Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế trên phạm vi toàn cầu, trong đó có ngành du lịch. Trước tình đó, du lịch toàn cầu đã buộc phải có những thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết, năm 2021, đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 nghìn tỷ USD do sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế. Trong số đó, các nước có mức giảm GDP do sụt giảm ngành du lịch vì đại dịch COVID-19 cao nhất thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ (-9,1%), Ecuador (-9%), Nam Phi (-8,1%), Ireland (-5,9%)…
Trước đó, vào tháng 7/2020, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng đã dự báo thời gian du lịch quốc tế đình trệ sẽ kéo dài từ 4-12 tháng, khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại từ 1,2-3,3 nghìn tỷ USD. Song trên thực tế, ngành du lịch bị ảnh hưởng trong thời gian kéo dài hơn, con số thiệt hại còn cao hơn rất nhiều, bởi đại dịch chưa biết đến khi nào mới kết thúc.
Một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cinque Terre, Italy (Ảnh: Getty Images)
Theo Báo cáo của Liên hiệp quốc, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm khoảng 1 tỉ lượt, tương đương giảm 73% trong năm 2020, trong khi trong quý đầu tiên của năm 2021, mức giảm đã là 88%. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á; trong khi những khu vực bị ảnh hưởng ít hơn là Bắc Mỹ, Tây Âu và Caribe.
Mới đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã thực hiện đánh giá về tác động của đại dịch COVID-19 đối với việc làm trong ngành du lịch ở châu Á và Thái Bình Dương. Báo cáo đưa ra ngày 18/11 của ILO cho biết, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Mông Cổ đã ghi nhận 1/3 số việc làm mất đi trong do dịch COVID-19 là thuộc ngành du lịch. Báo cáo khẳng định, mức tổn thất việc làm trong các ngành liên quan đến du lịch trong năm 2020 cao hơn gấp 4 lần so với các ngành khác.
Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, UNCTAD cho rằng, sự phục hồi của ngành du lịch phụ thuộc phần lớn vào việc tiêm vaccine COVID-19 trên toàn cầu. Theo Quyền Tổng thư ký UNCTAD Isabelle Durant: “Thế giới cần nỗ lực tiêm chủng toàn cầu để bảo vệ người lao động, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới xã hội và ngành du lịch nhận được những quyết định mang tính chiến lược”.
Nắm bắt được điều này, thời gian qua, các nước đều nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 – coi đây là tấm vé thông hành để khởi động lại ngành du lịch. Cùng với đó, những xu hướng mới trong du lịch cũng xuất hiện để thích ứng và phù hợp với tình hình dịch bệnh nay.
Xu hướng du lịch thời đại dịch
Nếu như trước đại dịch, khách du lịch chỉ cần “xách ba lô lên và đi” bất kể điểm đến là ở trong nước hay ở nước ngoài, thì hiện nay, khách du lịch cần trải qua các thủ tục kiểm tra y tế. Theo đó, giấy chứng nhận tiêm vaccine, khẩu trang,… sẽ là những vật dụng không thể thiếu mà khách du lịch cần mang theo trong một thời gian dài, khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Du lịch không chạm – một trong những xu hướng mới của du lịch thời đại dịch (Ảnh minh họa: CNN)
Du lịch không chạm – xu hướng tất yếu để hạn chế sự tiếp xúc, ngăn ngừa dịch bệnh. Từ những khuyến cáo của cơ quan y tế, du lịch không chạm trở thành xu hướng hot hiện nay và trong tương lai không xa. Không chạm khi đi du lịch không chỉ là hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa con người với các vật dụng, bề mặt mà còn là trải nghiệm du lịch với các thiết bị và công nghệ tự động hóa. Trước đây, các loại giấy tờ thông hành được trao tay khi làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát… Điều này khiến mọi người phải xếp hàng chờ đợi và gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Nhưng với du lịch thời COVID-19, mọi quy trình tại quầy làm thủ tục, quầy lễ tân sẽ được tự động hóa. Trên máy bay, tại các điểm đến du lịch, tại các nhà hàng, khách sạn cũng ứng dụng nhiều thiết bị không chạm hiện đại như vòi nước cảm ứng; cửa đóng/mở tự động… Tất cả sẽ giúp hoạt động du lịch trở nên an toàn và tiện lợi hơn rất nhiều.
Trưa 20/11, hơn 200 du khách Hàn Quốc đã đáp xuống đảo Phú Quốc, đây là những khách du lịch quốc tế đầu tiên đến hòn đảo này sau gần 2 năm. Sau khi hạ cánh, du khách di chuyển theo lối đi được phân luồng riêng để thực hiện các thủ tục nhập cảnh và tiến hành sàng lọc sức khỏe ngay tại sân bay. Tại đây, du khách sẽ có trải nghiệm chuyến đi qua hành trình khép kín.
Du lịch chăm sóc sức khỏe lên ngôi. Đây là dịch vụ du lịch thiên về nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Khi đi du lịch, du khách có thể tham gia các khóa ngồi thiền, tập yoga, dưỡng sinh, tắm khoáng nóng… để phục hồi thể chất và tái tạo tinh thần. Du khách cũng sẽ có xu hướng tìm đến những vùng đất hoang sơ; những nơi có tính chất cô lập, như vùng nông thôn yên tĩnh, vùng núi cao, những hòn đảo hay bãi biển chưa được khai thác du lịch. Những địa điểm này không chỉ mang tới sự yên tĩnh để nghỉ ngơi mà còn mang đến sự an tâm do giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), du lịch gắn với sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời hậu COVID-19. Theo Global Wellness Institute (GWI), loại hình du lịch này có thể chạm mức doanh thu 919 tỷ USD vào năm 2022.
Làm việc kết hợp nghỉ dưỡng là loại hìnhđược nhiều người lựa chọn trong bối cảnh xu hướng làm việc từ xa trở nên phổ biến. Năm 2021 đã chứng kiến ngày càng nhiều người sẽ làm việc ở những hòn đảo thay vì ở nhà. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới cho rằng, sẽ có khoảng 34% khách du lịch cân nhắc đặt chỗ ở một điểm đến khác để ở lại làm việc, trong khi 43% sẽ sẵn sàng cách ly nếu họ có thể làm việc từ xa. Các phòng nghỉ sẽ được thiết kế như các văn phòng tại nhà nhằm thu hút làn sóng “du mục kỹ thuật số” (digital nomads) mới này.
Du lịch nội địa và gần nhà là xu hướng nổi bật trong bối cảnh việc đi lại giữa các nước vẫn có nhiều quy định khắt khe. Theo UNWTO, trong năm 2021, tín hiệu tích cực về du lịch nội địa đang diễn ra ở nhiều thị trường, với việc người dân có xu hướng đi du lịch gần địa điểm cư trú. Sự lên ngôi của du lịch nội địa sẽ thúc đẩy nhu cầu về các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên thiên và du lịch nông thôn. Các chuyên gia cũng đề cập tới sự nổi lên của xu hướng “du lịch chậm” và du lịch cộng đồng, hướng tới những trải nghiệm chân thực, trách nhiệm và bền vững.
Rõ ràng, những khó khăn đối với ngành du lịch toàn cầu vẫn còn chồng chất. Tuy nhiên, những nỗ lực thích ứng trong thời gian gần đây của du lịch các nước là những tín hiệu lạc quan, được kỳ vọng sẽ góp phần làm “tan băng”, giúp khôi phục nền kinh tế thế giới trước những tác động to lớn của đại dịch COVID-19./.