Sự gián đoạn trong di chuyển toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra vẫn đang ảnh hưởng sâu sắc đến ngành Du lịch (DL) của ASEAN, khi khu vực này mất 8,4% trong tổng GDP do lượng du khách đến thăm giảm mạnh.
Du lịch là một trong những ngành dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng này. Nhiều bãi biển và rạn san hô của ASEAN đã bị tàn phá nghiêm trọng do các yếu tố môi trường. Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến các khu di tích văn hóa; ít nhất ba địa điểm được UNESCO công nhận ở Đông Nam Á đã được đánh giá là dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng bão lũ trong tương lai: nguy cơ chuồi đất ở thành phố cổ Hội An của Việt Nam; sự thay đổi thảm thực vật của Vườn quốc gia Komodo ở Indonesia và việc xói mòn đất tại ruộng bậc thang Cordilleras ở Philippines.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan với mưa bão, lũ lụt, hạn hán tàn phá thường xuyên cũng sẽ tạo ra sự dịch chuyển của các dòng du khách: họ có thể sẽ tránh xa những khu vực có điều kiện thời tiết khó lường và nguy hiểm để đến những nơi an toàn hơn.
Chi phí và vòng luẩn quẩn
Chi phí ứng phó với BĐKH, dù là chính quyền địa phương hay doanh nghiệp DL chịu, cũng sẽ có khả năng làm tăng giá tour và thị thực DL, điều này có thể khiến du khách chọn những điểm đến rẻ hơn dù các chính sách yếu hơn về ứng phó với BĐKH. Vòng luẩn quẩn có thể mở rộng nếu ngân sách chính phủ dành cho việc sửa chữa, bảo trì các điểm DL bị ảnh hưởng bởi biện pháp thích ứng với BĐKH hạn chế, khi thu nhập về DL giảm do lượng khách viếng thăm sụt giảm. Không duy trì những địa điểm này đồng nghĩa với việc sức hút DL ở các quốc gia ASEAN có thể mất vĩnh viễn do mực nước biển dâng và những trận bão mạnh tàn phá.
Do BĐKH là vấn đề ảnh hưởng đến mọi quốc gia ASEAN, vì thế cần có hành động tập thể dựa trên các nguyên tắc chung, thay vì sáng kiến riêng lẻ của từng quốc gia thành viên. Các chuyên gia cho rằng rất cần có các chiến lược DL đặc biệt một cách cụ thể và những quy định về BĐKH cho toàn khu vực.
Kế hoạch Chiến lược du lịch ASEAN 2016 – 2025 nhấn mạnh các biện pháp bảo tồn môi trường và những biện pháp thích ứng với BĐKH. Mặc dù vậy, ASEAN vẫn thiếu hướng dẫn chung về môi trường đối với ngành DL và đáng tiếc là các quốc gia thành viên riêng lẻ chưa đưa ra hành động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm phát thải và DL bền vững.
Các khuôn khổ và hướng dẫn
Hiện nay có một số dự án trên thế giới đưa ra các khuôn khổ và thực hành cụ thể cho ngành DL để thích ứng với BĐKH, chẳng hạn như Hướng dẫn chiến lược để thích ứng với BĐKH của Liên hiệp sinh thái về các địa điểm DL ở Địa Trung Hải. Các biện pháp như đánh giá tác động của BĐKH và quản lý những tác động của nó, bao gồm cả việc áp dụng hệ thống cảnh báo sớm, phải được lựa chọn và đánh giá rõ ràng với sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương.
Ngoài ra, các khu vực đô thị như Bangkok (Thái Lan) và TPHCM (Việt Nam), hai trong số khu DL nổi tiếng nhất của ASEAN, không nên bỏ qua việc phát triển DL thích ứng với BĐKH. Hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới về thích ứng với BĐKH ở các thành phố gợi ý rằng các đô thị có thể sửa đổi những quy hoạch tổng thể của họ về sử dụng đất và giao thông đồng thời cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tăng khả năng chống chịu với BĐKH, chẳng hạn như cải thiện mạng lưới đường bộ ở những vùng bãi bồi đông dân cư.
Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh việc cần thiết phải thu thập dữ liệu chính xác, vốn là một trong những thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong việc giám sát, xác minh, đồng thời đánh giá hiệu quả của các nỗ lực thích ứng với BĐKH của họ.