|
Du lịch thế giới đang có sự bật mạnh mẽ thời gian qua. (Nguồn: Adobe) |
Từ đầu năm 2022, với kết quả bao phủ vaccine rộng khắp ở các nước phát triển và việc nhiều quốc gia giảm và thậm chí dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, ngành du lịch thế giới đứng trước kỳ vọng đã phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm suy thoái trầm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ năm 2020.
Theo báo cáo của UNWTO, tính đến ngày 3/6, có 45 điểm đến, trong đó có 2/3 là tại châu Âu, không còn thực hiện bất cứ các biện pháp hạn chế nào liên quan đến Covid-19. Trong khi đó, thêm nhiều điểm đến tại châu Á như Thái Lan, Việt Nam hay Nhật Bản cũng đã nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống Covid-19.
Khu vực châu Âu có sự phục hồi du lịch mạnh mẽ nhất.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, số lượng khách quốc tế đến khu vực này tăng 280% so với đầu năm 2021. Đứng sau châu Âu là Trung Đông (tăng 132%) và châu Mỹ (tăng 117%), châu Phi (tăng 96%), châu Á-Thái Bình Dương (tăng 64%).
Tuy nhiên, doanh số du lịch toàn cầu 3 tháng đầu năm 2022 vẫn thấp, chỉ đạt 61% so với cùng kỳ năm 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát.
Báo cáo của UNWTO cũng cho thấy so với cùng kỳ các năm 2019, lượng du khách quốc tế đến các khu vực đều giảm ở mức rất lớn: châu Âu giảm 43%, châu Mỹ giảm 46%, Trung Đông giảm 59%, châu Phi giảm 61% trong khi châu Á giảm tới 93%.
Vì vậy, UNWTO và giới chuyên gia vẫn thận trọng khi cho rằng sự phục hồi của ngành “công nghiệp không khói” toàn cầu chưa bền vững và sẽ chịu nhiều biến động trong những tháng tới tác động bởi giá năng lượng tăng cao do xung đột tại Ukraine, khủng hoảng kinh tế ở nhiều quốc gia, khả năng xuất hiện biến chủng Covid-19 và nhất là việc thị trường du lịch lớn nhất thế giới là Trung Quốc hiện vẫn đang đóng cửa.
Lực cản tăng trưởng vẫn hiện hữu
Theo một báo cáo chung của UNCTAD và UNWTO công bố tháng 6/2021, đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020-2021 có thể làm thiệt hại hơn 4000 tỷ USD GDP toàn cầu do sự suy thoái của du lịch và các ngành phụ trợ.
Theo báo cáo này, tính riêng trong năm 2020, con số thiệt hại là 2400 tỷ USD. Cuối năm 2021, UNWTO ước tính doanh số du lịch toàn cầu tiếp tục sụt giảm 2000 tỷ USD trong năm 2021.
Báo cáo tháng 6/2022 của UNWTO cho rằng du lịch quốc tế vẫn ở mức rất thấp so với trước đại dịch Covid-19 (tương đương 61% năm 2019) bởi nhiều quốc gia vẫn tiếp tục áp dụng các hạn chế phòng dịch, thậm chí đóng cửa hoàn toàn đối với du lịch quốc tế.
Tính đến ngày 2/6, mới chỉ có 45 quốc gia (trong đó có 31 quốc gia châu Âu) dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế do đại dịch Covid-19.
Ở châu Á, một trong những thị trường phục hồi chậm nhất, chỉ một số quốc gia bắt đầu dỡ bỏ các rào cản này trong khi Trung Quốc, thị trường du lịch lớn nhất thế giới đến nay vẫn hoàn toàn đóng cửa sau 2 năm đối phó với đại dịch Covid-19.
Nếu như việc các nước châu Âu dỡ bỏ các hạn chế chống dịch Covid-19 là nhân tố chính tác động đến sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch quốc tế tại khu vực này, nhất là trong tháng 3/2022, thì việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero Covid là một trong những lý do quan trọng của sự phục hồi chậm chạp của ngành du lịch toàn cầu và nhất là ở châu Á.
Trung Quốc, thị trường du lịch lớn nhất thế giới vẫn đang đóng cửa. (Nguồn: China Daily) |
Với hơn 1,3 tỉ người, trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc là “động cơ” của ngành “công nghiệp không khói” toàn cầu khi có tới 149,7 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch ra nước ngoài vào năm 2018, chiếm vị trí số 1 thế giới, trên Đức (108,5 triệu lượt) và Mỹ (92,6 triệu lượt).
Tỷ lệ tăng trưởng du lịch quốc tế năm 2018 là 15%, và trong vòng 10 năm từ 2009-2018, tổng số người Trung Quốc đi du lịch quốc tế đã tăng gấp 3 lần.
Các địa điểm du lịch quốc tế ưa thích của người Trung Quốc trước tiên là châu Á (Hong Kong, Macao, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam). Trong khi đó, ở châu Âu, Pháp là nước đón tiếp khách du lịch Trung Quốc nhiều nhất (2,2 triệu lượt năm 2018).
