Nghiên cứu mới nhất của nền tảng du lịch Klook chỉ ra rằng, năm 2024, MXH chính là công cụ thiết yếu để chia sẻ trải nghiệm, thúc đẩy yếu tố lan tỏa và nhu cầu du lịch.
Có thể thấy, 96% khách du lịch châu Á – Thái Bình Dương khi đi du lịch đều tích cực đăng và chia sẻ chuyến phiêu lưu của họ lên MXH, trong đó gần một nửa làm thế để lưu lại khoảnh khắc. Những thông tin đăng tải về hành trình, trải nghiệm của họ lên MXH đã trở thành một phương tiện thông tin cho những người ở nhà có mong muốn được đi du lịch xem xét và lựa chọn địa điểm, hành trình tiếp theo của họ trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành Klook Việt Nam cho biết, thông tin chia sẻ du lịch trên MXH không chỉ là khoảnh khắc kỷ niệm với những kết nối xã hội của họ mà còn được xem là mức độ tin cậy, uy tín về các đề xuất du lịch trực tuyến cũng được nâng cao. Chính vì vậy, hơn 80% khách du lịch châu Á – Thái Bình Dương và đến 91% du khách Việt Nam đã đặt các dịch vụ du lịch dựa trên các đề xuất và đánh giá từ người sáng tạo nội dung, trong đó định dạng phổ biến nhất với người Việt Nam là video (63%) vì có sức hút trực quan mạnh mẽ.
Các mạng xã hội phổ biến nhất được du khách châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả người Việt Nam thường xuyên sử dụng để tìm cảm hứng du lịch là Facebook, TikTok, Instagram và YouTube. Trong đó, người Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong việc sử dụng Facebook (95%) và TikTok (83%) làm nền tảng truyền cảm hứng du lịch cho họ.
Trong khi đó, theo khảo sát của American Express, Instagram là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất đối với cả thế hệ Z và Millennials, với 46% người dùng khẳng định nội dung trên Instagram ảnh hưởng đến quyết định đặt phòng, sau đó là Facebook (34%) và TikTok (29%).
Không chỉ MXH, văn hóa đại chúng cũng là một nguồn cảm hứng lớn cho thế hệ trẻ. Các chương trình truyền hình, phim ảnh hoặc tin tức đều góp phần tạo nên mong muốn du lịch đối với thế hệ Z và Millennials. Theo American Express, 70% của cả hai thế hệ này cho biết họ thường xuyên cảm hứng từ nội dung truyền thông khi quyết định đến một điểm đến cụ thể.
Mặc khác, thay đổi thói quen của thế hệ Z và Millennials khi đi du lịch cũng rất rõ rệt. Họ thích tạo ra nội dung giá trị trên MXH, đặt trọng tâm vào trải nghiệm thay vì tiêu dùng. Điều này đặc biệt phổ biến ở các quốc gia như Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc.
Với những thay đổi thói quen, xu hướng từ MXH, các công ty, nền tảng du lịch nhận định, ngành du lịch đang đứng trước sự dịch chuyển mạnh mẽ của những du khách thế hệ kỹ thuật số nhưng khao khát tính chân thực. “Các nội dung ngắn gọn, dễ chia sẻ nhưng đảm bảo đầy đủ thông tin trên các thiết bị di động được họ tạo ra rất nhiều trong thời gian gần đây”, ông Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ thêm.
Nền tảng số và AI thúc đẩy ngành du lịch phát triển
Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã ảnh hưởng mạnh mẽ, mang tới lợi ích cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có du lịch. Các nghiên cứu cho thấy, chuyển đổi số trong du lịch dự kiến sẽ đóng góp tới 305 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025; đồng thời cung cấp những công cụ ứng dụng và nền tảng công nghệ cần thiết để hỗ trợ tối ưu cho việc tiếp cận gần hơn đến du lịch thông minh, đảm bảo phát triển bền vững.
