm thèm.
Có thể nói rằng bánh mì thuần chay đã có sự phát triển rất ấn tượng. Bằng sức sáng tạo vô hạn, không ngừng nghỉ của người đầu bếp, hiện nay bánh mì Việt Nam ngày càng có nhiều lựa chọn và phục vụ được nhiều đối tượng thực khách hơn nhờ các phiên bản chay-mặn của mình trên khắp thế giới.