Tuy nhiên, tin mừng là các quốc gia đang tích cực sản xuất và triển khai tiêm vaccine phòng ngừa virus. Hộ chiếu/Chứng thư số vaccine có thể hỗ trợ, mở ra cơ hội khôi phục việc đi lại an toàn giữa các quốc gia, góp phần phục hồi du lịch.
Đặc biệt mới đây, trên thế giới nhiều công cụ số đã ra đời nhằm quản lý lịch trình đi lại và chứng minh cho các hãng hàng không, cơ quan có thẩm quyền rằng du khách đã được tiêm phòng hoặc xét nghiệm COVID-19, được kỳ vọng có thể đẩy nhanh quá trình mở cửa biên giới giữa các nước.
Các loại thẻ thông hành thời COVID
Những thảo luận gần đây trên thế giới về thuật ngữ này đề cập đến các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh một cá nhân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hỗ trợ việc bảo đảm an toàn dịch bệnh trong quá trình đi lại. Thực tế, sẽ rất thuận tiện cho các cơ quan quản lý nếu các giấy tờ này có thể được xác thực trên nền tảng số để dễ dàng theo dõi, tra cứu khi cần thiết.
Thời gian vừa qua, trước nhu cầu ngày càng cấp thiết đòi hỏi kết nối lại các hoạt động đi lại, giao thương trên toàn cầu, đặc biệt là hoạt động du lịch, một số quốc gia, tổ chức đã bàn, thử nghiệm, áp dụng những công cụ chứng nhận được số hóa với các tên gọi khác nhau.
Công cụ số có tên gọi “Thẻ thông hành số” (Digital Travel Pass) do Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa phát triển, sử dụng trong lĩnh vực hàng không nhằm giúp hành khách quản lý lịch trình đi lại và chứng minh cho các hãng hàng không và cơ quan có thẩm quyền rằng họ đã được tiêm phòng hoặc xét nghiệm COVID-19.
Còn “Thẻ thông hành chung” (Common Pass) do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Common Project – một tổ chức phi lợi nhuận Thụy Sĩ phát triển và đang trong giai đoạn thử nghiệm, cho phép người dùng truy cập các thông tin về xét nghiệm, vaccine và ứng dụng sẽ sinh ra mã QR Code để cung cấp thông tin cho các nhà chức trách khi cần thiết.
Trong khi đó, Tập đoàn IBM đã phát triển và đưa vào áp dụng “Thẻ thông hành y tế số” (Digital Health Pass) tích hợp đa dữ liệu như kiểm tra nhiệt độ, cảnh báo phơi nhiễm virus, kết quả xét nghiệm và tình trạng tiêm vaccine. IBM cho biết thẻ thông hành này nhằm giúp con người quay trở lại những địa điểm công cộng như nơi làm việc, trường học, sân vận động hay các chuyến bay.
Tấm “hộ chiếu” hữu ích
Trong phiên họp hồi tháng 01/2021 ở Madrid, Tây Ban Nha, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã tập trung bàn giải pháp tích hợp chứng nhận tiêm phòng vaccine vào kế hoạch khởi động du lịch an toàn và nâng cao lòng tin trong ngành du lịch.
Đại diện của Tổ chức Du lịch thế giới nhấn mạnh, việc áp dụng chứng nhận tiêm phòng vaccine sẽ là công cụ đặc biệt quan trọng ứng phó với đại dịch, thúc đẩy tái khởi động an toàn hoạt động du lịch quốc tế đồng thời tổ chức này cũng kêu gọi thúc đẩy tiêu chuẩn hóa, số hóa và khả năng tương tác của hệ thống xét nghiệm và chứng nhận y tế theo hướng được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Thực tế trong lịch sử, việc cung cấp giấy tờ chứng minh một người đã được tiêm phòng để nhập cảnh vào một quốc gia hay tham gia hoạt động nào đó không mới. Trước đây, một số quốc gia yêu cầu người nhập cảnh phải chứng minh họ đã được tiêm phòng các bệnh như sốt vàng da, rubella và dịch tả.
Thông thường sau khi tiêm phòng, mỗi người sẽ nhận được một “Thẻ vàng” có ký tên, đóng dấu, được gọi là Chứng nhận quốc tế về tiêm phòng vaccine. Đây là giấy tờ mà các Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) yêu cầu mọi người phải có khi đi lại.
“Việc có ‘Hộ chiếu vaccine’ hay bất kỳ chứng thực nào chứng minh cho việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, không lây lan trong cộng đồng thì đều được đón nhận và mong muốn. Chính những động thái đó cũng là một trong những điều mà ngành du lịch luôn mong chờ để phục hồi,” ông Phạm Hải Quỳnh, CEO Vân Hải Xanh Travel chia sẻ.
Như vậy, dù với tên gọi nào, về mặt bản chất, đây là những giấy tờ chứng nhận y tế hữu ích nếu được được số hóa và công nhận chung để cung cấp bằng chứng một người đã được tiêm phòng vaccine hay xét nghiệm COVID-19, giúp con người đi lại an toàn trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hình thành một hệ thống chứng nhận đồng bộ, được thừa nhận lẫn nhau để có thể áp dụng rộng rãi…/.
Đến nay, hậu quả của dịch bệnh COVID-19 và việc “đóng cửa” du lịch ở Việt Nam đã khiến hơn 500 doanh nghiệp lữ hành không thể tiếp tục hoạt động, xin thu hồi giấy phép. 90-95% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, công suất buồng phòng khách sạn chỉ còn 10-20%, các tour du lịch chỉ được khách đặt vào phút chót.
Lực lượng lao động trong ngành đang có sự dịch chuyển lớn sang ngành khác mà phải mất 5-7 năm mới có thể hồi phục như năm 2019. Thị trường thay đổi, nhu cầu, thị hiếu của khách, xu hướng du lịch cũng thay đổi nên cách làm du lịch không còn cách nào khác cũng sẽ phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới… |