Đáng chú ý, sự ra đời của AI và phân tích dự đoán đã hỗ trợ việc sắp xếp các dịch vụ trở nên cá nhân hóa hơn cho khách du lịch. Theo báo cáo của Expedia và HomeAway, 68% thương hiệu du lịch đã đầu tư vào công nghệ dự đoán trong năm 2024. Cụ thể, AI sử dụng dữ liệu được cá nhân hóa của du khách từ các chuyến đi trước để tạo danh sách khách sạn, chuyến bay và điểm đến có thể yêu thích của họ, từ đó tăng cơ hội đặt phòng thành công.
Báo cáo xu hướng du lịch 2024 của trang tìm kiếm du lịch trực tuyến Booking.com cho thấy, từ hơn 27.000 người trên toàn thế giới được khảo sát, 7 xu hướng du lịch được đánh giá sẽ là nổi bật của năm nay, trong đó vai trò của công nghệ AI không thể thiếu.
Đáng chú ý, giới trẻ Việt Nam thích du lịch và ngẫu hứng, với gần 60% du khách được khảo sát cho biết sẽ không lên kế hoạch trước khi đi nghỉ và 81% sẽ có một kế hoạch linh hoạt để thay đổi lịch trình bất cứ lúc nào mong muốn.
Tương tự, khảo sát của Klook cũng ghi nhận, du khách Việt Nam là một trong những tín đồ du lịch nhiệt huyết nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024, khi có hơn 90% trong số họ đã đặt chuyến du lịch cho thời gian từ nay đến nửa cuối năm. Tuy nhiên, đi ngược lại xu hướng lên lịch trình kĩ càng, khách du lịch Việt Nam là những du khách tự phát nhất châu Á – Thái Bình Dương, khi có tới một nửa trong số họ thích đặt các trải nghiệm và hoạt động du lịch chỉ sau khi họ đến nơi hoặc khi đang ở điểm đến.
Cụ thể, 64% du khách được khảo sát cho biết, việc tự phát và ngẫu hứng đến từ tính độc đáo khi họ trải nghiệm du lịch tại điểm đến, 38% thì muốn thử nghiệm những điều mới mẻ dựa trên đề xuất du lịch nhất. “Có thể nói, họ là những nhà thám hiểm “sợ bị bỏ lỡ” nhất trong khu vực. Các hoạt động ngoài trời và thiên nhiên, công viên giải trí và trải nghiệm văn hóa là những lựa chọn hàng đầu của du khách Việt để tận hưởng kỳ nghỉ trọn vẹn”, ông Nguyễn Huy Hoàng nhận xét.
Để đáp ứng xu hướng du lịch lịch hoạt này, ngành du lịch đã và đang đưa ra những dịch vụ linh hoạt ứng dụng công nghệ cho phép du khách khả năng hủy, thay đổi kế hoạch.
Ngoài ra, tối ưu ngân sách, du lịch “sang chảnh” (A La Carte Affluencers) cũng sẽ là một xu hướng nổi bật trong năm tới. Những người thuộc xu hướng này muốn thể hiện sự dư dả, chi tiền mà không cần cân đo tài chính, nhưng phía sau đó là cả một kế hoạch chi tiêu tường tận và hành trình du lịch tối ưu ngân sách được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của AI.
Trên thực tế, có tới 71% du khách Việt muốn có thông tin chuyên sâu và các bí quyết từ AI để nâng cấp trải nghiệm khi đi nghỉ với các đề xuất ưu đãi cùng sản phẩm, dịch vụ bổ sung, tất cả chỉ với vài thao tác chạm đơn giản. Các trang web, app điện thoại về du lịch với lợi thế tối ưu, cho phép đặt chỗ mọi lúc mọi nơi, cung cấp các đánh giá, thông tin tổng quan ngày càng trở thành địa chỉ quen thuộc của dân mê xê dịch.
Ông CS Soong, Phó Tổng giám đốc phát triển thị trường tại Klook, cho biết kết quả kinh doanh của nền tảng thương mại điện tử về các dịch vụ du lịch này đã cán mốc 3 tỷ USD, tăng gấp 3 so với thời điểm trước dịch, bất chấp bối cảnh du lịch ở châu Á – Thái Bình Dương chưa hồi phục hoàn toàn.