Theo chuyên gia Yeoh Guan Jin của trang Free Malaysia Today (FMT), du khách hiện tại không chỉ vội vã thực hiện các chuyến đi được chờ đợi từ lâu trong suốt đại dịch Covid-19 mà thậm chí còn tìm kiếm những trải nghiệm kỳ lạ hơn như bơi trong vùng biển có nhiều cá mập, thử cầu trượt tử thần và những cuộc chạm trán cận kề kỳ lạ với hiểm nguy.
Nhu cầu du lịch ngày càng gia tăng và đa dạng
Một báo cáo gần đây của công ty du lịch trực tuyến Tripadvisor cho thấy nhu cầu du lịch đang rất mạnh mẽ, mọi người chỉ đơn giản là gói ghém hành lý và nhanh chóng dấn thân vào các chuyến bay tiếp theo. Trang Tripadvisor đã ghi nhận lượng tìm kiếm của khách du lịch trên trang web của họ đang cao “hơn bao giờ hết”. Các bãi biển là một điểm nhấn thu hút sự quan tâm của du khách, với hơn 4,8 triệu lượt tìm kiếm trong năm nay, tiếp theo là các khu nghỉ dưỡng với 3,2 triệu lượt tìm kiếm và spa với 1,7 triệu lượt tìm kiếm.
Theo chuyên gia Yeoh Guan Jin, tâm lý háo hức đi du lịch này thậm chí dễ lan truyền hơn nhiều so với căn bệnh lây nhiễm đã hạn chế việc di chuyển hai năm trước.
Thú vị hơn là đã có 1.636 lượt đặt vé lặn ngắm cá mập, 16.563 lượt đặt tour trượt zipline và 47.015 lượt đặt vé tour trải nghiệm ma quỷ và ma cà rồng.
Việc nhanh chóng nối lại các chuyến bay và tỷ lệ lấp đầy khách sạn, nhà nghỉ tăng cao cũng là minh chứng cho sự trở lại của cơn khát du lịch.
Theo báo cáo tháng 11 của Tổ chức Du lịch Thế giới, một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, du lịch quốc tế đang trên đà đạt 65% mức trước đại dịch vào cuối năm nay.
Ước tính có khoảng 700 triệu khách đi du lịch quốc tế từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, châu Âu dẫn đầu sự phục hồi du lịch này khi ghi nhận 477 triệu lượt khách quốc tế tính đến tháng 9 năm nay, chiếm 68% tổng lượng khách thế giới.
Ở châu Á và Thái Bình Dương, lượng khách đến tăng hơn gấp ba lần trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 được Trung Quốc áp đặt thời gian qua đã phần nào làm giảm một số động lực phục hồi. Lượng khách quốc tế năm nay thấp hơn 83% so với mức năm 2019.
Cũng giống như nhiều nơi khác, lượng khách du lịch đến Malaysia dự kiến sẽ phục hồi hoặc vượt quá mức trước Covid-19 vào năm 2024. Suy thoái kinh tế dự kiến vào năm 2023 có thể sẽ làm giảm tinh thần khám phá những vùng đất mới và vươn tới những chân trời mới của du khách.
Malaysia hướng đến chiến lược mới
Du lịch là một ngành quan trọng trong nền kinh tế Malaysia. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Malaysia, ngành này đã tạo ra 197,9 tỷ RM tổng giá trị gia tăng (GVA), chiếm 12,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2021.
Những con số nói lên câu chuyện du lịch Malaysia là chưa đủ hấp dẫn với du khách. Trong một thập kỷ rưỡi tính đến năm 2021, lượng khách du lịch tới nước này hầu như không có bất kỳ sự cải thiện nào. Trong khoảng thời gian 15 năm, năm tốt nhất của Malaysia là năm 2014, khi có 27,44 triệu du khách đến nước này.
Sự tương phản với nước láng giềng Thái Lan là rất đáng kể. Từ năm 2014 đến 2019, Malaysia đón trung bình từ 25 triệu đến 28 triệu du khách mỗi năm. Ở Thái Lan, con số này đã tăng liên tục từ 24 triệu lượt khách vào năm 2014 lên hơn 39 triệu lượt khách vào năm 2019.
Vào ngày 10/12 vừa qua, Thái Lan cũng đã đón hành khách thứ 10 triệu đến nước này và dự kiến sẽ có doanh thu du lịch gần 16 tỷ USD trong năm nay. Những con số này đánh dấu quá trình phục hồi du lịch đáng kể và chiến lược du lịch mạnh mẽ của nước này.
Theo ông Yeoh Guan Jin, có lẽ Malaysia đặt mục tiêu du lịch chưa đủ cao. Chẳng hạn, mục tiêu của Malaysia cho năm 2023 là 15 triệu lượt khách, so với 18 triệu của người Thái.
Ông Yeoh Guan Jin cũng cho rằng Bộ trưởng du lịch mới nhậm chức của Malaysia Tiong King Sing sẽ phải đưa ra một chiến lược hoàn toàn mới để đưa Malaysia thành điểm đến được lựa chọn cho những ai tìm kiếm trải nghiệm mới.