Đề cao chất lượng hơn số lượng
Trước hết, khi áp dụng thuế du lịch thì một quốc gia phải tính đến “vị trí” của nước này trước nhu cầu thị trường du lịch toàn cầu. Một câu hỏi đặt ra, liệu Indonesia đang cần khách du lịch hay khách du lịch cần và muốn đến Indonesia?
Về vấn đề này, các quan chức du lịch Indonesia luôn bày tỏ lạc quan vào số lượng du khách đến với Bali hay các điểm đến “siêu ưu tiên” của Indonesia. Theo Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, lượng khách du lịch quốc tế của Indonesia sẽ đạt 10 triệu trong năm 2023, vượt mục tiêu 8,5 triệu đặt ra. Thậm chí trước đại dịch Covid-19, số lượng khách nước ngoài đến với Bali được cho là quá đông, ảnh hưởng nhiều đến các giá trị văn hóa và môi trường của nhiều địa điểm. Vì vậy, Bali là địa điểm đầu tiên để Indonesia áp dụng mức thuế phí, dự kiến có hiệu lực vào tháng 2 năm tới. Ngoài Bali, các quan chức địa phương cho rằng những địa điểm “siêu ưu tiên” mới đủ điều kiện và tiêu chuẩn để áp dụng thuế phí vì đều là những địa điểm du lịch phổ biến, đang thu hút nhiều du khách quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn về khả năng tiếp cận, tiện nghi và điểm tham quan.
Nguồn thu từ thuế du lịch cũng sẽ nhằm phục vụ cho các hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch địa phương. Ví dụ chính quyền Bali sẽ dùng số tiền thu được từ khoản thuế sử dụng cho các chương trình quản lý chất thải, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa tại Bali, hướng đến mục tiêu là địa điểm du lịch đẳng cấp thế giới về môi trường và văn hóa.
Thu bao nhiêu là hợp lý?
Thuế phí du lịch đã được khá nhiều quốc gia áp dụng nhằm góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, dịch vụ và bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch; tuy nhiên cũng còn những ý kiến trái chiều. Trong đó, việc cân đối, đảm bảo sự cân bằng giữa bảo vệ thiên nhiên, môi trường và phát triển du lịch, kinh tế là thách thức không nhỏ. Đơn cử như Bhutan mới đây cũng đã phải hạ thuế phí du lịch để hút khách trở lại, sau khi đặt ra mức phí khá cao.
Riêng đối với Indonesia, việc đề xuất và áp đặt thuế du lịch với Bali đã vấp phải sự phản ứng từ các ngành dịch vụ, cho rằng thuế này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lượng khách nước ngoài và các lĩnh vực liên quan, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch nước này vẫn đang phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng với một địa điểm đẹp như Bali, mức phí khoảng 10 USD vẫn là quá rẻ, đề xuất thuế du lịch được thực hiện ở mức 500.000 IDR (33 USD) là hợp lý. Vì như vậy chính quyền địa phương mới có đủ nguồn thu để thực hiện những thay đổi mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên người đứng đầu Cơ quan Du lịch Bali đảm bảo rằng mức thuế áp dụng cho Bali tương đương 10 USD/khách là hợp lý đối với khách du lịch nước ngoài, đồng thời chỉ ra rằng các quốc gia khác cũng thực hiện các chính sách tương tự. Ví dụ Thái Lan có kế hoạch áp dụng phí du lịch 300 baht (8,73 USD), Malaysia yêu cầu các khách sạn tiếp tục thu thuế du lịch 10 ringgit (2 USD) mỗi đêm. Vì vậy mức thuế của Bali là mức giá khả thi cho tất cả các du khách. Mức giá này cũng sẽ là hình mẫu cho các địa điểm “siêu ưu tiên” khác tại Indonesia. Chính quyền Bali cũng sẽ cố gắng cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch và tin rằng bất cứ khách du lịch nào cũng sẽ sẵn sàng trả tiền cho những dịch vụ hay trải nghiệm tốt hơn tại điểm đến.
Du khách nhận lại điều gì sau khi nộp phí?
Bali là nơi đóng góp ngoại hối lớn thứ hai cho Indonesia sau ngàn dầu khí. Tỉnh này chiếm 50% nguồn thu ngoại tệ từ du lịch, đạt khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Mặc dù du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn nhưng Indonesia đều đang theo đuổi chiến lược phát triển du lịch mới và cao cấp hơn, chọn lọc hơn cho lộ trình sắp tới.
Không chỉ ban hành áp thuế mà Indonesia cũng đưa ra một loạt các biện pháp để khôi phục chất lượng của ngành du lịch trong nước, như việc đưa ra các quy định cấm du khách không ăn mặc hở hang chụp ảnh tại nơi linh thiêng, không say xỉn tại nơi công cộng hay không được vi phạm luật giao thông… Tất cả những hành động vi phạm quy định sẽ bị trục xuất hoặc du khách có thể bị tống giam. Là một đất nước có đông người Hồi giáo đòi hỏi sự tôn trọng chuẩn mực văn hóa bản địa nên Indonesia luôn hướng tới một ngành du lịch có chọn lọc và chất lượng. Indonesia cũng đã đề cập khả năng đặt hạn ngạch đối với khách du lịch nước ngoài đến thăm Bali và số tiền tối thiểu mà khách du lịch nước ngoài sẽ phải có trong tài khoản tiết kiệm trước khi bay đến Bali.
Tuy nhiên bên cạnh việc đặt ra các yêu cầu với khách du lịch quốc tế, ngành du lịch Indonesia cũng khẳng định đây là chính sách “có đi có lại” về những điều du khách sẽ được nhận. Khách du lịch đến thăm Indonesia sẽ không chỉ được đo lường bằng số lượng mà còn bằng chất lượng kỳ nghỉ. Indonesia cũng có hàng loạt các kế hoạch để nâng cao chất lượng và dịch vụ du lịch, bao gồm thiết lập Quỹ du lịch hoạt động vào năm tới. Từ cuối năm ngoái, Indonesia cho biết sẽ chi ngân sách bổ sung trị giá gần 1 tỷ USD để phát triển 5 điểm đến “siêu ưu tiên” trong vòng 2 năm.
Sở hữu vẻ đẹp và mức chi phí hợp lý với nhiều du khách, Bali hay các địa điểm “siêu ưu tiên” khác của Indonesia đã khẳng định được sức hấp dẫn, và dù hàng loạt các quy định đưa ra nhưng lượng khách quốc tế vẫn tới Indonesia đạt mức xấp xỉ trước đại dịch. Tuy nhiên khẩu hiệu “Tôn trọng văn hóa của địa phương – Điều làm nên khác biệt của xứ vạn đảo” là khẩu hiệu người dân Bali hay nhiều người dân Indonesia muốn gửi đến các du khách quốc tế.