Có tới 55% người Trung Quốc khi đến châu Âu chọn Pháp, 37% tới Đức, 30% tới Italy và 22% tới Anh. Vì vậy, thị trường du lịch thế giới, nhất là châu Á sẽ chưa thể phục hồi nếu du khách Trung Quốc chưa lấy lại thói quen xuất cảnh như trước đại dịch Covid-19.
Cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài 4 tháng trong nửa đầu năm 2022 cũng là một cú sốc giáng vào kỳ vọng tăng trưởng nhảy vọt của du lịch toàn cầu năm 2022. Theo thống kê của UNWTO, hai nước Nga và Ukraine đóng góp khoảng 13,29 tỷ USD/năm vào doanh số du lịch quốc tế toàn cầu, tương đương 3%.
Theo tổ chức này, xét về doanh số, cuộc xung đột không ảnh hưởng nhiều đến phục hồi du lịch toàn cầu cho du khách du lịch Nga là nguồn cung lớn cho một số điểm đến ở châu Âu và châu Á. Hệ lụy lớn nhất của cuộc xung đột là việc đảo lộn các tuyến bay của các hãng hàng không và giá nhiên liệu.
Trước khi xung đột xảy ra, mỗi ngày có khoảng 350 chuyến bay quốc tế qua bầu trời nước này trong đó có 150 chuyến bay đường dài.
Trong khi đó, các hãng hàng không Nga bị cấm bay qua và tới hầu hết các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ. Hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot trong tháng 3 đã cắt giảm số lượng chuyến bay thường nhật từ 118 xuống còn 13 chuyến/ngày.
Cũng từ khi xung đột bùng phát đến nay, hầu hết các tuyến bay quốc tế qua khu vực bầu trời của Belarus, Ukraine và Nga bị hủy bỏ buộc các hãng phải lựa chọn các tuyến đường tránh và điều này đồng nghĩa với chi phí tăng cao.
Chi phí cho các chuyến du lịch quốc tế còn cao hơn nữa khi giá dầu lửa thế giới tăng liên tục lên mức 3 con số kể từ sau khi xung đột bùng nổ, lạm phát, thiếu hụt lương thực toàn cầu làm tăng giá các dịch vụ lưu trú, giải trí, mua sắm…
Xanh hơn, gần hơn và chậm hơn
Báo cáo của UNWTO, lần đầu tiên sau 2 năm cho thấy chỉ số niềm tin trong lĩnh vực du lịch quốc tế đạt mức năm 2019. Theo báo cáo, 83% các nhà tổ chức du lịch quốc tế chuyên nghiệp tin tưởng khả năng phục hồi trong năm 2022.
Có 43% các chuyên gia cho rằng du lịch quốc tế sẽ trở lại mức năm 2019 vào năm 2023 (chỉ số này là 32% vào tháng 1/2022) trong khi ý kiến cho rằng điều này sẽ chỉ xảy ra vào năm 2024 hoặc sau đó giảm từ 64% (tháng 1/2022) xuống còn 44% (6/2022).
Trong tháng 4/2022, năng lực vận tải hành khách hàng không quốc tế tại châu Mỹ, châu Phi, châu Âu, Bắc Đại Tây Dương và Trung Đông đã đạt mức 80% so với trước đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, du lịch thế giới trong năm 2022 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhờ vào nhu cầu tăng mạnh sau thời gian khủng hoảng kéo dài. Sau hơn 2 năm tuân thủ các quy định giãn cách xã hội, nhiều người có xu hướng đi du lịch bù và nhiều người trong số họ đã dành được nhiều khoản tiết kiệm đáng kể để có thể đi du lịch ngay khi có thể.
Mặt khác, sự tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng phản ánh xu thể chuyển đổi trong du lịch quốc tế theo hướng “xanh hơn, gần hơn và chậm hơn”. Trước đại dịch Covid-19, du lịch đại chúng (mass tourism, overtourism) đã được xem là một trong những nguyên nhân chính của hủy hoại môi trường không gian sống của cư dân bản địa, ô nhiễm tiếng ồn,… và thậm chí đã tạo ra những xu thế chống du lịch (tourism-phobia hay detourisfication).
Đại dịch Covid-19 đẩy giá nhiên liệu tăng cao thúc đẩy xu hướng du lịch xanh, thân thiện môi trường (ecotourism), khai thác các thế mạnh về nguồn lực tự nhiên, con người và văn hóa hơn là phát triển du lịch đại chúng.
Câu chuyện về các con tàu gây lây lan Covid-19 như Costa Serena hay Diamond Princess đã trở thành nỗi ám ảnh của khách du lịch quốc tế và giờ đây rất nhiều trong số họ sẽ lựa chọn ưu tiên các điểm đến gần và khám phá một cách chậm rãi (soft tourism).
Theo ông Rémy Knafou, chuyên gia du lịch quốc tế và giáo sư tại Đại học Paris 1, có tới 84% khách du lịch lựa chọn các điểm đến quốc nội chỉ với một hoặc ít các điểm đến. Khách du lịch cũng quan tâm hơn đến khám phá thiên nhiên, các đặc trưng vùng miền, văn hóa… và xu hướng này sẽ ngày càng được củng cố do nhận thức về môi trường cũng như các lo ngại về an toàn và chi phí tăng cao.